Thứ Sáu, 27/12/2024 12:15

ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN - TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT !

  04/05/2013 10:05     

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992, CẦN TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM


Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chủ trì hội nghị có các Đại biểu Quốc hội Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lê Minh Hiền, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; và hơn 80 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố…tham dự hội nghị. Website Công đoàn Khánh hòa xin giới thiệu ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.

 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu rõ hơn ai hết vị trí và tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn trong phong trào cách mạng nói chung và trong hoạt động của hệ thống chính trị nói riêng. Điều đó được thể hiện thông qua các bài viết và bài nói chuyện của Bác và sự quan tâm đề cập của Người về tổ chức Công đoàn trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Người đã có nhiều quan điểm về hệ thống chính trị mới, trong đó có những nội dung về Công đoàn, như là bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị.

Ngày 25/5/1946, Hội Công nhân cứu quốc được đổi tên thành Tổng Liên đoàn Lao động, trở thành một tổ chức quần chúng quan trọng trong hệ thống chính trị mới;  Đặc biệt là các Hiến pháp năm 1946, 1959; Luật  Lao động 1947, Luật Công đoàn 1957…đã tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn hoạt động thuận lợi. Qua đó thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta đối với người lao động, trong đó có công nhân và tổ chức Công đoàn.

 2. Đại hội XI của Đảng đã bổ sung Cương lĩnh và tiếp tục khẳng định bản chất của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại diện trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Chính vì vậy, Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định bản chất của Đảng, mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với giai cấp công nhân Việt Nam mà tổ chức tập hợp và đại diện cho công nhân lao động là tổ chức Công đoàn Việt Nam.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để đòi đa đảng lãnh đạo, đa nguyên chính trị, đa tổ chức Công đoàn để nhằm làm thay đổi chế độ chính trị của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, Đảng và nhân dân ta đã kiên quyết lựa chọn chỉ có sự lãnh đạo duy nhất của Đảng CSVN, Công đoàn Việt Nam là đại diện duy nhất của công nhân lao động.

 Đảng ta luôn xác định giai cấp công nhân có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, ngày nay là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với số lượng chỉ chiếm 21% tổng số lao động, nhưng hàng năm giai cấp công nhân Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước. Dự báo đến năm 2020, các ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 70 – 80% trong GDP, lao động trong nông nghiệp chỉ còn từ 30 – 35%. Như vậy, vai trò của của công đoàn ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, lực lượng lao động chủ yếu của đất nước ta hiện nay và tương lai.

 4. Với vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng của giai cấp công nhân mà đại diện cho lực lượng to lớn đó là Công đoàn Việt Nam, Hiến pháp 1980 đã dành riêng Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam, cụ thể là “Tổng công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước. Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn tham gia công việc Nhà nước và kiểm tra hoạt động của cơ quan Nhà nước, tham gia quản lý xí nghiệp; giáo dục công nhân, viên chức; tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa; cùng với cơ quan Nhà nước chăm lo đời sống và bảo đảm quyền lợi của công nhân, viên chức”

5. Các Hiến pháp năm 1980, 1992 đều ghi nhận về vai trò vị trí, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn ở Điều 10, với nội dung kế thừa ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Năm 2001, hiến pháp 1992 được sửa đổi bổ sung một số điều cho phù hợp với tình hình mới. Liên quan đến Điều 9 và Điều 10, Ủy ban dự thảo sửa đổi bổ sung Điều 9 về Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ) còn Điều 10 quy định về CĐVN được giữ nguyên. Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam quy định tại Điều 10.  

 Có ý kiến cho rằng nếu quy định về Công đoàn trong Hiến pháp thì cũng phải có quy định đối với 5 tổ chức chính trị xã hội còn lại trong Hiến pháp để đảm bảo sự bình đẳng đối với các tổ chức chính trị xã hội trong Hiến pháp. Trên thực tế được biết, không phải chỉ có Hiến pháp của nước ta quy định về Công đoàn mà hiến pháp nhiều nước cũng quy định về công đoàn. Ví dụ như: Điều 51 Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ quy định quyền tổ chức của Công đoàn Lao động; Điều 12 Hiến pháp của Hy Lạp quy định Công dân Hy Lạp có quyền thành lập Công đoàn, nghiệp đoàn; Hiến pháp Thụy Điển quy định mọi tổ chức Công đoàn đều có quyền đình công; Hiến pháp của Bồ Đào Nhà, Braxin, Nga, Lào, Ailen,  đều có quy định về công đoàn. Cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài quy định về tổ chức Công đoàn trong hiến pháp, các nước đều không có điều quy định về các tổ chức chính trị xã hội khác.

6. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam được các nhà khoa học, các thành viên Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phân tích kỹ lưỡng những căn cứ lý luận và thực tiễn, cơ sở khoa học quy định Công đoàn trong Hiến pháp; thống nhất giữ Điều 10 và sửa đổi bổ sung vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Dự thảo đã bỏ cụm từ Công đoàn "cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội" là rất phù hợp, nhằm khẳng định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động.  

Như vậy, có thể khẳng định rằng, từ Hiến pháp 1980 đến nay, trải qua 32 năm với vai trò của mình được quy định trong Hiến pháp, Công đoàn Việt Nam đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, ngày càng lớn mạnh, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế- xã hội thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ý kiến của chúng tôi là thống nhất với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Công đoàn được ghi nhận ở Điều 10 "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

 7. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam là hai tổ chức chính trị xã hội có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội, vì vậy Hiến pháp đã có hai điều riêng quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9) và Công đoàn (Điều 10). Cũng vì vậy Điều 111 đã quy định Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan là hoàn toàn phù hợp và logich. Theo đó, đề nghị Điều 106 của Dự thảo nên giữ nguyên nội dung như Điều 111 của Hiến pháp năm 1992.

Quỳnh Anh (lược ghi)

 
Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 11140457
Online
Hiện có: 16   Khách