Thứ Sáu, 29/03/2024 05:35

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  29/07/2017 00:00     

BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS - Còn đó những rào cản


Bệnh nhân HIV/AIDS khám bệnh tại Trung tâm HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15 về thanh toán BHYT cho người nhiễm HIV, có hiệu lực từ 15/8/2015, thế nhưng Thông tư này vẫn còn một vài điểm bất cập khiến nhiều người vẫn còn băn khoăn và lo lắng về việc chi trả BHYT được thực hiện như thế nào và làm thế nào để người bệnh có thể tiếp cận được với BHYT. Bên cạnh đó với việc không còn nhận được viện trợ từ quốc tế trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tự chủ về mặt tài chính để có thể đối phó với căn bệnh nguy hiểm này. Cụ thể, từ ngày 1/1/2017, thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV sẽ không còn được cấp phát miễn phí mà được chi trả thông qua bảo hiểm y tế. Điều này đồng nghĩa với việc người nhiễm HIV muốn được tiếp tục điều trị ARV miễn phí buộc phải có thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, để bệnh nhân HIV chuyển đổi thói quen từ việc điều trị thuốc ARV miễn phí sang điều trị bằng BHYT để BHYT chi trả một phần kinh phí thì vẫn còn nhiều rào cản về chính sách, mà chính ngay bệnh nhân HIV/AIDS tại Khánh Hoà cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng cho số phận của mình.

Theo số liệu từ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hoà, tính đến tháng 31/5/2017, toàn tỉnh có 2.240 người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV thì chỉ có hơn 30% trong số đó có thẻ BHYT đã và đang sử dụng thẻ để thanh toán cho các dịch vụ HIV.

Rào cản về kỳ thị phân biệt đối xử

Người nhiễm HIV có 03 yếu tố chính làm cho họ có được “hệ miễn dịch” tốt nhất, đó là tuân thủ điều trị; hành vi của người bệnh và thứ ba đó là về mặt tinh thần của người bệnh. Trong đó yếu tố tinh thần là yếu tố quan trọng nhất, bởi vì nếu bệnh nhân có tinh thần vui vẻ, lạc quan thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn, chính sự kỳ thị phân biệt đối xử sẽ làm cho tinh thần bệnh nhân suy sụp dẫn đến không tuân thủ điều trị và sống buông thả. Cũng chính điều này sẽ vô hình chung “đẩy” người nhiễm HIV đến sự kỳ thị của chính mình.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, nhận thức của cộng đồng về người nhiễm HIV/AIDS đã tăng lên đáng kể thì sự kỳ thị phân biệt đối xử không còn nặng nề như 20-30 năm trước. Nhưng theo nghiên cứu đánh giá chỉ số mức độ kỳ thị phân biệt đối xử của người sống chung với HIV tại Việt Nam (do mạng lưới những người sống chung HIV Việt Nam (VNP+) thực hiện ) trong 10 người nhiễm HIV thì có đến 03 người có ý định tự tử vì tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử, ngoài ra sự kỳ thị phân biệt đối xử trong các cơ sở Y tế, trong xã hội và trong gia đình còn rất cao.

Rào cản về mặt tài chính

Theo Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm – BHXH Việt Nam phối hợp cùng với Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế nghiên cứu đánh giá nhu cầu bệnh nhân HIV/AIDS, chỉ tính riêng thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân cả nước trong năm 2016 số tiền thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân hiện khoảng 100 tỷ, đến 2020 chúng ta cần 680 tỷ. Như chúng ta đều biết, từ trước đến nay các Qũy hỗ trợ của quốc tế như Qũy toàn cầu, PEPFAR, cộng với ngân sách nhà nước vẫn đủ đảm bảo thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Đối với BHYT, trong luật BHYT đều có những quy định rất cụ thể và rõ ràng đối với người tham gia BHYT đều được hưởng tất cả các quyền lợi, trong đó có người nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay, ngoài việc điều trị thuốc ARV, thì người nhiễm HIV/AIDS còn được thanh toán một phần kinh phí khi đi điều trị tại các cơ sở y tế (làm các xét nghiệm, chữa trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội). Nếu như các nguồn tài trợ không còn hỗ trợ nữa, thì tính từ thời điểm chấm dứt nguồn tài trợ đó thì quỹ bảo hiểm có trách nhiệm chi trả cho bệnh nhân HIV/AIDS đã tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các bệnh nhân HIV/AIDS vẫn được cấp phát thuốc điều trị ARV miễn phí. Cũng như nhiều các dịch vụ y tế khác, một khi nguồn viện trợ quốc tế không còn nữa, khoan hãy nói đến việc BHYT chi trả, nếu như họ tự chi trả thì bệnh nhân HIV/AIDS không có khả năng chịu được sức ép này, vì bệnh nhân HIV/AIDS đa số là những nhân nghèo và nghèo một cách “bền vững”, không có việc làm ổn định, sống tạm bợ qua ngày chiếm số đông. Việc điều trị thuốc ARV không phải là điều trị trong ngày một ngày hai mà phải điều trị suốt đời. Với số tiền từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu/tháng (chỉ tính riêng tiền thuốc ARV), chứ chưa tính tới các xét nghiệm liên quan thì đó là gánh nặng khá lớn, nếu gia đình chỉ có một người nhiễm HIV thì gia đình họ sẽ có thể gồng ghánh được nếu thu nhập gia đình họ ổn định còn nếu trong gia đình cùng một lúc có tới 2-3 người cùng nhiễm (cha, mẹ, con,…) thì với số tiền đó quả là người bệnh sẽ khó mà đảm bảo điều trị lâu dài.

Thuốc kháng vi rút ARV giúp kìm hãm sự phát triển của vi rút trong cơ thể người bệnh, giảm nguy cơ chuyển sang AIDS dẫn đến tử vong. Điều trị ARV đúng có thể giảm tới 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, đồng thời giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nếu không được điều trị ARV thì tỷ lệ lây nhiễm sang con từ 30-40% còn nếu được điều trị và có các biện pháp dự phòng thì tỷ lệ chỉ dưới 2%. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm ARV và tuân thủ điều trị tốt có tuổi thọ tương đương với người không nhiễm HIV. Theo ước tính của các chuyên gia, việc mở rộng điều trị ARV gần 150.000 người Việt Nam tránh được tử vong do AIDS trong giai đoạn 2001-2015. đây cũng chính là giai đoạn có đến 95% lượng thuốc ARV được mua từ nguồn viện trợ nước ngoài, vấn đề là kể từ năm 2017 nguồn viện trợ nước ngoài gần như không còn nữa, và không chỉ thuốc ARV mà còn rất nhiều chương trình phòng chống HIV/AIDS khác cũng sẽ gặp phải những khó khăn về vấn đề ngân sách. 70% kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam dựa vào viện trợ nước ngoài, 95% lượng thuốc ARV được mua từ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế. Nguồn viện trợ này ngày càng giảm nhanh, đến nay chưa có tổ chức quốc tế nào cam kết tài trợ cho Việt Nam sau năm 2017. Ngân sách Quốc gia, ngân sách địa phương và Bảo hiểm y tế là giải pháp tài chính được thống nhất. kinh nghiệm từ quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia gần như kinh phí điều trị ARV do ngân sách quốc gia đảm bảo. Với Việt Nam với khoảng trống kinh phí trước mắt rất lớn, dự kiến gần 7.500 tỷ đồng cho giai đoạn từ nay đến năm 2020. Chúng ta đang đứng trước khó khăn rất là lớn về tài chính.

Điều trị 115.000 bệnh nhân, tính tất cả các chi phí thì chúng ta phải chi tất cả khoảng 450 tỷ đồng/năm. Hàng năm ngân sách nhà nước có chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS có tăng nhưng không đủ để bù đắp lại nguồn viện trợ đã cắt giảm. Con số 450 tỷ đồng không phải quá lớn mà ngân sách nhà nước không thể không đáp ứng được, có một thực tế là ngân sách hàng năm nhà nước cấp chung cho ngành Y tế của cả nước nói chung và cho Phòng, chống HIV/AIDS nói riêng (chỉ một phần rất nhỏ) cách rất xa so với nhu cầu đề xuất thực tế của ngành Y tế. Trong khi đó nhu cầu trong 5 năm tới 2016-2020 tổng kinh phí cho thuốc ARV là 2.900 tỷ đồng tuy nhiên nguồn ngân sách nhà nước cấp cho rất ít so với con số này. Do vậy, để đảm bảo đủ kinh phí thì phải tính đến nguồn BHYT.

Rào cản về mặt tâm lý của bệnh nhân

Trong thời điểm hiện tại hầu hết các bệnh nhân đang hoang mang, lo lắng. Không phải là họ lo lắng vấn đề nhà nước không chi trả được với con số 450 tỷ đồng tiền thuốc ARV/năm mà là họ đang lo lắng quá trình chuyển giao giữa việc uống thuốc miễn phí và việc bảo hiểm y tế chi trả thì việc dùng thuốc của họ có bị đứt quãng hay không? nói đúng ra là họ sợ bị ngừng thuốc đột ngột. Và quy trình thanh toán bảo hiểm như thế nào? rõ ràng tiến trình chuyển giao này còn mù mờ chưa thể hiện một cách rõ ràng, và chưa có hướng dẫn cụ thể để người bệnh an tâm.

Một vấn đề mà bệnh nhân HIV lo lắng đó là vấn đề sợ lộ danh tính khi tham gia bảo hiểm, tuy nhiên vấn đề này đã có Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định rất rõ ràng. Hơn nữa tất cả thông tin bệnh nhân chỉ có bác sĩ điều trị biết và cơ quan bảo hiểm chỉ thu thập những thông tin cần thiết để phục vụ cho công tác chi trả viện phí và thông tin đó cũng sẽ bảo mật tuân thủ theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS và sẽ không có chuyện cung cấp cho bất cứ bên thứ 3 nào. Đặc biệt trên thẻ bảo hiểm không có ghi bất cứ thông tin nào liên quan đến bệnh HIV/AIDS.

Đối với bệnh nhân nghèo, họ lo sợ sẽ không có tiền để mua bảo hiểm Y tế tự nguyện hàng năm (do không đủ tiền), các cơ quan chức năng địa phương đã tính đến phương án là sử dụng các nguồn quỹ hỗ trợ người nghèo, từ các quỹ từ thiện, quỹ hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS và từ các nguồn phúc lợi xã hội khác để hỗ trợ cho bệnh nhân thật sự khó khăn, những người không đủ điều kiện thực hiện việc cùng chi trả (5-20%) khi đi khám chữa bệnh bằng BHYT.

Với chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, rõ ràng là đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để người bệnh tham gia bảo hiểm y tế để được chi trả một phần viện phí. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc về việc thủ tục hành chính trong việc tiếp cận bảo hiểm cá nhân khi theo quy định mua bảo hiểm theo hộ gia đình, nếu mua cả gia đình như vậy thì họ không đủ khả năng. Mặc dù ngành bảo hiểm đã có “tháo gỡ” là không bắt buộc các thành viện trong hộ gia đình mua cùng một thời điểm, tuy nhiên vấn đề đặt ra là một số bệnh nhân HIV/AIDS họ không có nơi cư trú cụ thể, không có hộ khẩu ở địa phương chính vì thế dù họ là hộ nghèo thì họ vẫn không được hưởng theo chính sách hưởng BHYT miễn phí của nhà nước.

Giải pháp

Cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam được sự quan tâm hỗ trợ hết sức mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có những quỹ lớn như: PEPFAR, Quỹ toàn cầu và của các nước khác. Khi Việt Nam thoát khỏi nước nghèo thì các quỹ viện trợ sẽ cắt giảm dần theo một lộ trình và chúng ta phải sử dụng nội lực để huy động nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong đó cần phải bù đắp phần thiếu hụt do nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm.

Một trong những giải pháp để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho công tác này, đó là phải tăng nguồn từ Chính phủ bao gồm từ Trung ương và các tỉnh thành chi cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị ARV. Để làm được việc này, đương nhiên người nhiễm phải có thẻ BHYT, bởi thuốc ARV là từ nguồn viện trợ quốc tế sẽ chấm dứt và trong tương lai gần nguồn thuốc này hoàn toàn sẽ được cấp từ nguồn BHYT. Bán bảo hiểm cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua các tổ chức xã hội thay vì theo hộ gia đình. Và cần có những hướng dẫn thật cụ thể để bệnh nhân tham gia mua bảo hiểm được thuận tiện và dễ dàng.

Tăng cường công tác truyền thông cho bệnh nhên hiểu được những chính sách mới hỗ trợ cho người nhiễm hiện nay trong đó có lợi ích về việc tham gia bảo hiểm y tế. Cần có sự phối hợp giữa người bệnh và cơ quan y tế cũng như cơ quan bảo hiểm y tế để hướng tới mục tiêu cơ bản cũng chỉ làm cho người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận điều trị, chăm sóc toàn diện, đầy đủ và điều trị sớm và làm cho nhận thức bệnh nhân không việc gì phải sợ kỳ thị vì căn bệnh này và xem nó như là căn bệnh mãn tính thông thường.

Kiện toàn, nâng cấp phòng khám và điều trị ARV thành phòng khám cấp bệnh viện đạt tiêu chuẩn để khám và điều trị bảo hiểm y tế để bệnh nhân HIV/AIDS hiện đang điều trị tại chỗ hạn chế sự xáo trộn, di chuyển sang cơ sở y tế khác.

Hơn 20 năm trước cuộc chiến chống lại căn bệnh HIV/AIDS không có phương thuốc hữu hiệu, nhiều người chết và có quá ít hy vọng. Tình trạng kỳ thị xa lánh cùng với quan niệm gắn họ (bệnh nhân HIV/AIDS) với các tệ nạn xã hội trong thời kỳ đầu đã làm hoảng loạn và phân hóa sâu sắc trong xã hội ở không ít quốc qia. 20 năm sau giờ đây nhân loại đã không còn hoảng sợ khi nhắc tới đại dịch chết người này nữa, đã có rất nhiều người nhiễm HIV được điều trị để có thể chung sống với vi rút HIV và đặc biệt là sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm đi rất nhiều. Việt Nam và những quốc gia khác có quyền tự hào về những nỗ lực của mình trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, chúng ta cũng ý thức được rằng hiểm họa chết người này sẽ quay trở lại bất kỳ lúc nào một khi chúng ta không còn nguồn lực chữa trị cho những người nhiễm HIV. Bảo hiểm y tế trở thành biện pháp khả dĩ duy nhất vào thời điểm này để Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hoà nói riêng đối phó thành công tiến tới chấm dứt hoàn toàn đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

BẢO TRỊ
 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9839146
Online
Hiện có: 39   Khách