Tháng 5 này, chúng ta kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đúng thời điểm cả nước đang tưng bừng chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị, mang tính nền tảng của một chế độ bầu cử thực sự tự do, dân chủ
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, giữa muôn vàn khó khăn của một nước mới giành được độc lập, thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định và khẩn trương triển khai cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Viết về ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.
Bác Hồ bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. (Ảnh tư liệu)
Để thực thi công việc hệ trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành một loạt sắc lệnh: Sắc lệnh ngày 17/10/1945 về bầu cử quốc dân đại hội; Sắc lệnh số 71 ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều thứ II, Chương V Sắc lệnh ngày 17/10/1945 về thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 72 ngày 2/12/1945 bổ khuyết một số đại biểu các tỉnh và thành phố theo Sắc lệnh ngày 17/10/1945 về cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 76 ngày 18/12/1945 hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Bác Hồ đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Sau đó, Bác Hồ là người chỉ đạo tích cực quá trình bầu cử.
Ngày 5/1/1946, trước bầu cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu in trên Báo Cứu quốc số 134 ra ngày 5/1/1946 với những lời lẽ thắm thiết, mạnh mẽ kêu gọi, động viên, cổ vũ quốc dân đi bỏ phiếu "Ngày mai mùng 1 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ", "Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình", "Ngày mai, quốc dân sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập"… Bác Hồ đã khẳng định rõ ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử, đồng thời, kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu và thông qua lá phiếu của mình đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến ở Nam bộ. Lúc đó Bác Hồ gọi mỗi lá phiếu như một viên đạn trong cuộc kháng chiến và mỗi lá phiếu như viên gạch xây đắp nền dân chủ và xây dựng kiến quốc đất nước.
Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo…đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử.
Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về bầu cử cách đây hơn 70 năm vẫn mang nhiều ý nghĩa. Nhân kỷ niệm 70 năm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta. Nguyên Chủ tịch Quốc nêu rõ: “Nhờ có thành công của tổng tuyển cử trong một giai đoạn thù trong giặc ngoài như vậy, thì điều đầu tiên chúng ta phải thấy được ý nghĩa của nó chính là quyết sách hết sức đúng đắn của Đảng ta, của Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Chủ trương sáng suốt này được thể hiện ở mặt đối nội là tập hợp toàn dân, đoàn kết toàn dân, xây dựng nên Nhà nước đầu tiên - Nhà nước dân chủ nhân dân mà có Quốc hội”.
Nhiều nhà sử học của Việt Nam cho rằng, khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng và tạo cơ hội cho nhiều người ứng cử và tranh cử quyết liệt để chọn ra nhân tài giúp nước. Bởi thời đó, có nhiều người rất ngại tham gia ứng cử nhưng được sự khích lệ của Bác Hồ và trong không khí dân chủ mới, nhiều người đã mạnh dạn ra tranh cử. Hà Nội lúc đó có tới 74 ứng cử viên ra tranh cử để chọn ra 6 đại biểu. Những cuộc tiếp xúc cử tri của người tự ứng cử cũng diễn ra rất sôi nổi ở khắp nơi.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Không ai có thể tưởng tượng nổi, vào thời điểm cách đây 70 năm, đất nước vừa thoát khỏi cảnh lầm than, hơn 90% người dân còn mù chữ, vậy mà lại có 1 cuộc Tổng tuyển cử dân chủ và văn minh như vậy. Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: Tiến hành Tổng tuyển cử trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là mọi công dân đều có quyền, không phân biệt đàn ông hay đàn bà, không phân biệt các dân tộc, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng… Bây giờ nghe đơn giản nhưng vào thời điểm cách đây 70 năm điều đó không phải phổ biến. Ngay ở một số nước châu Âu, quyền bình đẳng về giới, để phụ nữ được tham gia bầu cử, ứng cử chưa phải đã phổ quát.
Không chỉ thể hiện quan điểm, tư tưởng về một chế độ bầu cử tự do, dân chủ, ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội. Đó là “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể Quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Những người trúng cử phải ra sức để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào”.
Nói về quan điểm này, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, đó chính là những tiêu chuẩn chung, cốt lõi nhất của người đại biểu Quốc hội và điều này đã được quy định cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Cũng theo ông Vũ Mão, cuộc tổng tuyển cử 6/1/1946 là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và rất mẫu mực, rút ra nhiều bài học sâu sắc, bài học về tin dân, đại đoàn kết, bài học về dân chủ. Đó cũng chính là những kinh nghiệm sâu sắc để chúng ta tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới. “Ngày 22/5 tới là ngày toàn dân tham gia bầu cử thì theo tôi rất nhiều bài học của cuộc tổng tuyển cử 6/1/1946 chúng ta cần phải học. Chúng ta cũng mong muốn nhân dân cả nước tích cực tham gia bầu cử. Mỗi người với trách nhiệm cử tri của mình, khi cầm lá phiếu cần cân nhắc để ai, gạch ai cho chính xác. Và ngày đó, toàn dân đi bầu, không bầu hộ, bầu thay.
70 năm trước, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1 đã thực sự trở thành ngày hội của mọi người dân, với hơn 90% cử tri tham gia bầu cử. Sau 70 năm, bài học quý giá của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về Quốc hội và bầu cử Quốc hội vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, với tinh thần và khí thế mới, chúng ta tin rằng, ngày 22 tháng 5 tới, mỗi cử tri sẽ phát huy quyền và trách nhiệm của mình, hăng hái đi bầu cử để lựa chọn những người thực sự xứng đáng tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Qua đó, Quốc hội các khóa tiếp theo và Quốc hội các khóa tới không ngừng lớn mạnh, đáp ứng những yêu cầu của đất nước, đáp ứng sự tin tưởng của cử tri./.
(Theo Báo điện tử ĐCSVN)