Thứ Sáu, 19/04/2024 02:56

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  27/06/2017 10:21     

ĐIỀU TRỊ METHADONE- HIỆU QUẢ VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ


Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân ma túy


Theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH người nghiện ma túy không phải là đối tượng tệ nạn xã hội nữa, mà sẽ được gọi là người bệnh. Chính vì vậy, người cai nghiện ma túy sẽ được đối xử như một bệnh nhân. Phải thừa nhận sự thật rằng, cứ 10 bệnh nhân nghiện ma túy thì có đến 8/10 bệnh nhân nghiện nhiễm HIV/AIDS (do sử dụng chung bơm kim tiêm khi chích ma túy). Do vậy việc điều trị song song HIV/Nghiện ma túy đòi hỏi bệnh nhân phải có sức chịu đựng, bền bỉ theo đuổi phác đồ điều trị đến cùng, đồng thời đó cũng là áp lực đối với những bác sĩ trực tiếp điều trị. Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Chương trình điều trị nghiện thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm tiêm chích ma túy (IDU) tại tỉnh Khánh Hòa giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm khi chưa triển khai chương trình.

Thành công bước đầu

Trong những năm qua, tình hình một số tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có chiều hướng giảm. Người nghiện ma túy ngày càng tăng, độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa. Người nghiện đa số sử dụng ma túy dạng thuốc phiện như heroin, thuốc phiện. Số người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng tăng và rất khó phát hiện, kiểm soát.

Tính đến cuối năm 2016, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý là 1.193 người. Toàn tỉnh có 7/9 huyện, thị xã, thành phố, 97/140 xã, phường có người nghiện ma túy.

Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng Methadone tại 03 cơ sở, 02 điểm cấp phát thuốc với tổng số bệnh nhân (BN) tích lũy tham gia điều trị là 831, có 476 BN hiện đang được điều trị liên tục (chỉ tiêu cấp trên giao là 500 BN). Trong đó: BN là nam giới 456 người, nữ giới 20 người; Số BN đạt liều duy trì là 397; Số BN vừa điều trị HIV/AIDS vừa điều trị bằng Methadone là 33; BN có liều điều trị cao nhất là 325mg, liều điều trị thấp nhất là 7mg và liều điều trị trung bình của tỉnh là 70,4 mg.
Điều đáng mừng là trong suốt quá trình điều trị, chưa có BN nào dừng điều trị do tác dụng phụ của Methadone hoặc bệnh nặng. Một số BN đang điều trị Methadone bị mắc kèm bệnh khác như lao, rối loạn tâm thần, các bệnh phải điều trị bằng phẫu thuật, tai nạn giao thông/sinh hoạt...cơ sở điều trị đã chuyển thuốc Methadone đến nơi người bệnh nằm viện để được tiếp tục điều trị theo quy định. Đặc biệt, tới thời điểm hiện tại chưa có BN nghiện nào vi phạm pháp luật khi đang tham gia điều trị tại các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh.
Về sức khỏe, thể chất, tâm thần của BN: hầu hết (khoảng 80%) BN tuân thủ điều trị tốt, chấp hành ngày càng tốt nội quy cơ sở, quy định chuyên môn; một số tìm được việc làm, có nhận thức, ý thức trách nhiệm với cuộc sống như dự định lập gia đình, quan tâm chăm sóc gia đình tốt hơn...; sức khỏe ngày càng được cải thiện (cải thiện cân nặng); Tất cả BN âm tính với HIV trước khi bắt đầu điều trị, sau khi tham gia điều trị trên 6 tháng đều được xét nghiệm HIV lập lại, kết quả đều âm tính với HIV. Một số BN còn tiêm chích ma túy trong quá trình điều trị có số lần tiêm chích ngày càng ít, và khi tiêm chích đều tiêm chích bằng bơm kim tiêm sạch đồng thời sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
Phải nói rằng, đến nay Chương trình điều trị nghiện các CDTP bằng Methadone tại tỉnh đã đáp ứng phần nào nguyện vọng của người nghiện chích ma túy, gia đình người nghiện ma túy và của cộng đồng là giảm lây truyền các bệnh lây qua đường tiêm chích, giảm sử dụng lại Heroin, giảm tội phạm do người nghiện gây ra...

Còn đó những trăn trở

Hiệu quả của việc điều trị các CDTP bằng Methadone đối với người nghiện ma tuý là rất rõ ràng. Tuy nhiên, các cơ sở điều trị và các điểm cấp phát Methadone trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc số BN tăng dần lên, gây quá tải cho các cơ sở điều trị. BN có đặc thù di biến động, khó đảm bảo tham gia điều trị với điều kiện ngày nào cũng phải uống thuốc.
Trong quá trình điều trị Methadone, nhiều BN có cải thiện tốt về mặt sức khoẻ, tinh thần nhưng do không có việc làm ổn định, dễ dẫn đến tâm lý buồn chán, bức bối, chán đời,… do vậy họ rất dễ tái sử dụng ma tuý hoặc nghỉ điều trị Methadone một vài ngày, tác động lớn đến kết quả điều trị. Đặc biệt, nhiều BN điều trị Methadone bắt đầu tìm đến sử dụng Methamphetamine (hàng đá). Mà Methadone lại không có tác dụng ngăn chặn những tác động của Methamphetamine (gây phê hơn nếu dùng chung với Methadone). Do vậy, khi BN sử dụng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, gây ảo giác, dẫn đến việc gây rối trật tự tại cơ sở điều trị Methadone, va chạm với bệnh nhân khác hoặc không chấp hành nội quy cơ sở.

Một khó khăn nữa đối với các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh hiện nay là vấn đề thiếu đội ngũ Y, Bác sĩ làm công tác điều trị. Nhân sự làm việc tại các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc phần lớn theo chế độ hợp đồng lao động ngắn hạn, tỉnh chưa bố trí được biên chế nhân sự; chế độ làm việc vào ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết) chưa có cơ chế ưu đãi phù hợp. Đây cũng là yếu tố khiến các ứng viên không mấy “mặn mà” với công việc này mặc dù hàng năm vẫn có thông báo tuyển dụng.

Methadone là chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện, đòi hỏi quản lý vô cùng nghiêm ngặt. Bên cạnh việc quản lý, sử dụng nghiêm ngặt gây áp lực cho nhân viên y tế tại cơ sở, vấn đề an ninh tại cơ sở điều trị và khu vực lân cận cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, các cơ sở điều trị rất thiếu kinh phí cho công tác này.
Từ năm 2016, kinh phí các dự án tài trợ kết thúc, ngân sách từ Trung ương và UBND các cấp rất hạn chế... nên rất khó khăn, chật vật để triển khai các hoạt động. Điều này tác động đến tính bền vững của chương trình...Nguồn thuốc Methadone tại tỉnh hiện nay do Qũy toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS cấp phát miễn phí và sẽ dừng tài trợ dự kiến vào năm 2018. Mặc dù Chương trình điều trị Methadone tại tỉnh đã triển khai thu phí (trừ thuốc Methadone) dịch vụ xét nghiệm đối với bệnh nhân nghiện khi tham gia điều trị. Tuy nhiên việc thu phí gặp rất nhiều khó khăn do bệnh nhân phản ứng do chưa hiểu cặn kẽ vấn đề, rồi bệnh nhân chây ì trong việc đóng tiền, điều trị ngắt quãng, bỏ trị, gây gổ với nhân viên y tế…

Giái pháp nâng cao chất lượng chương trình

Trong bối cảnh hiện nay, khi người nghiện ma túy “được thừa nhận” là bệnh nhân, đây cũng là cơ hội để Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone của tỉnh nhà trở thành địa chỉ quen thuộc, địa chỉ đáng tin cậy trong việc cai nghiện tại cộng đồng dân cư và từng bước phát triển thành Trung tâm cai nghiện tại cộng đồng thì cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa về sự tham gia, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức dựa vào cộng đồng, các tổ chức thiện nguyện xã hội... để tiếp tục vận động, hỗ trợ đến gia đình và cá nhân người nghiện CDTP tự nguyện tham gia điều trị Methadone. Bên cạnh đó công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực cần phải xem xét, có chính sách ưu đãi phù hợp cho cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia điều trị, cấp phát thuốc Methadone, giúp họ an tâm công tác lâu dài.

Cần có Quy chế phối hợp giữa cơ sở điều trị với các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong việc lồng ghép chương trình điều trị Methadone với công tác hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm phù hợp lâu dài cho bệnh nhân, giúp họ ổn định tư tưởng, dự phòng tái nghiện ma tuý đồng thời giúp họ có thu nhập để hướng tới chủ động chi trả một phần kinh phí trong quá trình điều trị. Có như vậy, chương trình điều trị hay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone của tỉnh mới có thể mang lại hiệu quả và hướng tới sự bền vững.

BẢO TRỊ
 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9907463
Online
Hiện có: 23   Khách