Thứ Tư, 05/02/2025 11:01

ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN - TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT !

  13/01/2025 07:30     

Gần 7.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, cần cảnh giác dịp Tết Nguyên đán

Thông tin từ Cục An toàn thông tin, ngay trong tuần đầu tiên của năm mới 2025, đã có 6.685 phản ánh trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng internet Việt Nam gửi về.

Một số hình thức lừa đảo phổ biến như đổi tiền lẻ qua mạng, giả dạng chuyên gia tài chính dụ dỗ đầu tư nhằm lấy cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, người dân cần đặc biệt cảnh giác.

Theo Cục An toàn thông tin, trong 6.685 phản ánh, có 213 trường hợp phản ánh được tiếp nhận thông qua hệ thống Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn); còn lại 6.472 trường hợp phản ánh cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo thông qua tổng đài 156/5656.

Đáng chú ý, tình trạng giả mạo các trang web của các tổ chức ngân hàng, sàn thương mại điện tử vẫn tiếp diễn. Trong đó, có 2 trang web giả mạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; 1 trang web giả mạo Ngân hàng TMCP Quân đội; 1 trang web giả mạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội; 2 website giả mạo Amazon; 2 website giả mạo Shopee; 4 website giả mạo Điện máy Xanh; 1 trang giả mạo Giao hàng tiết kiệm.

Các cơ quan nhà nước cũng bị giả mạo, như: 2 website giả mạo Cổng Dịch vụ công quốc gia; 1 trang giả mạo Cục An ninh mạng; 1 trang web giả mạo Cục Cảnh sát giao thông; 2 trang web giả mạo Văn phòng Chính phủ.

Cục An toàn thông tin cũng ghi nhận có 33 trường hợp tấn công lừa đảo vào trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam. Có 33.165 thiết bị có khả năng bị huy động và trở thành nguồn tấn công DRDoS, giảm so với tuần kế trước (34.860 thiết bị).

Ngoài ra, hệ thống kỹ thuật giám sát cũng đã ghi nhận tốp 10 lỗ hổng ở các mức độ: Nghiêm trọng, cao hoặc đang bị các nhóm tấn công mạng khai thác trong môi trường thực tế. Trong đó, đáng chú ý có 3 lỗ hổng ảnh hưởng các sản phẩm của Four-Faiths, Palo Alto Networks và Microsoft.

Theo cơ quan chức năng, các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là đổi tiền lẻ qua mạng xã hội. Sau khi nhận tiền chuyển khoản từ nạn nhân, đối tượng thường xuyên chặn liên lạc và biến mất, để lại người bị hại trong cảnh mất tiền mà không thể lấy lại.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn có các thủ đoạn tinh vi khác như giả danh chuyên gia tài chính để dụ dỗ đầu tư, lừa đảo tình cảm, hoặc gửi đường link chứa mã độc nhằm chiếm quyền truy cập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Có những trường hợp nạn nhân bị lừa đảo mất trắng toàn bộ tiền tiết kiệm chỉ vì nhấp vào một đường link giả mạo. Một số khác bị đối tượng lừa đảo khai thác thông tin cá nhân để sử dụng vào các hành vi phạm pháp khác, gây hậu quả nghiêm trọng về cả mặt vật chất lẫn tinh thần.

Để bảo vệ bản thân và gia đình, người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác và trang bị kiến thức về an ninh mạng. Một số biện pháp phòng tránh bao gồm kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin, không nhấp vào các đường link không rõ nguồn gốc, và hạn chế cung cấp thông tin cá nhân trên các nền tảng không tin cậy. Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật các thông tin về các chiêu trò lừa đảo mới nhất từ các cơ quan chức năng và tổ chức uy tín.

 

 

Nguồn: Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn

 
Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 11447094
Online
Hiện có: 209   Khách