Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên cả nước, vấn đề kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 còn phù hợp hay không hiện cần được xem xét.
Anh Nguyễn Huy Hùng (tên nhân vật được yêu cầu thay đổi) là công chức tại một đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP Hà Nội. Gắn bó, cống hiến trong công việc suốt 12 năm, anh nhận được tín nhiệm của lãnh đạo cấp trên và sự tin tưởng của các đồng nghiệp cùng phòng.
Tuy nhiên, anh không được cất nhắc lên làm lãnh đạo phòng bởi trước đó, anh bị kỷ luật đảng với hình thức khiển trách do sinh con thứ 3. Câu chuyện của anh Hùng chỉ là một trong số nhiều câu chuyện đáng tiếc của các cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên khi sinh con thứ 3.
Ngày 10.12, tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26.12), ông Matt Jackson - Trưởng đại diện UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam - đánh giá, dân số Việt Nam đã bắt đầu già hóa từ năm 2011 và đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049. Đồng thời, Việt Nam cũng đang bước vào xu hướng mức sinh thấp, với tổng tỷ suất sinh (TFR) là 1,96 vào năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2024 là năm thứ 5 thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tốc độ già hóa dân số nhanh và sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống cần phải được cải thiện nhiều hơn...
Trong khi đó, tổ chức bộ máy làm công tác dân số chưa ổn định, thiếu thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội - nhận định, tình trạng già hóa dân số rất đáng báo động, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước, trong đó có các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra là làm sao để phòng ngừa được hậu quả của tình trạng này.
Bà An đưa ra phương án về chế độ, chính sách khuyến khích người dân sinh đủ 2 con/gia đình; tránh tình trạng có gia đình quá ít con hoặc có gia đình quá nhiều con. Việc sinh con là không ép buộc và nên có các chế độ thể hiện sự khuyến khích của Nhà nước.
Về đề xuất xem xét hình thức kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3, bà An cho rằng: “Không nên cực đoan quá về điều này trong chính sách kế hoạch hóa gia đình. Việc này nhằm đảm bảo vừa tăng số lượng, vừa tăng chất lượng dân số”.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV vừa qua, Chính phủ cho biết sẽ tập trung chỉ đạo khẩn trương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân số.
Trong đó rà soát, đề xuất sửa đổi Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những việc Đảng viên không được làm (Điều 18); Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6.7.2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Hướng dẫn số 05 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy định số 69-QĐ/TW.
Nguồn: Theo Báo Lao Động