Thứ Sáu, 29/03/2024 12:26

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  07/05/2012 15:24     

Góp ý Dự thảo Luật Công đoàn Việt Nam (sửa đổi): KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN CHỦ YẾU DÙNG ĐỂ PHỤC VỤ, CHĂM LO CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG


Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức góp ý kiến dự thảo Luật CĐ (sửa đổi)

Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tổ chức lấy ý kiến của CNVC-LĐ và cán bộ công đoàn tham gia đóng góp vào quá trình dự thảo Luật Công đoàn Việt Nam (sửa đổi), trong gần một năm qua Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức nhiều đợt lấy ý kiến đóng góp của đông đảo cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.

Ngày 03/5/2012, tại cuộc họp lấy ý kiến đóng góp về Luật Công đoàn (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức, Thường trực LĐLĐ tỉnh đã đóng góp ý kiến về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Trước đó, ngày 18/4/2012 LĐLĐ tỉnh có văn bản bổ sung ý kiến đóng góp vào Luật Công đoàn (sửa đổi), tổng hợp ý kiến của cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động trong tỉnh, gởi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh gồm 4 nội dung:

1. Về địa vị pháp lý của Công đoàn ( Điều 1)

Thực tiễn, từ trước tới nay trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 09-KL/TW ngày 16/9/2011 của Bộ Chính trị, Bộ Luật Lao động hiện hành và các văn bản pháp luật khác đều quy định Công đoàn có chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động và trên thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn đã và đang thực hiện chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động.

Vì vậy, nếu qui định Công đoàn “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động” như Điều 1 của dự thảo Luật thì sẽ không rõ chủ thể chịu trách nhiệm; đồng thời làm cho trách nhiệm của tổ chức công đoàn thiếu tập trung và trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội đối với việc chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động không được rõ ràng (ví dụ: tổ chức xã hội như Hội người yêu thơ, Hội chim cá cảnh, Hội từ thiện, … không có trách nhiệm phải chăm lo và bảo vệ người lao động). Mặt khác về mặt kỹ thuật xây dựng pháp luật thì không nên có những quy định chung chung, không rõ đối tượng điều chỉnh và như vậy không phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Công đoàn.

Đa số ý kiến đề nghị cần khẳng định chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, công chức, viên chức và người lao động như Điều 1 dự thảo Luật và chỉnh sửa theo hướng: Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động tự nguyện lập ra, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam. Công đoàn đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, công chức, viên chức và người lao động (gọi chung là người lao động); tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

2. Về Tài chính công đoàn (Điều 26)

Để tổ chức công đoàn mạnh, cộng với nguồn kinh phí công đoàn được đảm bảo sẽ tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thông qua thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; tuyên truyền giáo dục người lao động học tập nâng cao nhận thức chính trị, trình độ văn hóa, tay nghề; tập huấn cho người lao động hiểu biết pháp luật lao động, ý thức tổ chức kỷ luật để thực hiện tốt hơn nội quy lao động, đặc biệt là tổ chức tốt phong trào thi đua lao động sản xuất góp phần tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp phát triển ngày càng bền vững.

Mặc khác, trong kinh phí 2%, hiện nay được phân bố theo tỷ lệ: 1,2% để lại cho Công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động, còn 0,8% dành cho hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên, trong đó Công đoàn cấp trên lại dành phần lớn kinh phí để chăm lo trở lại cho người lao động. Các khoản chi tiền lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, mua sắm tài sản của Công đoàn và các hoạt động tài chính khác đều phải thực hiện theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước, được kiểm toán Nhà nước kiểm toán theo quy định. Về ý nghĩa chính trị, nếu công đoàn có nguồn kinh phí được quản lý sử dụng sẽ giảm tính phụ thuộc vào giới chủ - nhất là ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Vì những lẽ trên, tất cả các ý kiến đều đề nghị được giữ nguyên như phương án trình Quốc hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

“ Điều 26. Tài chính công đoàn

Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau:

1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng hàng tháng theo quy định của Điều lệ công đoàn Việt Nam.

2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương  thực trả cho người lao động.

3. Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.

4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; thu từ các đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức công đoàn quốc tế; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.”

3. Sử dụng, quản lý tài chính công đoàn (Điều 27)

 - Khoản 1, Điều 27 của dự thảo mới đề nghị bỏ cụm từ “đối với nguồn thu từ đoàn phí”.

 - Đề nghị giữ nguyên như dự thảo cũ, tức là giữ nguyên Khoản 1, Điều 16 Luật Công đoàn năm 1990 là: “Công đoàn thực hiện quyền tự quản về tài chính theo pháp luật và những quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”

- Điểm 1 Khoản 2 (Các nhiệm vụ chi khác theo quy định của Chính phủ). Vì tài chính công đoàn không phải là ngân sách Nhà nước mà chi theo nhu cầu thực tế của từng cơ sở hãy để cho công đoàn quyết định khoản chi này. Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo cũ.

Từ trước đến nay, tổ chức Công đoàn thực hiện tự quản về tài chính và sử dụng tài chính công đoàn theo đúng các quy định của Pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng thời luôn chịu sự giám sát của Nhà nước, của đoàn viên, người lao động và cơ quan kiểm toán về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật. Hiện nay, vận hành tài chính của công đoàn đang theo cơ chế chặt chẽ, các định mức chi tiêu đều áp dụng theo quy định của Nhà nước; có bộ máy thống nhất từ trung ương đến cơ sở.

Việc thực hiện tự quản về tài chính công đoàn chính là thể hiện tính “độc lập tương đối” của tổ chức Công đoàn, có tính kế thừa theo quy định tại điều Điều 20 Luật Công đoàn năm 1957: Tổng Công đoàn Việt Nam quy định thể lệ tài chính trong Công đoàn”; Khoản 1 Điều 16 Luật Công đoàn năm 1990: “Công đoàn thực hiện tự quản về tài chính theo pháp luật và những quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.

Vì vậy, đề nghị vẫn giữ Điều 27 như sau:

“Điều 27. Sử dụng, quản lý tài chính công đoàn

1. Công đoàn thực hiện tự quản về tài chính và sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Tài chính công đoàn được sử dụng chi cho các hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn:

a. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, trình độ chính trị, kinh tế, xã hội và pháp luật cho người lao động.

b. Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

c. Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

d. Tổ chức phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

đ. Đào tạo, bồi dưỡng công nhân ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn; Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn.

e. Tổ chức phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho người lao động.

g. Tổ chức các hoạt động về giới và bình đẳng giới.

h. Tổ chức thăm hỏi đoàn viên và người lao động khi bị ốm đau, thai sản, hoạn nạn; trợ cấp khó khăn cho đoàn viên và người lao động và các hoạt động chăm lo khác cho người lao động.

i. Động viên khen thưởng cho đoàn viên, người lao động hoặc con của đoàn viên, người lao động có thành tích trong học tập nâng cao trình độ.

k. Trả lương cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn không chuyên trách từ cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến cấp Công đoàn cơ sở.

m. Tổ chức các hoạt động đối ngoại, ngoại giao nhân dân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam thống nhất quản lý tài chính và quy định cụ thể việc phân phối, sử dụng, quản lý tài chính công đoàn”.

4. Về Kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn ( Điều 29)

Trong hệ thống tổ chức Công đoàn thì Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp từ trung ương đên cơ sở có chức năng kiểm tra tài chính đồng cấp và kiểm tra tài chính Công đoàn cấp dưới, hiện nay việc kiểm tra tài chính đồng cấp và kiểm tra tài chính Công đoàn cấp trên đối với Công đoàn cấp dưới rất có hiệu quả, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính trước khi có sự giám sát của cơ quan Nhà nước và cơ quan kiểm toán.

Do đó, nếu quy định như dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) (dự thảo ngày 24/3/2012) thì rất khó thực hiện trong điều hành chỉ đạo, đồng thời không đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất; đồng thời, bỏ vai trò của Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp là không phù hợp với thực tiễn và tính kế thừa của các quy định pháp luật trước đây đang thực hiện có hiệu quả.

Vì vậy, đa số các ý kiến đề nghị điều 29 được điều chỉnh như sau:

“Điều 29. Kiểm tra, giám sát tài chính Công đoàn

1. Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp hàng năm phải kiểm tra tài chính công đoàn đồng cấp và kiểm tra tài chính công đoàn cấp dưới.

2. Công đoàn cấp trên hướng dẫn và giám sát việc thực hiện công tác tài chính của công đoàn cấp dưới.

3. Nhà nước giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính của công đoàn theo quy định của pháp luật.”

           

DUY TRÚC tổng hợp

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9840001
Online
Hiện có: 82   Khách