Theo dự thảo Nghị định quy định về chính sách biên chế, Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì vào diện tinh giản.
Dự thảo nghị định này đang trong quy trình thẩm định tại Bộ Tư pháp. So với Nghị định số 29 năm 2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế, dự thảo nghị định về tinh giản biên chế lần này có nhiều thay đổi, bổ sung.
Về đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Nghị định 29 quy định nhân sự có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
Song ở dự thảo nghị định mới, Bộ Nội vụ đề xuất thay quy định trên bằng nội dung "trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức "không hoàn thành nhiệm vụ".
Cơ quan soạn thảo lý giải thay đổi này để đảm bảo phù hợp với quy định của dự Luật Cán bộ, công chức năm 2024 đang được Quốc hội xem xét thông qua. Tại dự thảo luật có quy định giải quyết cho thôi việc đối với công chức có 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Nghị định 29 còn quy định trường hợp tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật.
Nội dung này được Bộ Nội vụ đề xuất thay thế bằng quy định "trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế mà có tổng số ngày nghỉ làm việc do ốm đau bằng hoặc cao hơn 300 ngày, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật".
Tờ trình của Bộ Nội vụ nêu rõ, việc này để phù hợp với thực tiễn là trong 1 năm có số ngày nghỉ ốm đau nhiều (hơn 300 ngày) thì thuộc đối tượng phải tinh giản biên chế.
Dự thảo nghị định mới cũng bỏ đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Theo lý giải việc bỏ này vì theo quy định pháp luật, những người bị kỷ luật sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy các đối tượng này thuộc đối tượng tinh giản biên chế nêu trên.
Việc Bộ Nội vụ đề xuất tinh giản biên chế đối với công chức chỉ sau một năm không hoàn thành nhiệm vụ cho thấy xu hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ công vụ trong giai đoạn cải cách nền hành chính hiện nay.
Tuy nhiên, chính sách này cũng đặt ra yêu cầu cao về tính minh bạch, công bằng và khách quan trong công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức – tránh để việc tinh giản trở thành công cụ mang tính cảm tính, gây ảnh hưởng đến tâm lý và động lực làm việc của người lao động trong khu vực công.
Nếu được triển khai thận trọng, chính sách sẽ góp phần thúc đẩy đội ngũ công chức không ngừng nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác. Ngược lại, nếu thiếu các cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch thì nguy cơ phát sinh khiếu kiện, mất ổn định trong cơ quan, tổ chức là điều cần được lường trước.
Nguồn: Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn