Thứ Sáu, 29/03/2024 18:50

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  27/07/2015 18:55     

Công đoàn Khánh Hòa thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại địa phương


Đ/c Lê Xuân Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao kinh phí hỗ trợ cho ngư dân bị nạn ngoài khơi

Trong công tác phối hợp giữa Công đoàn Khánh Hòa và cơ quan quản lý lao động nhằm thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại địa phương có những thuận lợi lớn là luôn được sự quan tâm của Tổng Liên đoàn và Tỉnh ủy Khánh Hòa trong lãnh đạo, chỉ đạo về việc các cấp, các ngành cần có sự phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính sách, pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích người lao động, chăm sóc sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo…

Các cấp, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh luôn tôn trọng vai trò, vị trí của tổ chức CĐ, thực hiện tốt Nghị định số 200/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết Điều 11 Luật CĐ về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội”…

Tính đến cuối tháng 7/2015, LĐLĐ tỉnh có có 9 Liên đoàn lao động cấp huyện, 10 CĐ cấp ngành, 7 CĐ giáo dục cấp huyện với 1.444 CĐCS, Nghiệp đoàn, và trên 83.000 đoàn viên công đoàn. Cán bộ công đoàn kể cả chuyên trách và kiêm nhiệm, hầu hết đều có năng lực, trình độ nhận thức xã hội, nhiệt tình, trách nhiệm trong hoạt động CĐ và hoạt động xã hội; một bộ phận chủ doanh nghiệp rất có ý thức trách nhiệm xã hội tạo cơ sở trong việc tuyên truyền, nhân rộng điển hình.

Khó khăn lớn vẫn là nhận thức còn hạn chế về trách nhiệm xã hội của một bộ phận lớn doanh nghiệp; chạy theo lợi ích trước mắt, nhiều chủ doanh nghiệp bỏ qua trách nhiệm xã hội của mình, thiếu sự quan tâm đối với người lao động trong sản xuất kinh doanh, không bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên, thậm chí còn dùng thủ đoạn hoặc lợi dụng sơ hở, yếu kém của cơ quan quản lý để vi phạm; nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành có sự không đồng bộ, trách nhiệm còn chung chung và có sự hạn chế về năng lực trình độ, đặc biệt là công tác nghiên cứu, dự báo tình hình chưa đáp ứng yêu cầu mới; việc tuyên truyền, vận động giáo dục, chế tài xử lý các vi phạm của doanh nghiệp, hiệu quả chưa cao.

Để làm tốt vai trò, chức năng của tổ chức CĐ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, các cấp CĐ Khánh Hòa đã xác định “tham gia, phối hợp công tác tốt với các cơ quan quản lý lao động là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu trong hoạt động CĐ”, trong đó nội dung phối hợp nhằm thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Để thực hiện tốt nội dung trên, LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp xây dựng nhiều quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp công tác với các cơ quan quản lý lao động và chỉ đạo các CĐ cấp ngành, LĐLĐ cấp huyện chủ động xây dựng quy chế hoặc chương trình, kế hoạch phối hợp công tác hàng năm với các cấp, các ngành, trọng tâm là ngành LĐTBXH và BHXH các cấp, trong công tác tuyên truyền, vận động, trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, trong việc cung cấp thông tin, trong công tác thi đua khen thưởng về việc thực hiện chính sách xã hội các doanh nghiệp. Đồng thời cũng luôn chủ động trong trách nhiệm đề ra các biện pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp, thúc đẩy việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

LĐLĐ tỉnh đã ký kết và triển khai thực hiện nhiều quy chế phối hợp hoặc chương trình, kế hoạch phối hợp với nhiều sở, ban, ngành của tỉnh như: Sở LĐTBXH, BHXH tỉnh, VCCI, Sở Khoa học công nghệ, Cục Thuế tỉnh, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh… Các CĐ cấp ngành đều ký kết quy chế hoặc chương trình, kế hoạch phối hợp với chính quyền đồng cấp là các sở có công đoàn ngành, LĐLĐ cấp huyện đều ký kết chương trình phối hợp với các phòng, ban chức năng thuộc cấp huyện. Đối với CĐCS trong các doanh nghiệp, theo sự chỉ đạo của CĐ cấp trên, đều cố gắng xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp công tác với giám đốc, chủ doanh nghiệp, xây dựng quy chế dân chủ cơ sở, quy chế tổ chức hội nghị người lao động, quy chế đối thoại, xây dựng thỏa ước lao động tập thể…

Việc ký kết quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp, hàng năm đều có sự kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện theo quy chế, chương trình ký kết, có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, không để việc ký kết chỉ là hình thức, đồng thời trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu thấy cần thiết mặc dù không có trong quy chế, chương trình phối hợp, các cấp CĐ đều chủ động đề nghị phối hợp thực hiện, trường hợp đặc biệt báo cáo cấp ủy Đảng để có sự chỉ đạo phối hợp công tác.

Hiệu quả trong công tác phối hợp:

Trong tất cả các quy chế hoặc chương trình, kế hoạch phối hợp đều nhấn mạnh đến công tác phối hợp tuyên truyền, vận động: Công đoàn cấp tỉnh, cấp ngành, cấp huyện và cơ sở cùng các cấp, ngành đã có nhiều hình thức, nội dung phong phú trong công tác phối hợp tuyên truyền vận động, từ phối hợp công tác tổ chức tập huấn, tọa đàm, hội thảo, hội thi tìm hiểu cho các cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động kể cả trong các cơ sở dạy nghề, cán bộ chính quyền địa phương… những nội dung cơ bản thiết thực về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đến việc in soạn phát tờ rơi, sử dụng bản tin, website của ngành, trong tham gia xây dựng các chuyên mục trên báo chí, đài PT-TH…, đến hàng nghìn người lao động và các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là đã cùng các cấp, các ngành tổ chức tốt đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý lao động, chính quyền địa phương, hội nghị người lao động, đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và người lao động… đã góp phần tốt trong nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Các cấp Công đoàn Khánh Hòa cũng tích cực phối hợp tham gia cùng Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, Sở LĐTBXH, BHXH và chính quyền địa phương xét đề nghị khen thưởng những cá nhân, tập thể doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trên nhiều lĩnh vực hoạt động.

Ngoài ra các thành viên của Chi hội luật gia CĐ Khánh Hòa, Văn phòng tư vấn pháp luật CĐ Khánh Hòa cũng đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, giải thích, tư vấn pháp luật cho hàng trăm lượt người lao động trong việc cần phải góp phần thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp.

Trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát: CĐ cấp tỉnh, cấp ngành, cấp huyện luôn là thành viên tích cực tham gia, phối hợp cùng các đoàn công tác của sở LĐTBXH, BHXH, Ban quản lý Khu kinh tế Vân phong, hoặc chính quyền địa phương đến thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật ở các doanh nghiệp; LĐLĐ tỉnh và các cấp CĐ đã có nhiều kiến nghị đến các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành liên quan giải quyết những vấn đề vi phạm của doanh nghiệp; ngoài ra LĐLĐ tỉnh cũng đã tham gia, phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh liên quan đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp như Đề tài “phát triển đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước”, Đề tài “xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp”, đề tài cơ sở về “thực trạng và vấn đề an toàn trong khai thác đá ở Khánh Hòa”…

Ở cơ sở, các cấp CĐ cũng đã kiểm tra, giám sát thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, qua HN người lao động, qua việc thực hiện thỏa ước LĐTT... tuy nhiên đây một nhiệm vụ rất khó đối với cán bộ công đoàn cơ sở không thể chủ động trong việc phối hợp với cơ quan quản lý lao động, kể cả trong hội nghị người lao động, xây dựng thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chỉ có thể phối hợp trong một số trường hợp như hiến máu nhân đạo, xảy ra tai nạn lao động, hoạt động xã hội từ thiện...

Đánh giá chung

Các cấp CĐ Khánh Hòa đã cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp với các cơ quan quản lý lao động trong tuyên truyền, vận động và tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật ở các doanh nghiệp,  ngoài ra cũng rất nhiều nội dung khác được phối hợp với các cơ quan quản lý lao động trong hoạt động CĐ như phát triển đoàn viên, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, thực hiện QCDC cơ sở, các hoạt động xã hội, từ thiện… mặc dù vẫn còn những hạn chế về hiệu quả qua công tác phối hợp nâng cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong quan hệ lao động theo quy định của pháp luật, tuy nhiên đã công tác phối hợp đã góp phần lớn trong nâng cao nhận thức và việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, hạn chế việc thiếu trách nhiệm, vi phạm chính sách pháp luật của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Trong thời gian tới, các cấp CĐ Khánh Hòa sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội; tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tham gia thanh tra, khởi kiện việc thi hành pháp luật về Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Xuân Hải

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9841327
Online
Hiện có: 59   Khách