Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 03 quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động, chính thức áp dụng từ ngày 1/4/2025.
Theo đó, có 6 loại điều kiện lao động, từ loại I đến loại VI. Trong đó:
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm;
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo Thông tư, 6 loại điều kiện lao động nêu trên được đánh giá, xếp loại theo các phương pháp sau: Phương pháp đánh giá, tính điểm; phương pháp khác (phương pháp thống kê, kinh nghiệm; phương pháp kết hợp).
Trong đó, phương pháp đánh giá, tính điểm được thực hiện theo quy trình sau: Xác định tên nghề, công việc cần đánh giá, xác định điều kiện lao động, quy mô lấy mẫu.
Việc lấy mẫu đối với mỗi nghề, công việc phải bảo đảm quy mô mẫu theo quy định về thống kê, nghiên cứu, phải được thực hiện phù hợp với từng loại hình, quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đại diện vùng, miền lấy mẫu.
Thông tư nêu rõ, khi tính cỡ mẫu cho toàn ngành thì sai số cho phép không quá 10%. Khi tính cỡ mẫu trong một doanh nghiệp cụ thể của từng ngành, thì sai số cho phép không quá 20% đối với doanh nghiệp có dưới 1.000 người lao động làm nghề, công việc được đánh giá; không quá 10% đối với doanh nghiệp có từ 1.000 người lao động trở lên làm nghề, công việc được đánh giá.
Đây là một trong những nội dung quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người lao động. Việc thực hiện tốt các quy định của Thông tư này sẽ góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và bền vững.
Nguồn: Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn