Thứ Bảy, 20/04/2024 04:16

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  16/11/2017 14:32     

Ghi nhanh - Nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 12 (Damrey) của một số doanh nghiệp và công nhân lao động


Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Hằng
trao đổi tình hình thiệt hại với DNTN Thanh Khuê

Tổn thất do cơn bão số 12 (Damrey) gây ra quá lớn, trước mắt chưa thể thống kê chính xác con số thiệt hại trong toàn tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp và công nhân lao động...
Vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa đã đi thăm một số doanh nghiệp trên địa bàn tâm bão đi qua. Trước hình ảnh ngổn ngang, tan hoang bày ra trước mắt mới thấy sức tàn phá của thiên tai là vô cùng lớn và nghiệt ngã, đồng thời cũng cho thấy sự nỗ lực, chạy đua với thời gian nhằm khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất kinh doanh càng sớm càng tốt của doanh nghiệp và công nhân lao động...

1. Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt (Vạn Thắng, Vạn Ninh): Tổng số công nhân là 600 người, giải quyết lao động làm thêm tại địa phương trên 1.000 người. Bão đi qua làm sập 3 nhà kho, ướt toàn bộ nguyên liệu và thành phẩm; tốc mái toàn bộ các phân xưởng sản xuất. Dự kiến qua tết Nguyên đán mới có thể hoạt động trở lại. Hiện công ty huy động hơn 100 công nhân khắc phục hậu quả trước mắt, số còn lại nghỉ chờ việc. Công ty cân đối nguồn quỹ dự phòng hỗ trợ công nhân chờ việc với mức lương tối thiểu vùng.

2. Công ty TNHH Ngọc Trai Sài Gòn (Vạn Lương, Vạn Ninh): Tổng số công nhân là 210 người. Thiệt hại chưa thể thống kê bằng tiền, trên 20 chiếc tàu bị đánh chìm, bè nuôi trai bị xóa trắng, nhà xưởng tan tành. Hiện công ty huy động công nhân dọn dẹp, làm sạch môi trường đồng thời lên phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

3. Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (Ninh Phước, Ninh Hòa). Tổng số công nhân là 2.900 người. Nhà máy thiệt hại nặng qua cơn bão, nhưng với sự hỗ trợ của công ty mẹ Hàn Quốc, công ty đã nhanh chóng khắc phục hậu quả và ổn định sản xuất. Đối với công nhân lao động bị thiệt hại về nhà cửa, công ty đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ bước đầu 200 trường hợp bị thiệt hại nặng, tạo điều kiện về thời gian để công nhân sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.

4. Xí nghiệp may Khatoco (Ninh Ích, Ninh Hòa) trực thuộc Tổng Công ty Khánh Việt: Tống số công nhân là 1.100 người. Xí nghiệp thiệt hại nặng nề, nhà xưởng, kho tàng tốc mái hoàn toàn; 60 - 70% máy móc, thiết bị, nguyên liệu bị ướt. Xí nghiệp huy động trên 200 công nhân dọn dẹp mặt bằng, lên kế hoạch thi công lại nhà xưởng, bảo trì máy móc thiết bị. Dự kiến cuối tháng 11 phân xưởng 1 hoạt động trở lại, phân xưởng 2 là 15/12 để bảo đảm tiến độ giao hàng theo hợp đồng đã ký kết. Đối với số lao động chờ việc được hưởng lương tối thiểu vùng. Đồng thời, BCH Công đoàn tham gia phối hợp với lãnh đạo Tổng Công ty tổ chức thăm hỏi, nắm tình hình công nhân lao động bị thiệt hại nhà ở trong cơn bão, thống kê bước đầu toàn Tổng Công ty có trên 1.300 trường hợp bị thiệt hại ước tính trên 26 tỷ đồng, trong đó 172 trường hợp sập nhà hoàn toàn với mức hỗ trợ bước đầu là 5 triệu đồng/trường hợp và tiếp tục rà soát hỗ trợ các đợt tiếp theo.

5. DNTN Thanh Khuê (Vĩnh Phương, Nha Trang): Tổng số công nhân là 350 người. Đây là doanh nghiệp thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 12. Riêng phân xưởng II, toàn bộ nhà xưởng, máy móc, thiệt bị, nguyên liệu và thành phẩm hư hại hoàn toàn. Hiện doanh nghiệp huy động 100 công nhân tham gia khắc phục hậu quả, số còn lại nghỉ chờ việc. Dự kiến giữa tháng 1/2018 doanh nghiệp mới có thể hoạt động trở lại.

6. Công ty Dệt may Nha Trang (Vĩnh Phương, Nha Trang): Tổng số công nhân trên 2.000 người. Nhiều nhà xưởng, nhà kho bị tốc mái, hàng hóa hư hỏng, máy móc thiết bị ngấm nước, Hiện công ty vẫn trong tình trạng chưa có điện, nước. Công ty huy động số công nhân bảo trì đi làm, công nhân công nghệ tạm nghỉ chờ việc. Được sự hỗ trợ từ Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, dự kiến công ty sẽ sớm khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, công ty khảo sát tình hình thiệt hại về nhà ở của công nhân để có phương án hỗ trợ, đợt 1 là 200 trường hợp nhà bị sập hoàn toàn...

7. Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (TP. Nha Trang): Ước tính bước đầu, công ty thiệt hại hơn 100 tỷ đồng qua cơn bão 12. Phần lớn các cột điện đều bị xô lệch, gãy đổ, 500km đường dây bị mất trắng. Theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ EVN CPC Trần Đình Nhân, toàn bộ Điện lực Khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một số đơn vị thuộc Điện lực miền Nam (Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng) huy động 600 người là kỹ sư, công nhân hỗ trợ Khánh Hòa khắc phục hậu quả. Lực lượng huy động phối hợp cùng Điện lực Khánh Hòa chia nhóm xử lý các trạm trung thế, hạ thế đến công tơ, nhanh chóng cấp điện ở các khu vực trọng yếu sau bão và cấp điện trên phạm vi toàn tỉnh trong thời gian sớm nhất. Đối với công nhân lao động, thống kê ban đầu đã có 355 trường hợp thiệt hại nặng về nhà ở, ước tính khoảng 4,8 tỷ đồng. Nhiều công nhân nhà sập nhưng vẫn gác việc riêng, tham gia ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 12. BCH Công đoàn công ty phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp khảo sát và xét hỗ trợ đợt 1 cho công nhân sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống...

8. Công ty Môi trường đô thị Nha Trang (TP. Nha Trang): Cơn bão số 12 làm thiệt hại tài sản của công ty ước khoảng trên 1 tỷ đồng và các công trình công cộng của Nhà nước mà công ty quản lý khoảng 23 tỷ đồng. Từ ngày 4/11, khi bão tan, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội, đoàn thanh niên, sinh viên và nhân dân, công ty đã huy động toàn lực để làm sạch môi trường, bố trí công nhân ăn ca tại chỗ hoặc hỗ trợ 50.000đ/người/ca ở những vị trí không tập trung. Với cường độ xử lý trên 1.000 tấn rác/ngày (so với 400 tấn/ngày bình thường), đến ngày 14/11 cảnh quan, môi trường cơ bản đã được làm sạch. Về tình hình thiệt hại nhà ở của công nhân, lãnh đạo công ty đã lên kế hoạch hỗ trợ cho 231 trường hợp nhà bị tốc mái, sập tường giúp công nhân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Cũng như công nhân điện lực, công nhân môi trường tạm gác việc riêng, tham gia toàn lực làm sạch môi trường cảnh quan sau bão.

Ghi nhanh tại 8 doanh nghiệp trong nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão số 12 cho thấy, điều đáng ghi nhận, bên cạnh việc gấp rút huy động nhân lực, tài lực để sửa chữa, khôi phục sớm nhất điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đang cân đối nguồn quỹ dự phòng để hỗ trợ cho công nhân theo mức lương tối thiểu vùng trong thời gian chờ việc. Đồng thời, các doanh nghiệp phối hợp cùng BCH Công đoàn khảo sát những trường hợp công nhân bị thiệt hại về nhà ở để lên phương án hỗ trợ xây, sửa nhà, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Ghi chép & ảnh: Mai Cúc
 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9911404
Online
Hiện có: 121   Khách