Thứ Ba, 10/09/2024 15:17

ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN - TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT !

  31/12/2015 16:52     

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2016

Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô dưới 24 chỗ; Tăng lương tối thiểu vùng; Bỏ quy định trả lương ngay trong tháng làm việc cho NLĐ; Sẽ xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường BĐS trên cả nước; Được tự thiết kế với nhà ở dưới 3 tầng; Trước 31/12/2016, phải chuyển đổi bằng lái xe ô tô sang vật liệu PET... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 01/2016.

Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô dưới 24 chỗ

Theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Với cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

Ngoài ra, đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của hàng hóa bán theo phương thức trả tiền một lần, không bao gồm khoải lãi trả góp, trả chậm; đối với kinh doanh vũ trường, karaoke, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là doanh thu của các hoạt động trong vũ trường, karaoke bao gồm cả dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác đi kèm…Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

Tăng lương tối thiểu vùng lên 3,5 triệu/tháng

Từ 2016, lương tối thiểu vùng tăng thêm 250.000-400.000 đồng/tháng lên 2,4 triệu-3,5 triệu đồng/tháng tùy từng khu vực là nội dung được quy định tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ.


CNLĐ được tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng 3.500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; Vùng II là 3.100.000 đồng/tháng; Vùng III là 2.700.000 đồng/tháng; Vùng IV là 2.400.000 đồng/tháng.

Mức lương này làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương; trong đó, mức lương trả cho người lao động chưa qua đào tạo, làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, và phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với lao động đã qua học nghề. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Bỏ quy định trả lương ngay trong tháng làm việc cho NLĐ

Theo quy định tại Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động... chính thức bỏ quy định phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động (NLĐ). Như vậy, từ năm 2016, NLĐ hưởng lương tháng sẽ được trả tháng 01 lần hoặc nửa tháng 01 lần.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc hoặc mất việc làm; trường hợp NLĐ ký nhiều hợp đồng lao động kế tiếp tại 01 doanh nghiệp thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc theo các hợp đồng lao động.

Thông tư quy định cũng rõ không xử lý kỷ luật với người lao động nuôi con đẻ, con nuôi, nuôi đứa trẻ mang thai hộ dưới 12 tháng tuổi. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Sẽ xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường BĐS trên cả nước

Theo Nghị định 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ, có hiệu lực từ 01/01/2016, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) sẽ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc nhằm cung cấp thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường BĐS cho người sử dụng.

Các thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, trang điện tử của các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm phục vụ cho cộng đồng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với cá nhân, tổ chức sử dụng thông tin phải trả tiền dịch vụ, đồng thời, nghiêm cấm việc cản trở việc khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở.

Được tự thiết kế với nhà ở dưới 3 tầng

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30/10/2015 quy định về xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ, cho phép chủ nhà được tự thiết kế và tổ chức thi công xây dựng đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 03 tầng hay có chiều cao dưới 12m.


Chủ nhà được thiết kế thi công nhà dưới 3 tầng

Với nhà ở dưới 07 tầng, việc thiết kế và thi công xây dựng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện; với nhà từ 07 tầng trở lên, ngoài việc phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thiết kế, thi công xây dựng, còn phải được thẩm định và thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để được kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng.

Trước 31/12/2016, phải chuyển đổi bằng lái xe ô tô sang vật liệu PET

Lộ trình chuyển đổi sang Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được quy định rất cụ thể tại Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, có hiệu lực từ 01/01/2016.

Theo đó, Giấy phép lái xe ô tô và Giấy phép lái xe hạng A4 bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang Giấy phép  lái xe mới bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2016; đối với Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải được chuyển đổi trước ngày 31/12/2020. Sau 06 tháng theo lộ trình chuyển đổi này, người có Giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại Giấy phép lái xe.

Cũng theo Thông tư này, người có Giấy phép lái xe quá hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại Giấy phép lái xe; trường hợp quá hạn từ 01 năm trở lên phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.

DN tạm dừng SX-KD từ 1 tháng trở lên được tạm dừng đóng BHXH bắt buộc

Nghị định số 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về bảo hiểm xã hội bắt buộc cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất trong 12 tháng nếu phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế...

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về chế độ thai sản của của lao động mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Cụ thể, người nữ mang thai hộ được trợ cấp mỗi con bằng 2 tháng lương cơ sở; nghỉ thai sản đến khi giao trẻ nhưng tối đa không quá 6 tháng.

Tương tự, người mẹ nhờ mang thai hộ sẽ được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở nếu người mẹ mang thai hộ không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi…Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Mỗi cán bộ, công chức Nhà nước được trang bị 1 máy vi tính không quá 13 triệu

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số  58/2015/NĐ-TTg quy định quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan Nhà nước. Theo đó, mỗi cán bộ, công chức Nhà nước được trang bị 1 máy vi tính không quá 13 triệu; 2 điện thoại cố định tối đa 3,5 triệu.

Cũng theo Quyết định này, trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có máy móc, thiết bị hoặc thiếu so với tiêu chuẩn nhưng chỉ có nhu cầu sử dụng dưới 12 tháng, hoặc chỉ sử dụng tối đa 03 lần/năm thì phải thuê máy móc, thiết bị. Giá thuê phải phù hợp với giá thuê máy móc, thiết bị cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất xứ tại thị trường địa phương; việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị văn phòng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Thanh niên tình nguyện được hưởng chính sách như thương binh, liệt sĩ

Nhiều chính sách đối với thanh niên tình nguyện tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc từ 24 tháng trở lên đã được quy định tại Quyết định số 57/2015/NĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Trong quá trình tham gia tình nguyện, thanh niên có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương sẽ được xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc được hưởng chính sách như thương binh. Trường hợp bị tai nạn suy giảm từ 5-30% khả năng lao động được hỗ trợ tối thiểu một nửa chi phí cứu chữa. Với trường hợp bị chết do tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ nhưng không đóng bảo hiểm xã hội sẽ được trợ cấp 36 lần lương cơ sở.

Riêng thanh niên tình nguyện của các chương trình, đề án, dự án sẽ được ký hợp đồng lao động; được hưởng lương, tiền công, phụ cấp, trợ cấp, công tác phí theo quy định; được đóng bảo hiểm trong quá trình tham gia.

Nam nữ sống chung như vợ chồng trước 3/1/1987 được đăng ký kết hôn

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP cho phép trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.

Nghị định cũng cho phép đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử đối với những trường hợp đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu còn sống vào thời điểm yêu cầu đăng ký lại.

Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai; đối với người từ đủ 09 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.

Lệ phí đổi thẻ Căn cước công dân là 50.000 đồng/thẻ

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu; đổi thẻ khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp đổi chuyển đổi Chứng minh thư nhân dân 9 và 12 số sang thẻ Căn cước công dân hoặc đổi thẻ khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân sẽ được miễn lệ phí.

Ngoài trường hợp nêu trên, công dân đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân phải nộp lệ phí 50.000 đồng/thẻ; khi làm thủ tục cấp lại phải nộp lệ phí 70.000 đồng/thẻ. Giảm 50% với công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi, các xã biên giới, các huyện đảo.

Nội dung trên được quy định tại Thông tư  170/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Những nơi chưa có điều kiện để cấp thẻ Căn cước công dân, vẫn tiếp tục cấp Chứng minh thư nhân dân phải thực hiện chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp thẻ Căn cước chậm nhất từ ngày 01/01/2020.

Bắt đặt cọc khi tham gia bán hàng đa cấp, phạt từ 3 - 5 triệu đồng

Người tham gia bán hàng đa cấp có hành vi yêu cầu người muốn tham gia trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng nhất định dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng là nội dung nổi bật tại Nghị định số  124/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả..., có hiệu lực từ 05/01/2016.Ngoài ra, hành vi kinh doanh bán hàng đa cấp không đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng; trường hợp hoạt động trên 2 tỉnh sẽ tăng mức phạt lên 2 lần.

Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp hoạt động không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng, thay vì 5-10 triệu đồng như trước. Tuy nhiên, giảm mức phạt với doanh nghiệp hoạt động không đúng địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 1-5 triệu còn 1-2 triệu đồng.

(Theo laodongthudo.vn)

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 10540176
Online
Hiện có: 65   Khách