Thứ Hai, 29/04/2024 10:26

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  05/03/2013 00:00     

LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa: Góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992


Phó Chủ tịch TT LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Hài phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Ngày 5.3.2013, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong hệ thống tổ chức công đoàn. Dự Hội thảo có các ban LĐLĐ tỉnh; CĐ cấp ngành, huyện và tương đương; các CĐCS trực thuộc; đại diện Văn phòng thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Văn Hài, đã chủ trì Hội thảo. Trên cơ sở hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy các đại biểu đã sôi nổi thảo luận và đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Văn Hài, Phó Chủ tịch TT LĐLĐ tỉnh - đã nhấn mạnh lại 6 quan điểm cơ bản khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đồng thời nêu rõ trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ tâm huyết của người lao động, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người lao động và hệ thống công đoàn các cấp trong việc tham gia ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định tính cấp thiết của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, đi sâu vào các nội dung như: Tên gọi, lời nói đầu, về bố cục; Điều 26 về quyền tự do lập hội; Điều 29 về quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; Điều 35 về quyền được bảo đảm an sinh xã hội; Điều 38 về quyền có việc làm, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc, về hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động...


Đ/c Hoàng Quang Thanh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Cam Lâm
đóng góp một số ý kiến

Các ý kiến đóng góp tập trung thảo luận vào các nội dung được quy định trong Điều 4, 9 và 10 nhằm làm rõ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi chính đáng cho người lao động. Đại biểu Hoàng Quanh Thanh – Chủ tịch LĐLĐ huyện Cam Lâm phân tích Điều 10 “Tổ chức Công đoàn Việt Nam” và khẳng định không có đa đại diện, đa công đoàn ở nước ta, CĐ VN là đại diện duy nhất của người lao động. So với Hiến pháp 1992, Dự thảo đã bỏ cụm từ “cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội” đã khẳng định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức CĐ đối với người lao động.  Bằng cụm từ “đại diện cho người lao động, chăm lo và  bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động” đã bảo đảm súc tích, đầy đủ.  


Đại biểu Phạm Thị Kim Oanh, cán bộ Ban Pháp chế Tổng Cty Khánh Việt
phát biểu góp ý Hiến pháp 1992

Góp ý vào Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, đại biểu Phạm Thị Kim Oanh – Cán bộ Ban Pháp chế Tổng Công ty Khánh Việt cho rằng Điều 15, Khoản 2 nên sửa đổi thành: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.”  Khoản 1 Điều 36,  sửa đổi thành: “ Mọi người có quyền có nơi ở hợp pháp”.  Điều 41, đề nghị sửa đổi thành: “Mọi người có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế…cộng đồng”. Điều 26, nên sửa đổi thành: “ Công dân có quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin và tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của luật.”

Góp ý vào Chương III “Chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ”, nhiều đại biểu cho rằng, đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung cụ thể Chương III phải thể hiện được bản chất giai cấp công nhân, đồng thời mang tính pháp lý và tính xã hội cao. Các đại biểu cũng đã tham góp ý các vấn đề về gia đình; văn hóa, giáo dục. Đại biểu CĐ ngành Giáo dục Khánh Hòa đề nghị bổ sung Điều 42 “Giáo dục tiểu học là bắt buộc và miễn phí cho tất cả mọi người” và bổ sung những những nội dung mới (Điều 120, 121, 122) về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước…

Góp ý vào Điều 44, đại biểu Hồ Quang Luyện – Chủ tịch LĐLĐ Ninh Hòa đề nghị sửa đổi “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các dịch vụ văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”. Thêm từ dịch vụ và bỏ từ cơ sở. Vì dùng cụm từ sử dụng các cơ sở văn hóa sẽ dẫn đến nhầm lẫn việc trao quyền sử dụng.    


Toàn cảnh Hội thảo

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Văn Hài đánh giá nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, chất lượng đặc biệt là các vấn đề, ý tưởng hay liên quan đến tổ chức CĐ, NLĐ và hoạt động của CĐ đã được đưa ra tại hội thảo…

Trước đó, LĐLĐ tỉnh cũng đã ban hành Hướng dẫn số 02/HD-LĐ ngày 29/01/2013 về tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, theo đó các cấp công đoàn trong tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền, nghiên cứu tài liệu, lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp lấy ý kiến trong đoàn viên, CNVCLĐ như góp ý trực tiếp, góp ý bằng văn bản gửi về công đoàn cấp trên, tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm…

Sau Hội thảo, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục tổng hợp ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các cấp công đoàn trên địa bàn toàn tỉnh.

MH

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9955434
Online
Hiện có: 63   Khách