Chủ Nhật, 22/12/2024 08:12

ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN - TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT !

  15/10/2015 00:00     

Tình hình triển khai điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa



Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bắt đầu triển khai từ ngày 14/8/2014. Đến 10/10/2015, sau gần 14 tháng triển khai thực hiện tại cơ sở điều trị thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, số hồ sơ bệnh nhân đăng ký tham gia điều trị là 340 (chủ yếu là hồ sơ của bệnh nhân nghiện Heroin tại thành phố Nha Trang), đã khởi liều 51 đợt với 279 bệnh nhân đang uống Methadone hằng ngày, có 54 bệnh nhân được trả về địa phương với nhiều lý do khác nhau như không tham gia điều trị sau khi nộp hồ sơ, tự ý bỏ điều trị, vi phạm pháp luật hình sự,...và một số bệnh nhân đã nộp hồ sơ, hiện đang được chuẩn bị đưa vào điều trị theo quy định.

Trong quá trình điều trị, chưa có bệnh nhân dừng điều trị do tác dụng phụ của Methadone hoặc bệnh nặng; một số bệnh nhân khi đang điều trị Methadone bị mắc kèm bệnh khác như lao, các bệnh phải điều trị bằng phẩu thuật, tai nạn giao thông/sinh hoạt...cơ sở điều trị Methadone đã chuyển thuốc Methadone đến nơi người bệnh nằm viện để được tiếp tục điều trị theo quy định. Ghi nhận bước đầu sau gần 14 tháng triển khai điều trị như sau:

+ Về sức khỏe, thể chất và tâm thần của bệnh nhân: hầu hết (khoảng 90%) bệnh nhân tham gia tuân thủ điều trị tốt, từ sau hơn 3 tháng bắt đầu điều trị đã chấp hành ngày càng tốt nội quy cơ sở, quy định chuyên môn, một số tìm được việc làm, có nhận thức, ý thức trách nhiệm với cuộc sống hiện tại như dự định lập gia đình, quan tâm chăm sóc gia đình tốt hơn...; sức khỏe bệnh nhân ngày càng được cải thiện, ăn uống sinh hoạt dần trở lại bình thường (tăng dần cân nặng trong quá trình điều trị).

+ Về hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV của bệnh nhân: Tất cả bệnh nhân âm tính với HIV trước khi bắt đầu điều trị, sau 6 tháng tham gia điều trị đều được xét nghiệm HIV lập lại, kết quả đều âm tính với HIV. Một số bệnh nhân còn tiêm chích Heroin trong quá trình điều trị (còn 8,76% bệnh nhân có test nước tiểu (+) sau 6 tháng điều trị) có số lần tiêm chích ngày càng ít so với trước điều trị và theo lời kể của bệnh nhân là khi tiêm chích đều tiêm chích bằng bơm kim tiêm sạch và sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục có nguy cơ.                       

Một số khó khăn trong việc triển khai điều trị Methadone.

Một số bệnh nhân có nhận thức kém, hành vi mang tính côn đồ, không chấp hành/tuân thủ quy định, tham gia điều trị có tính chất ép buộc, còn tiếp tục tiêm chích ma túy, lừa dối thầy thuốc... gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và điều trị, rất dễ có nguy cơ tuân thủ kém, tái nghiện. Một số bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, gây án hình sự, sử dụng các loại ma túy bất hợp pháp khác...                       

Vấn đề đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn xung quanh khu vực tiếp nhận, điều trị: có 01 vụ dùng dao đâm lẫn nhau, vài lần bệnh nhân có hành vi mua bán ma túy, mâu thuẩn xô xát với bạn nghiện...               

Chưa thực hiện được phối hợp điều trị Methadone giữa cơ sở Methadone với các cơ sở khám chữa bệnh tại trại giam, trại tạm giam, Trung tâm 06 trong tỉnh khi bệnh nhân có nhu cầu chuyển tiếp điều trị...

BS Trần Văn Tin

 
Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 11115734
Online
Hiện có: 155   Khách