Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Nghị định 67/2025 nêu rõ:
1. Các trường hợp đang thực hiện giải quyết chính sách, chế độ do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Nghị định số 29/2023 của Chính phủ (về tinh giản biên chế) nhưng cấp có thẩm quyền chưa ban hành quyết định giải quyết chính sách, chế độ thì được áp dụng chính sách, chế độ quy định tại nghị định.
2. Các trường hợp đang thực hiện giải quyết chính sách, chế độ do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đã được cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách, chế độ theo Nghị định số 29/2023 nhưng thời điểm nghỉ việc sau ngày 1/1/2025 thì được áp dụng chính sách, chế độ quy định tại nghị định này.
3. Các trường hợp đã được cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách, chế độ theo Nghị định số 177, nếu chính sách, chế độ thấp hơn so với chính sách, chế độ quy định tại nghị định này thì áp dụng chính sách, chế độ quy định tại nghị định này.
4. Các trường hợp đã được cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định số 178, nếu chính sách, chế độ thấp hơn so với chính sách, chế độ quy định tại Nghị định này thì được cấp bổ sung theo chính sách, chế độ quy định tại nghị định này.
Ngoài thay đổi trên, nghị định quy định rõ chính sách, chế độ áp dụng với 6 nhóm cơ quan, đơn vị, gồm:
1. Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện và lực lượng vũ trang.
2. Các tổ chức hành chính của cơ quan, tổ chức từ T.Ư đến cấp huyện trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc không trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
3. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc không trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng viên chức, gồm: các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức từ T.Ư đến cấp huyện, các tổ chức hành chính của cơ quan, tổ chức từ T.Ư đến cấp huyện; các đơn vị thuộc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư và cấp huyện...
4. Đơn vị sự nghiệp công lập khác còn lại hoàn thành việc sắp xếp tổ chức trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
5. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
6. Các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở T.Ư, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy.
Nghị định 67/2025 thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Việc quy định rõ các trường hợp được áp dụng chính sách mới và cấp bù chế độ nếu chính sách cũ thấp hơn là một điểm tích cực.
Điều này cho thấy Chính phủ không chỉ tập trung vào việc tinh gọn bộ máy mà còn chú trọng đến việc tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho những người bị ảnh hưởng bởi quá trình này.
Nguồn: Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn