Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc tăng gấp đôi lương cơ bản từ ngày 1/7/2025. Tuy nhiên, theo rà soát từ các văn bản pháp luật hiện hành, đến thời điểm này, chưa có bất kỳ quy định chính thức nào xác nhận việc tăng gấp đôi lương cơ bản như các thông tin lan truyền.
Hiện pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể nào về "lương cơ bản". Dù vậy, đây là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong thực tiễn lao động – tiền lương. Về bản chất, lương cơ bản là mức lương cố định mà người lao động nhận được theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, không bao gồm phụ cấp, tiền thưởng hay các khoản phúc lợi bổ sung khác.
Lương cơ bản còn được hiểu là phần lương "cứng" mà người lao động được trả dựa trên công việc đảm nhận. Mức lương này thường được dùng làm cơ sở tính toán bảo hiểm xã hội, tiền làm thêm giờ và các chế độ liên quan khác.
Về cách xác định, đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong khu vực Nhà nước, lương cơ bản được tính theo công thức: Lương cơ bản = Lương cơ sở x hệ số lương. Hiện tại, mức lương cơ sở được áp dụng từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP là 2.340.000 đồng/tháng.
Còn đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước, mức lương cơ bản được xác định dựa trên mức lương tối thiểu vùng, quy định tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP, cũng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng hiện nay được chia theo 4 vùng như sau:
- Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng (23.800 đồng/giờ)
- Vùng II: 4.410.000 đồng/tháng (21.200 đồng/giờ)
- Vùng III: 3.860.000 đồng/tháng (18.600 đồng/giờ)
- Vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng (16.600 đồng/giờ)
Như vậy, cả mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng đều đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật đang có hiệu lực. Thông tin về việc tăng gấp đôi lương cơ bản từ ngày 1/7/2025 là chưa có cơ sở.
Việc điều chỉnh lương trong năm 2025, nếu có, sẽ được xem xét trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội và quyết định của Chính phủ sau khi báo cáo Quốc hội. Vì vậy, người lao động cần cẩn trọng trước những thông tin không chính thống, đồng thời theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống như văn bản pháp luật, công bố từ các cơ quan chức năng để tránh hiểu nhầm hoặc bị ảnh hưởng bởi những tin đồn không chính xác.
Nguồn: Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn