Thứ Sáu, 10/05/2024 20:39

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  14/02/2016 00:00     

TPP thách thức và cơ hội với Công đoàn Khánh Hòa

TPP là Trans – Pacific Partnership/ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, là hiệp định thực hiện tự do hóa ở cấp độ sâu rộng nhất từ trước tới nay gồm các quy định, cam kết: Thương mại truyền thống như mở của thị trường hàng hóa, xuất nhập khẩu, thuế quan, phi thuế quan và các biện pháp tại biên giới; thương mại phi truyền thống (trực tiếp gắn với hoạt động kinh doanh đầu tư, cũng như hình thành thị trường trao đổi các yếu tố trong quá trình sản xuất) như lao động, đất đai, môi trường, vốn, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ…


Các DN trong tỉnh chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực

Tham gia TPP sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về hoạt động công đoàn, sự biến động về đội ngũ công nhân, lao động và cán bộ, đoàn viên công đoàn, về pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn. Những yếu tố đó tạo ra tác động tích cực và thách thức đan xen đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn Khánh Hòa.

Tác động tích cực tới tổ chức và hoạt động công đoàn

Tham gia TPP sẽ đưa đến sự tăng nhanh số lượng lao động và đơn vị doanh nghiệp trong cả nước, đặc biệt Khánh Hòa là một trong những tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Đây là nguồn phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở dồi dào cho tổ chức công đoàn. Do áp lực về việc làm, người lao động thường chấp nhận những thiệt thòi về phía mình, vì vậy trong quá trình tham gia quan hệ lao động không tránh khỏi phát sinh mâu thuẫn giữa người lao động với chủ sử dụng lao động. Người lao động sẽ có nhu cầu được tổ chức công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng. Đây là điều kiện thuận lợi để Công đoàn Khánh Hòa tiếp tục tập hợp, vận động người lao động tham gia tổ chức của mình.

Tham gia TPP đòi hỏi hệ thống pháp luật nước ta phải hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế. Trong đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ của không chỉ người lao động mà còn của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động phải minh bạch và bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sẽ giúp cho công đoàn hoạt động được thuận lợi hơn. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ các quan hệ thương mại sẽ góp phần tạo cơ hội gia tăng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và công đoàn. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để Công đoàn Khánh Hòa thể hiện vai trò, chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thực hiện việc kiểm tra, giám sát và yêu cầu các chủ doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật lao động, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao trách nhiệm trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, xử lý các vi phạm pháp luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động… mặt khác Công đoàn Khánh Hòa có điều kiện hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và tranh thủ sự hỗ trợ mọi mặt của các tổ chức công đoàn các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thách thức với tổ chức và hoạt động công đoàn

Toàn cầu hóa, quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng. Người lao động trực tiếp làm ra hàng hóa, dịch vụ trong thương mai quốc tế nên phải được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả. Những tiêu chuẩn được đề cập trong Hiệp định TPP chính là các tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu tại Tuyên bố 1988 ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) bao gồm: Tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể; Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; Xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em; Xóa bỏ phân biệt đối xử trong công việc.

Về Công đoàn cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó. Các tổ chức này được quyền không kém hơn với công đoàn cơ sở thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự tài trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Lộ trình không quá 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực (dự kiến ngày 1/1/2018) các tổ chức này có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo trình tự đăng ký được pháp luật quy định.

Như vậy, Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Khánh Hòa nói riêng đều đứng trước thách thức đó là: Giữ vững và phát triển đoàn viên, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động trong khi điều kiện về tổ chức bộ máy, về năng lực cán bộ chưa được chuẩn bị một cách chu đáo. Những thách thức Tự do hóa thương mại và cạnh tranh có khả năng làm cho nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản dẫn đến một bộ phận người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, cuộc sống bị xáo trộn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động công đoàn cơ sở, tới ổn định tổ chức đoàn viên và sự gắn bó của người lao động, đoàn viên với tổ chức công đoàn. Những vấn đề liên quan đến lao động và công đoàn (quyền tự do lập hội, quyền thương lượng tập thể), cũng như những chính sách, quy định pháp luật nói chung, những chính sách, quy định pháp luật lao động và công đoàn nói riêng sẽ có sự thay đổi phù hợp với những công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng sẽ có tác động tới môi trường lao động và tổ chức Công đoàn Khánh Hòa. Nếu hoạt động Công đoàn Khánh Hòa thật sự có hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh đòi hỏi quyền lợi sát sườn của người lao động, nói được tiếng nói của người lao động, thì sẽ thu hút người lao động, các tổ chức người lao động mới ra đời sẽ gia nhập vào Công đoàn Khánh Hòa, tạo thêm sức mạnh cho Công đoàn Khánh Hòa. Ngược lại nếu Công đoàn Khánh Hòa hoạt động không hiệu quả, thì các tổ chức “công đoàn riêng” sẽ liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của người lao động có hiệu quả hơn, lúc đó “dòng chảy” đoàn viên từ Công đoàn Khánh Hòa sẽ sang “công đoàn riêng”…

Một số giải pháp cơ bản trong hoạt động Công đoàn Khánh Hòa trước và trong khi TPP được thực hiện

Trong khi Công đoàn còn nhiều khó khăn, bất cập về đội ngũ cán bộ, về kinh phí, về tổ chức bộ máy, về hệ thống quản lý, về chính sách đãi ngộ và bảo vệ cán bộ công đoàn… để hoàn thành sứ mệnh của mình, có rất nhiều vấn đề phải làm, tuy nhiên có 3 nội dung cần đặc biệt quan tâm:

- Trước tiên, các cấp Công đoàn Khánh Hòa cần đẩy mạnh tuyên truyền phát triển và giữ vững đoàn viên. Phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của tổ chức công đoàn, bởi vậy cần có chiến lược cụ thể về phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, trong đó cần đào tạo và bố trí những cán bộ công đoàn giỏi, có kinh nghiệm, giàu nhiệt tình đảm nhiệm công tác phát triển đoàn viên. Trong phát triển đoàn viên, không chỉ chú trọng các đơn vị doanh nghiệp khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài mà còn quan tâm phát triển đoàn viên trong khu vực phi kết cấu, bởi đây là khu vực hiện nay vẫn chiếm phần lớn lực lượng lao động ở nước ta và người lao động trong khu vực này đang là bộ phận chịu nhiều thiệt thòi nhất như: Điều kiện làm việc không bảo đảm, tiền công không đủ trang trải cuộc sống cũng như không được bảo vệ. Để làm tốt công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, bên cạnh nhiều biện pháp thực hiện cần chú trọng trực tiếp tiếp cận người lao động để tuyên truyền, vận động. Có thể tiếp cận với từng cá nhân, từng nhóm nhỏ hoặc tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi tại khu nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư có đông người lao động ở để qua đó tuyên truyền về Công đoàn Việt Nam.

- Thứ hai, bên cạnh việc tuyên truyền phát triển đoàn viên, các cấp công đoàn cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, bởi chính chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn, là minh chứng có sức thuyết phục nhất đối với người lao động, để họ gia nhập công đoàn phải thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống, việc làm; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn đặc biệt là công đoàn cơ sở cần thể hiện được vai trò công đoàn, đại diện cho người lao động như hướng dẫn, giúp đỡ người lao động ký kết hợp đồng lao động, xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; giám sát, kiểm tra và thúc đẩy việc thực hiện những điều khoản đã được ký kết, động viên người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và những quy định trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Thực hiện đối thoại giữa tập thể lao động với chủ sử dụng lao động; khi thấy cần thiết, công đoàn tổ chức đình công để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động… Như vậy, công đoàn bảo vệ người lao động là bảo vệ ngay từ lúc họ bắt đầu tham gia quan hệ lao động; bảo vệ trong quá trình lao động sản xuất, kinh doanh; trong xảy ra tranh chấp lao động; bảo vệ không chỉ cho riêng họ mà còn thể hiện sự chăm lo cho họ, khi họ bị mất việc hoặc gia đình gặp khó khăn. Làm được điều đó là công đoàn đã chứng minh để người lao động thấy được vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của họ, là minh chứng thuyết phục nhất để họ tin tưởng công đoàn, sẵn sàng gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn.

- Thứ ba, coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng các doanh nghiệp ngày càng phát triển, lực lượng lao động ngày càng tăng,  quan hệ lao động ngày càng phức tạp trong khi đội ngũ cán bộ công đoàn còn bộc lộ nhiều bất cập thì vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực, kỹ năng, phương pháp hoạt động công đoàn, có hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật là yêu cầu cấp bách, sống còn của tổ chức công đoàn. Chúng ta phải mạnh dạn thừa nhận rằng: hiện tại, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ Công đoàn Khánh Hòa kể cả chuyên trách, chưa thực sự đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều cán bộ công đoàn còn yếu về nghiệp vụ công tác công đoàn; thiếu hiểu biết về hội nhập quốc tế, về chính sách pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ người lao động. Trình độ học vấn, ngoại ngữ, tin học của cán bộ công đoàn còn yếu. Cán bộ công đoàn các cấp chưa có được nhiều đề xuất ngang tầm với vai trò vị trí của mình. Ngoài ra, hiện tượng làm việc theo tác phong hành chính của nhiều cán bộ công đoàn vẫn khá phổ biến, khiến cho hoạt động công đoàn bị xơ cứng, trở thành quan liêu, hành chính. Để nâng cao năng lực cán bộ công đoàn, các cấp công đoàn cần quan tâm một số giải pháp sau:

1. Đổi mới tư duy, nhận thức về cán bộ và công tác cán bộ công đoàn, xóa bỏ quan điểm coi thường cán bộ công đoàn, cho cán bộ công đoàn chỉ là cán bộ quần chúng, lo “cơm áo gạo tiền” nên có yếu cũng không sao, chỉ cần bố trí những người “dễ bảo” hoặc không làm được công việc chuyên môn…

2. Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ công đoàn, trong đó quy định cụ thể về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ để làm căn cứ tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng và đánh giá từng cán bộ công đoàn.

3. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn hoạt động vì lợi ích người lao động, do người lao động bầu ra vì vậy phải thông qua phong trào công nhân và hoạt động công đoàn để phát hiện, lựa chọn cán bộ. Cần chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, cần coi công tác bồi dưỡng cán bộ là giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là đổi mới tổ chức, sắp xếp lại bộ máy phù hợp với xu hướng phát triển và hoạt động công đoàn hiện nay. Cần nghiên cứu, mạnh dạn sắp xếp hoặc giải thể những công đoàn cấp ngành, công đoàn cấp trên cơ sở không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Lê Xuân Hải – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

 

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9996516
Online
Hiện có: 228   Khách