Thứ Ba, 23/04/2024 20:25

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  25/09/2019 09:47     

Giảm thời giờ làm việc tạo bình đẳng trong lực lượng lao động


Giờ ăn ca của CNLD Công ty Hyundai Vinashin

Có 30 ý kiến, kiến nghị của các đại biểu trên cơ sở mong muốn, nguyện vọng của số đông người lao động khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đồng tình đề xuất giảm thời gian làm việc chính thức từ 48 giờ/tuần xuống 44giờ/tuần. Điều này giúp người lao động duy trì được sức khỏe, có thời giam chăm sóc gia đình và giảm tâm lý “bất bình đẳng” giữ lao động trong và ngoài nhà nước.

Giảm giờ làm vẫn đảm bảo năng suất

Trong 2 ngày 19 và 20.9, tại Phú Yên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lấy ý kiến cán bộ công đoàn về một số vấn đề cơ bản trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). 50 đại biểu đại diện LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và chủ tịch công đoàn khu kinh tế- khu công nghiệp, CĐCS tại doanh nghiệp, tổ trưởng công đoàn tham gia góp ý cho dự thảo.

Hai vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tuổi nghỉ hưu và thời giờ làm việc. Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh Đắc Lắc 14% (trong 3.700 phiếu khảo sát) đồng ý về quy định tăng tuổi nghỉ hưu và 62% đề nghị giữ nguyên thời giờ làm thêm hiện nay. Từ thực tiễn hoạt động công đoàn các cấp đa số đại biểu đồng tình đề xuất giảm thời gian làm việc chính thức từ 48 giờ /tuần xuống 44giờ/tuần; tăng thời gian nghỉ lễ, tết trong năm; không tăng tuổi nghỉ hưu đối với công nhân lao động trực tiếp, không đồng tình tăng thời giờ làm thêm nếu lợi ích của người lao động không được đảm bảo…Ông Bùi Thanh Bình, phó chủ tịch LĐLĐ Khánh Hòa cho rằng: “quy định 48 giờ/tuần đã cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong khi từ năm 1999 chúng ta đã áp dụng quy định 40giờ/ tuần đối với lao động trong cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức chính trị, xã hội. Trong nhiều năm quy định không quá 48 giờ/tuần tạo khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương khu vực nhà nước và người lao động khu vực ngoài nhà nước, tạo sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động. Đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc xuống không quá 44 giờ trong tuần”.

Cùng quan điểm ông Hồ Chí Thân, chủ tịch CĐ C.ty Cổ phần thép Đông Nam Á (Đăk Lăk), chia sẻ: “hiện DN đã thực hiện chế độ giờ làm việc 44h/tuần đối với một bộ phận người lao động nhưng năng suất lao động không bị ảnh hưởng. Hơn thế, việc đổi mới trang thiết bị, cải tiến sản phẩm, quản trị doanh nghiệp đã làm cho năng suất lao động ngày càng được cải thiện, người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp”.

Đưa bữa ăn ca vào luật để chủ doanh nghiệp thực hiện

Liên quan đến quyền lợi của CNLĐ tại hội nghị nhiều đại biểu là chủ tịch CĐCS kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam bổ sung quy định chủ doanh nghiệp có trách nhiệm lo bữa ăn ca cho người lao động đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Tàu, chủ tịch CĐCS một doanh nghiệp FDI có đông lao động nhất tại khu công nghiệp Hòa Hiệp (Phú Yên) nói: “Bữa ăn ca nên quy định trong luật vì thực tế chúng tôi hoạt động chủ doanh nghiệp người nước ngoài cứ cái gì có trong luật thì họ áp dụng. Riêng bữa ăn ca dù biết là quyền lợi sát sườn của người lao động nhưng vì không có trong luật nên công đoàn phải đấu tranh với chủ DN rất lâu mới triển khai được”.

Thực tế bữa ăn ca là vấn đề thực tiễn cấp bách khi hiện nay công nhân lao động phải làm theo ca chiếm tỷ lệ cao. Trong khi chất lượng bữa ăn vẫn còn nhiều bất cập vì vậy đề nghị bổ sung quy định chủ doanh nghiệp có trách nhiệm lo bữa ăn ca cho người lao động đảm bảo chất lượng  và an toàn vệ sinh thực phẩm là cấp thiết. Ông Bùi Thanh Bình ( Khánh Hòa) cho rằng: “bữa ăn ca có đặc thù về yêu cầu dinh dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng tái tạo sức lao động  của người lao động. Trong khi đó số vụ ngộ độc tập thể do chất lượng bữa ăn không đảm bảo, số lao động bị suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao vì vậy dự thảo Bộ Luật lao động cần quy định rõ người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động thì mới đủ pháp lý để đảm bảo quyền cho người lao động”.

Box: Ông Lê Đình Quảng, phó trưởng Ban quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: Bộ luật lao động và Luật Công đoàn có vị trí vai trò ý nghĩ rất lớn với việc xác lập và bảo vệ quyền lợi ích của NLĐ đối với hoạt động và tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Tổng LĐLĐ sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu tối đa các ý kiến, kiến nghị của cơ sở để chuyển tải đến ban soạn thảo nhằm đưa những đạo luật thật sự chất lượng, đi vào đời sống, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH.

P.Linh

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9922065
Online
Hiện có: 78   Khách