Thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa quan tâm thực hiện; đồng thời quán triệt là nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần quan trọng bảo đảm quyền con người.
Coi trọng tiếp công dân
Buổi tiếp công dân định kỳ tháng 9-2024 của ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết thúc với nụ cười hài lòng và lời cảm ơn của vợ chồng ông bà Trần Vĩnh Kỳ - Trần Thị Thanh Hằng (trú phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang). Ông bà đã nhiều lần gửi đơn đề nghị giải quyết hồ sơ để có cơ sở làm thủ tục chỉnh lý giảm diện tích sử dụng đất của gia đình tại phường Vĩnh Hải (nay thuộc phường Vĩnh Hòa, Nha Trang), nhưng nhiều năm qua, các cơ quan chức năng chưa giải quyết. Nghe ông bà trình bày nỗi niềm tại buổi tiếp công dân, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân đã yêu cầu các cơ quan liên quan phải khẩn trương kiểm tra, đo vẽ, xác định phần diện tích đất còn lại của ông bà để làm thủ tục đăng ký biến động, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, sau đó báo cáo kết quả thực hiện.
11 tháng năm 2024, toàn tỉnh tiếp 1.982 lượt công dân đến KNTC, phản ánh, kiến nghị; thực hiện 11 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định về tiếp công dân, giải quyết KNTC đối với 37 đơn vị; 58 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm công tác tại 11 cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh được xác minh tài sản, thu nhập. Ngành Thanh tra tỉnh triển khai 88 cuộc thanh tra hành chính, ban hành 67 kết luận thanh tra tại 139 đơn vị. Tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại đạt 85,4%; giải quyết đơn tố cáo đạt 88,6%. Số lượng các vụ án tham nhũng, kinh tế được điều tra, truy tố, xét xử và giá trị tài sản bị thất thoát, tham nhũng đã thu hồi đều cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Ông Trương Thanh Phong - Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn duy trì nghiêm lịch tiếp công dân hằng tháng; chủ trì tổ chức đối thoại lần đầu đối với nhiều trường hợp; đồng thời quán triệt tiếp công dân là nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, giao đất tái định cư…; chủ động nắm tình hình, tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh. Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh nhanh chóng tiếp nhận các phản ánh để kịp thời xử lý, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thông qua tiếp công dân, nhiều vụ việc KNTC được giải quyết dứt điểm từ cơ sở, không phát sinh “điểm nóng”, hạn chế đơn thư tồn đọng, khiếu kiện đông người, vượt cấp, góp phần giữ vững, ổn định an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội toàn tỉnh. Hầu hết quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã được thực hiện. Các cơ quan hành chính nhà nước ban hành hàng trăm văn bản quản lý, chỉ đạo về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết KNTC. Nhiều hội nghị triển khai công tác của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện được tổ chức kết hợp với tuyên truyền, phổ biến quy định về tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Nỗ lực phòng, chống tham nhũng
Tham nhũng vốn được xem là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện quyền con người, quyền phát triển, gây ra nhiều hậu quả cho xã hội. Để từng bước ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, tỉnh đã tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; cải cách hành chính; tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã hội, cơ quan báo chí; gắn phòng ngừa với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường dân chủ ở cơ sở... Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã đưa ra xét xử được xã hội đồng tình. Công tác xác minh tài sản, thu nhập được chú trọng. Cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ công bố, Chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh (PACA) năm 2022 của Khánh Hòa chuyển biến rất tích cực, tăng 52 bậc so với năm 2021, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về PCTN (đạt 19/20 điểm); kết quả thu hồi tài sản tham nhũng (7,35/10 điểm); thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (gần 24/30 điểm).
Lãnh đạo Thanh tra tỉnh cho biết, để góp phần tiếp tục bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, thời gian tới, Thanh tra tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; linh hoạt trong phương thức tổ chức tiếp công dân định kỳ; giải quyết KNTC kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn ngay từ khi mới phát sinh; tổ chức thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật; kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh PCTN, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý…
Nguồn: Theo Báo Khánh Hòa