Đ/C Nguyễn Hòa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu
Ngày 11-11, LĐLĐ tỉnh tổ chức Tọa đàm triển khai thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ Luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” và Nghị định 191/2013-CP của Chính phủ Quy định chi tiết về tài chính công đoàn. Đây là một trong những hoạt động của CĐ Khánh Hòa hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước CHXHCNVN” năm 2014.
Tham gia buổi tọa đàm có lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Lao động TB – XH tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp và gần 80 cán bộ CĐ chủ chốt của LĐLĐ cấp huyện, CĐ cấp ngành, các CĐCS có đông CNLĐ trên địa bàn tỉnh… Các đồng chí: Nguyễn Hòa - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ VN, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; Nguyễn Văn Hài Phó Chủ tich TT LĐLĐ tỉnh chủ trì buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Theo báo cáo đề dẫn của Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh, sau hơn một năm thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, vẫn còn không ít các DN chưa thực hiện hay còn lúng túng và gặp khó khăn trong quá trình triển khai, tỷ lệ các đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua Hội nghị người lao động (HNNLĐ) mới đạt khoảng 46%. Việc tổ chức HNNLĐ, đối thoại định kỳ trong các DN chưa đảm bảo tiến độ thời gian theo quy định, nội dung chuẩn bị sơ sài, chưa bám sát các quy định hiện hành… Tại một số DN, người lao động chưa thực sự phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia ý kiến, chất lượng HNNLĐ chưa cao, còn mang tính hình thức, đối phó, có đơn vị còn xem việc triển khai Quy chế dân chủ là của tổ chức công đoàn...
Lãnh đạo Đảng ủy Khối DN phát biểu
Phát biểu tại buổi tọa đàm Chủ LĐLĐ tỉnh Nguyễn Hòa đã đề nghị, từ thực trạng trên các đại biểu cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm giúp cho tổ chức công đoàn triển khai thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP và Nghị định 191/2013-CP của Chính phủ có hiểu quả nhất.
Các DN tham gia cũng đã nêu phản ánh những khó khăn trong việc triển khai. Điển hình như trường hợp Công ty Rapexco Đại Nam vẫn có nhiều trường hợp CN không biết chữ, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền; Công ty CP Đại Thuận có trích nộp kinh CĐ và đoàn phí theo luật định nhưng chủ DN không trích nộp cho CĐ cấp trên; Công ty CP May Khánh Hòa cho rằng đối với các DN may mặc xuất khẩu chịu áp lực về thời gian đơn hàng và cường độ lao động… đã ảnh hưởng đến kế hoạch đối thoại tại DN theo đúng định kỳ...
Tham gia hiến kế về các giải pháp đại biểu Trần Hồng Minh - Phó Chủ tịch CĐ ngành Công thương đề nghị cần xây dựng chính sách tuyên dương, khen thưởng “Vinh danh” những đơn vị làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và thu nộp kinh phí CĐ. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Quang Bình cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban ngành có liên quan, trong đó nâng cao hiệu quả Văn phòng Tư vấn Pháp luật của CĐ… Các CĐCS thì cho rằng phải tăng cường công tác kiểm tra liên ngành và có chế tài đủ mạnh để buộc các chủ DN thực hiện đúng pháp luật.
Kết luận buổi tọa đàm Chủ LĐLĐ tỉnh Nguyễn Hòa lưu ý CĐ cấp ngành, cấp huyện tiếp tục khảo sát thống kê doanh nghiệp theo phân cấp quản lý trên địa bàn nhằm xây dựng bộ số liệu phục vụ cho công tác phát triển CĐCS và thu nộp kinh phí CĐ; đối với các CĐCS gặp khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian tới CĐ cấp trên sẽ cùng với CĐCS thương lượng với chủ DN.
Tuấn Tú – Văn Đức