Thứ Sáu, 29/03/2024 16:13

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  27/10/2020 09:21     

Phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế


Đảm bảo việc làm ổn định cho CNLĐ

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và quan hệ lao động, hướng tới xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, khơi dậy và phát huy các lợi thế về nguồn lực lao động của Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cụ thể bằng các văn bản như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị 22-CT/TW ngày 05/6/2008 và Kết luận số 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thời gian qua, quan hệ lao động tại Khánh Hòa đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển.

Thực trạng đội ngũ người lao động và quan hệ lao động tỉnh Khánh Hòa

Đội ngũ đoàn viên, người lao động (làm công hưởng lương) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 145 nghìn người, trong đó lao động nữ khoảng 79 nghìn người (chiếm tỷ lệ 54,4%). Số lao động ở đơn vị có tổ chức công đoàn là 108.586 người trong đó lao động nữ 57,3 nghìn người (chiếm tỷ lệ 52,8%); khu vực hành chính sự nghiệp 37,2 nghìn người (chiếm tỷ lệ 34,3%), khu vực sản xuất kinh doanh khoảng 71,4 nghìn người (chiếm tỷ lệ 65,7%). Tổng số 1621 CĐCS và 90.319 đoàn viên

Chất lượng lao động tiếp tục được nâng lên; theo thống kê, về trình độ văn hóa có 85% đoàn viên và người lao động tốt nghiệp PTTH, 15% tốt nghiệp THCS; trình độ chuyên môn sau đại học chiếm tỷ lệ 1,3%, đại học 25%, cao đẳng, trung cấp nghề 24%, đào tạo ngắn hạn 37%, lao động phổ thông 12,7%. Đa số cán bộ, công chức, viên chức (CBCC,VC) khối hành chính, sự nghiệp được đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp đến cử nhân, công nhân lao động (CNLĐ) nơi có tổ chức công đoàn được trang bị lý luận chính trị cơ bản dưới hình thức tập huấn hoặc thông qua công tác tuyên truyền của công đoàn cơ sở (CĐCS).

Quan hệ lao động tiếp tục được cải thiện, số vụ tranh chấp lao động giảm đáng kể ở những năm gần đây. Tuy nhiên, tại một số ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới cùng với việc chưa làm tốt công tác động viên NLĐ nên tranh chấp lao động có lúc, có nơi còn xảy ra.

Điều kiện làm việc của đoàn viên, NLĐ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tuy có cải thiện nhưng chưa đáng kể, tình trạng làm thêm giờ nhiều hơn so với quy định vẫn tiếp tục xảy ra, chế độ ăn giữa ca tuy được triển khai hầu hết ở doanh nghiệp có đông lao động, nhưng nhìn chung vẫn chưa đảm bảo tái sản xuất sức lao động; tình trạng nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), kinh phí công đoàn vẫn chưa được xử lý triệt để làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đoàn viên, NLĐ.

Xuất phát từ các bối cảnh phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế như:

 1. Tác động từ xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng (đòi hỏi việc giải quyết vấn đề quan hệ lao động, ngoài sự xuất phát từ yêu cầu thực tiễn còn đòi hỏi phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế với các ràng buộc song phương và đa phương, đặt biệt là các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA..., trong đó có các nội dung quan trọng về bảo đảm quyền tự do liên kết của người lao động theo Công ước 87 và bảo đảm về thương lượng thực chất theo Công ước 98...)

2. Tác động từ vai trò là thành viên của các tổ chức quốc tế (trong đó Việt Nam tiếp tục khẳng định là thành viên có trách nhiệm của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), theo đó phải có trách nhiệm tôn trọng, thúc đẩy và thực thi có hiệu quả các công ước cơ bản theo Tuyên bố 1998 của ILO, trong đó có 2 Công ước 87 và 98...)

3. Quan hệ lao động nói chung và quan hệ lao động trong doanh nghiệp sẽ được xác lập trên cơ sở sự xuất hiện chủ thể mới, đó là tổ chức đại diện của người lao động, bên cạnh tổ chức công đoàn (theo đó đòi hỏi phải thiết lập các khuôn khổ pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho tổ chức mới ra đời, đồng thời có cơ chế, biện pháp chống can thiệp thao túng để tổ chức này thực sự đủ sức mạnh tham gia vào các quan hệ lao động trong doanh nghiệp; đồng thời từ phía nhà nước cũng đòi hỏi phải có biện pháp quản lý việc tổ chức, thành lập và hoạt động đối với tổ chức này cho phù hợp...)

4. Tác động từ xu hướng tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (theo đó số lượng doanh nghiệp tiếp tục gia tăng, số lượng lao động làm công hưởng lương trong quan hệ lao động tăng; xu hướng tiếp tục hình thành các khu công nghiệp tập trung, sử dụng đông lao động, theo đó sẽ tiếp tục phát sinh những vấn đề phức tạp về quan hệ lao động cần giải quyết một cách đồng bộ, hiệu quả để phát triển quan hệ lao động hài hòa không chỉ trong từng doanh nghiệp đơn lẻ mà phải xem xét xử lý trên diện rộng...)

5. Tác động từ nhận thức của xã hội nói chung và người lao động nói riêng ngày càng được cải thiện, đặc biệt là nhận thức về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động (theo đó việc thiết lâp các cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề quan hệ lao động cần thiết phải tiếp tục thay đổi theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và đồng bộ theo cơ chế thị trường...)

6. Tác động từ yếu tố công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến sự liên kết của người lao động, theo đó nhiều vấn đề quan hệ lao động sẽ diễn biến theo hướng nhanh chóng và phức tạp, đòi hỏi phải có cách xử lý nhanh chóng, phù hợp, nhất là đối với các cuộc tranh chấp lao động tập thể và đình công

7. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (tạo ra nhiều việc làm mới, nhưng cũng tạo ra nguy cơ mất việc làm ở những lao động tay nghề thấp, việc làm một số lĩnh vực truyền thống như may mặc, da giầy, lắp ráp điện tử, thương mại, dịch vụ... tác động tới quan hệ cung – cầu lao động dẫn tới làm phát sinh các xung đột mới trong quan hệ lao động...)

8. Với lợi thế và tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là sự phát triển nhanh của ngành du lịch và dịch vụ, sự hình thành Đặc khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Bắc Vân phong trong thời gian tới, dự báo sẽ có sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp và lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi dựa trên sự phát triển ổn định và những thành tựu của địa phương trong những năm qua, chúng ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Do đó để phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế cần triển khai một số nội dung sau:

1. Đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn

- Nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn các cấp về nhiệm vụ quan trọng này, coi đây là phương thức bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả.

- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên pháp luật ở cấp tỉnh.

- Tăng cường công tác thông tin, đối thoại; tham gia các hội nghị, hội thảo và nghiên cứu, điều tra, khảo sát, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật.

- Có các giải pháp và hình thức phù hợp phát huy vai trò của người lao động trực tiếp sản xuất và cán bộ công đoàn ở cơ sở tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tăng cường tương tác giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

- Tham gia nghiên cứu, tìm hiểu các công ước của Tổ chức Lao động quốc tết ILO.

- Tham gia tích cực, hiệu quả việc sửa đổi Luật Công đoàn, các đạo luật khác liên quan đến lĩnh vực tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, công chức, viên chức...và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó đặc biệt quan tâm các vấn đề lớn liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ Luật lao động năm 2019.

2. Thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể

- Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa khoá X về “Nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả thoả ước lao động tập thể”.

- Tiếp tục đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp thông qua hội nghị người lao động và đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Chia sẻ thông tin về tình hình quan hệ lao động giữa tổ chức Công đoàn với các tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong nước, hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Khánh Hòa.

- Tăng cường tổ chức đối thoại cấp tỉnh, cấp khu công nghiệp, khu kinh tế giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động.

- Tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể.

- Khai thác hiệu quả Thư viện thoả ước lao động tập thể của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn

- Tiếp tục triển khai thực Nghị quyết số 10b/NQ-BCH ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) về nâng cao hiệu quả công tác pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền việc xây dựng Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động cấp tỉnh hoặc cấp khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tư vấn pháp luật, cũng như hỗ trợ công nhân tham gia tố tụng tại tòa, cung cấp các dịch vụ thiết yếu về nhà ở, nhà trẻ, cung cấp hàng hóa, các hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, các chế độ phúc lợi cho công nhân... tại các khu thiết chế công đoàn.

- Đa dạng hóa nội dung, phương thức tư vấn pháp luật, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại nơi làm việc.

4. Đẩy mạnh công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội

- Nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn về công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, phản biện chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

- Đa dạng hóa nội dung giám sát; phát huy hiệu quả cơ chế liên ngành; phát hiện kịp thời, kiên quyết đề nghị xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động, góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương pháp luật.

- Tích cực tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát gắn với công tác tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn.

- Kiến nghị kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động.

5. Thực hiện có hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

- Tăng cường hơn nữa vai trò của công đoàn các cấp đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; đưa nội dung công tác an toàn, vệ sinh lao động vào chương trình công tác cả nhiệm kỳ và từng năm với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất ý kiến tham gia với các cơ quan chức năng trong xây dựng các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chế độ chính sách về an toàn, vệ sinh lao động.

- Đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động. Thông tin rộng rãi một số vụ tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa đến cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động biết và rút kinh nghiệm.

- Tổ chức phong trào thi đua “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” đi vào thực chất và thiết thực. Nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tổ chức Hội thi an toàn, vệ sinh viên giỏi các cấp.

6. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp làm công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

- Nâng cao nhận thức và năng lực của người đứng đầu các cấp công đoàn về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động; coi đây là nhiệm vụ cốt lõi, sống còn của tổ chức, được ưu tiên đầu tư nguồn lực và công tác chỉ đạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

- Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn các cấp về pháp luật lao động, công đoàn, tiền lương; kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể, quan hệ lao động; chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp trong quá trình tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện chính sách, pháp luật.

- Phân công cán bộ được đào tạo chuyên ngành về bảo hộ lao động làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan LĐLĐ tỉnh. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Nguyễn Thị Hằng

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9840836
Online
Hiện có: 74   Khách