Thứ Hai, 30/12/2024 23:24

ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN - TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT !

  11/09/2013 17:26     

Thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm: Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động


Hoàn thiện các chính sách, pháp luật
về việc làm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động


Trong những năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và triển khai khá đồng bộ các chính sách, pháp luật về việc làm. Nhờ đó đã từng bước thúc đẩy, đảm bảo và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động (NLĐ).

Lợi ích từ các chính sách

Triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động”, UBND tỉnh đã đầu tư giai đoạn 1 hơn 1,5 tỷ đồng nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh trở thành nơi kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp. Từ việc đầu tư đó, Trung tâm đã thành lập sàn giao dịch việc làm điện tử và mở rộng việc tư vấn, giới thiệu sâu sát cho NLĐ. Nhờ đó, bình quân hàng năm Trung tâm đã tư vấn cho trên 7.000 lượt người lao động; giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho hơn 2.300 người. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp mở các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố để NLĐ và người sử dụng lao động gặp nhau, tìm kiếm những ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân.

Bên cạnh đó, triển khai chính sách cho vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ đã mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản xuất, tuyển dụng thêm nhiều lao động vào làm việc. Đối với các hộ gia đình, lao động nông thôn có thêm cơ hội xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư khôi phục các ngành nghề truyền thống… Từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 3.000 dự án vay vốn giải quyết việc làm, trong đó có trên 100 cơ sơ sản xuất kinh doanh và 3.000 hộ gia đình vay vốn giải quyết việc làm. Qua nguồn quỹ giải quyết việc làm đã có 8.000 lao động tạo được việc làm.

Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Với chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Việc tạo hỗ trợ và cho NLĐ vay vốn tham gia xuất khẩu lao động được các ngân hàng, doanh nghiệp tư vấn xuất khẩu lao động tạo điều kiện hết mức. Ngoài ra, sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về chúng tôi tiếp tục tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ theo đúng trình độ và ngành nghề của họ. Đối với những lao động có mong muốn tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài chúng tôi vẫn luôn tạo điều kiện để họ được xuất ngoại”. Để đảm bảo cho NLĐ không bị lừa và có môi trường lao động an toàn, ngành chức năng đã chú trọng phối hợp với những đơn vị xuất khẩu lao động được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép. Nhờ đó, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.100 lao động tham gia đi làm việc ở các nước như: Nhật Bản, Liên bang Nga, Malaysia, Hàn Quốc…

Ngoài ra, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác dạy nghề nhằm nâng cao tay nghề, kỹ thuật và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay đã có hơn 10.000 lao động nông thôn được dạy nghề, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng. Những ngành nghề được đào tạo như: nuôi gà thả vườn, nuôi trồng thủy hải sản, may công nghiệp, mộc, hàn... Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt trên 75%, mức thu nhập trung bình từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Ông Mai Xuân Trí cho biết: “Bước đầu tỉnh ta triển khai Đề án cho thấy, người học nghề đã tiếp cận được kiến thức chuyên môn, biết cách làm nghề, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, có cơ hội vào làm việc tại các doanh nghiệp. Ở một số xã thí điểm, các mô hình dạy nghề đã góp phần hình thành mô hình sản xuất mới. Có không ít lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ”…

Cần tiếp tục hoàn thiện điểm yếu

Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà các chính sách, pháp luật về việc làm đem lại, vẫn còn nhiều những khuyết điểm, hạn chế đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần điều chỉnh cho phù hợp. Ông Mấu Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chính sách hết sức đúng đắn. Thế nhưng, để phát huy được hiệu quả, công tác đào tạo nghề cần phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa với địa chỉ việc làm. Chỉ tính riêng ở huyện Khánh Vĩnh, do không có khu công nghiệp nên việc giải quyết việc làm cho số người đã qua học nghề gặp muôn vàn khó khăn. Chính vì thế, UBND tỉnh và các cấp, ngành cần nghiên cứu đào tạo những nghề phù hợp với điều kiện của huyện. Đồng thời, tăng nguồn vốn vay ưu đãi để những lao động sau học nghề có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, phát huy kiến thức đã học”.

Còn bà Phan Thị Hoàn - Quyền Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nói: “Hiện nay, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn quỹ từ gói vốn này lại đang rất hạn chế do trong năm 2013 Trung ương đã không bổ sung thêm nguồn vốn cho Khánh Hòa vì họ cho rằng Khánh Hòa là tỉnh có mức thu nhập trên đầu người cao. Trong khí đó, tỉnh ta vẫn chưa thành lập Quỹ cho vay giải quyết việc địa phương. Do đó, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, góp phần giải quyết việc làm thì UBND tỉnh cần nghiên cứu sớm thành lập nguồn quỹ này”.

Theo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc trong việc khai trình đầy đủ thông tin việc sử dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp còn lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động 1 hoặc 3 tháng một để trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ. Nếu NLĐ mà thắc mắc thì doanh nghiệp liền cho NLĐ nghỉ việc để đáng vào tâm lý sợm mất việc làm của NLĐ. Ông Lê Xuân Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Chúng tôi luôn kiên trì vẫn động các doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ. Thế những, nhiều đơn vị hứa hết lần này đến lần khác mà không thành lập. Do đó, để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của NLĐ thì các bộ, ngành, địa phương cần quy định chế tài xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm luật và không thành lập công đoàn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền Luật để NLĐ nắm rõ về những quyền lợi của mình”…

Có thể nói, các chính sách, pháp luật về việc làm đã và đang phát huy những lợi ích hết sức thiết thực cho NLĐ. Tuy nhiên, để những lợi ích đó phát huy hơn nữa thì cần sự nỗ lực trong triển khai và sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp từ các bộ, ngành, địa phương.

Đồng chí Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói: Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương vẫn còn xem vấn đề việc làm và giải quyết việc làm là của riêng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nên sự phối hợp thực hiện các chính sách, pháp luật về việc làm chưa đồng bộ, sâu sát. Số lao động sau học nghề có việc làm hay chưa vẫn còn bỏ ngõ. Để phát huy lợi ích của các chính sách cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Đồng thời, xem việc thực hiện các chính sách, pháp luật việc làm không của riêng đơn vị nào mà là trách nhiệm chung.   

VĂN GIANG

 
Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 11142455
Online
Hiện có: 36   Khách