ừ ngày 1/7/2025, luật Bảo hiểm xã hội 2024 sửa đổi sẽ chính thức siết điều kiện rút Bảo hiểm xã hội một lần. So sánh với luật Bảo hiểm xã hội 2014, có nhiều thay đổi đáng chú ý.
1. Thay đổi đối tượng được rút Bảo hiểm xã hội một lần.
Theo luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội, người lao động nếu sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội đều được phép rút Bảo hiểm xã hội một lần nếu có yêu cầu.
Nhưng từ ngày 1/7/2025, luật mới phân nhóm đối tượng rõ ràng: chỉ những người đã tham gia Bảo hiểm xã hội trước 1/7/2025 mới giữ nguyên chế độ này.
Trong khi đó, người bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025 trở đi sẽ không còn quyền rút một lần sau 12 tháng nghỉ, trừ khi thuộc các diện đặc biệt như định cư nước ngoài, mắc bệnh hiểm nghèo, suy giảm ≥81% khả năng lao động, hoặc đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ năm đóng Bảo hiểm xã hội.
2. Giảm điều kiện về số năm đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức hạ mức yêu cầu từ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm để hưởng lương hưu.
Điều chỉnh này mở ra cơ hội cho nhiều người lao động lớn tuổi được hưởng lương hưu dù thời gian đóng ngắn hơn, đồng thời thu hẹp thêm đối tượng được rút Bảo hiểm xã hội một lần.
Không chỉ siết chặt về điều kiện, luật Bảo hiểm xã hội 2024 còn bổ sung thêm nhóm được rút Bảo hiểm xã hội một lần, đó là người suy giảm ≥81% khả năng lao động hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
3. Về thủ tục, trình tự rút Bảo hiểm xã hội một lần.
Người lao động vẫn cần nộp sổ Bảo hiểm xã hội kèm đơn đề nghị. Trường hợp thuộc diện đặc biệt vẫn phải nộp thêm giấy tờ chứng minh.
Tuy nhiên, luật mới rút ngắn thời gian giải quyết từ 10 ngày (theo luật Bảo hiểm xã hội 2014) xuống còn 7 ngày làm việc, giúp người lao động nhận tiền nhanh hơn.
Đặc biệt, luật Bảo hiểm xã hội 2024 thiết kế thêm các cơ chế khuyến khích bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội thay vì rút một lần.
Việc sửa đổi quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần cho thấy định hướng rõ ràng của Nhà nước trong việc khuyến khích người lao động duy trì tham gia Bảo hiểm xã hội để đảm bảo an sinh lâu dài.
Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng đòi hỏi phải có sự tuyên truyền, hỗ trợ và tư vấn đầy đủ, kịp thời để người lao động – đặc biệt là nhóm lao động tự do, thu nhập bấp bênh – hiểu và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Việc bảo lưu thời gian tham gia thay vì rút Bảo hiểm xã hội một lần không chỉ là quyền lợi cá nhân, mà còn là sự đầu tư cho tương lai, nhất là trong bối cảnh tuổi già đang ngày càng trở thành giai đoạn dễ tổn thương nếu không có lương hưu ổn định.
Nguồn: Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn