Làm việc với Ban Chỉ đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần
Ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Nha Trang
Từ ngày 24/11 - 03/12/2015, thực hiện Quyết định số 02-QĐ/BCĐ, ngày 29/10/2015 của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Khánh Hòa (Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ tỉnh), về việc thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2015, gồm lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận và các Đoàn thể tỉnh, Sở LĐTB và XH; Đoàn đã đến kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ của 12 đơn vị, gồm: 4 xã, huyện Diên Khánh, Khánh Sơn, thị xã Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Viễn Thông Khánh Hòa và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Chi nhánh Nha Trang.
Thông qua công tác kiểm tra, hầu hết cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp đã có sự quan tâm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; các cấp, các ngành đều có sự quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về dân chủ trên các lĩnh vực hoạt động; Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa 11) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, ngày 19/6/2013 của Chính phủ về Quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc… đã được tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức phong phú, trên các phương tiện thông tin, đài báo, hội nghị, niêm yết….
Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp có nhiều cố gắng trong công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện dân chủ của cấp mình và cấp dưới, hầu hết các ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và cấp trên cơ sở đều kiện toàn sau đại hội đảng cấp mình.
Kết quả việc thực hiện Quy chế dân chủ luôn gắn với hoạt động của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, trong công tác xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh; UBND các xã, phường đã tổ chức tốt việc công khai, thông báo cho dân biết về các chủ trương, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, bình xét hộ nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, quỹ vận động đóng góp, việc thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát huy hiệu quả, dân chủ cơ sở đã góp phần phát triển nông thôn gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; việc xây dựng các quy chế trong nội bộ cơ quan, đơn vị và mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức và công dân được công khai, minh bạch, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đánh giá kết quả thực hiện dân chủ trong năm, hoàn thiện các quy chế, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị người lao động, thỏa ước lao động tập thể, bảo đảm các chế độ, chính sách theo Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, BHXH… cho người lao động.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn nhiều tồn tại yếu kém, cụ thể:
- Ban chỉ đạo quy chế dân chủ nhiều nơi chưa xây dựng được quy chế hoạt động, việc phân công chưa phù hợp; có nơi chưa thành lập ban chỉ đạo, hoặc chưa kiện toàn ban chỉ đạo sau đại hội đảng cấp mình; quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị và việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với mục đích, yêu cầu của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, chất lượng hội nghị không cao, ít ý kiến tham gia, không làm chặt chẽ từ phòng, ban, bộ phận đến cán bộ chủ chốt, có nơi ban thanh tra nhân dân do thủ trưởng cơ quan ra quyết định.
Làm việc với Ban Chỉ đạo QCDC xã Ninh Phụng - TX Ninh Hòa
- Việc theo dõi, chỉ đạo quy chế dân chủ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn chưa sâu sát, thiếu kiểm tra cụ thể, chưa phản ảnh đầy đủ tình hình dân chủ trong doanh nghiệp, có nơi cho rằng trách nhiệm thuộc LĐLĐ cấp huyện hoặc cấp tỉnh. Việc tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do CĐ các cấp yêu cầu, thuyết phục. Thực tế việc thực hiện quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn nhiều yếu kém.
- Thực tế cho thấy, còn nhiều cán bộ, công chức, viên chức kể cả lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chưa có kỹ năng, nghiệp vụ triển khai, kiểm tra, giám sát quy chế dân chủ, công tác tuyên truyền, quán triệt không đầy đủ, nhiều cấp ủy, ban chỉ đạo không nắm được Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 28/3/2002 và Kết luận số 65-KL/TW, ngày 04/02/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, và các hướng dẫn chỉ đạo của Tỉnh ủy liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; một số đơn vị sau khi tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, nội dung hội nghị không được ban hành phổ biến, triển khai để cán bộ, công chức, viên chức biết, thực hiện. Qua kiểm tra hầu hết các xã không có quy chế thi đua.
Xuân Hải