Tết này, Quỹ “Mái ấm công đoàn Khánh Hòa”
nhân niềm vui nhà mới cho 5 công nhân nghèo
Không khí Tết đã bắt đầu rục rịch ở từng mái nhà, nẻo đường trong Nam lẫn ngoài Bắc. Những công nhân không có điều kiện về quê đang cố gắng làm thêm để có thêm tiền phụ giúp gia đình lo Tết. Cùng với đó, các ban, ngành, doanh nghiệp (DN) thể hiện sự quan tâm bằng việc trao thưởng, tặng quà, trao nhà... Tất cả đều chung tay giúp người lao động (NLĐ) đón cái Tết cổ truyền vui tươi, ấm áp…
Nổ lực để có thưởng
Năm 2012, các DN tiếp tục gặp khó khăn do tình hình kinh tế còn nhiều biến động, nhất là DN có quy mô vừa và nhỏ. Do vậy, câu chuyện về lương, thưởng Tết cho NLĐ cũng trở nên là một bài toán khó cho không ít DN trên địa bàn tỉnh. Ông Vương Vĩnh Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh (Khu công nghiệp Suối Dầu, Cam Lâm) cho biết: “Tuy gặp khó khăn, những với trách nhiệm của mình, chúng tôi vẫn cố gắng trả lương tháng thứ 13 cho NLĐ đón Tết Nguyên đán (trung bình khoảng 3 triệu/người/130 lao động). Ngoài ra, công ty còn tặng mỗi công nhân một suất quà gồm: dầu ăn, bột ngọt, đường…phần nào giúp họ đón tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm”. Trong khi đó, lãnh đạo Công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam cho hay, với 273 lao động thì việc hỗ trợ đời sống dịp Tết cho công nhân thật sự là vấn đề lớn. “Năm qua đơn hàng của công ty không nhiều, xuất khẩu gặp trở ngại do tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhất là đơn hàng đi Mỹ và một số nước ở châu Âu. Tuy nhiên, khó thì khó nhưng công nhân đã gắn bó với công ty cả năm nên ban lãnh đạo DN vẫn cố gắng thưởng một tháng lương thứ 13. Riêng những công nhân có hoàn cảnh khó khăn được công ty hỗ trợ tiền và quà Tết”, ông Phạm Phú Quốc – Chủ tịch Công đoàn Công ty này cho biết.
Chúng tôi đến Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, trong tiếng máy rào rào, trên khuôn mặt mỗi NLĐ thể hiện rõ niềm vui vì năm nay mức thương tết cao hơn năm trước. Chị Nguyễn Thị Phương, công nhân may Công ty bày tỏ: “Những ngày qua, hầu hết công nhân đang rộn ràng vui mừng vì công ty vừa thông báo thưởng Tết hơn 6 triệu đồng/người”. Ông Võ Đình Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang vui mừng nói: “Năm 2012, nhờ giữ được khách hàng truyền thống nên ngoài việc duy trì sản xuất, chúng tôi còn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ đó, doanh thu đạt hơn 1.120 tỷ đồng, xuất khẩu đạt hơn 12.000 USD, lợi nhuận cổ tức đạt 16% và thu nhập của hơn 3.000 lao động tăng lên hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng. Do đó, năm nay chúng tôi quyết định thưởng tết cho NLĐ cao hơn năm trước…”.
“Cày” thêm để sắm tết
Do thu nhập thấp nên nhiều công nhân phải tranh thủ làm thêm dịp Tết để có thêm tiền chi tiêu, lo cho gia đình. Đúng 17 giờ chiều hàng ngày, công nhân ở các Khu công nghiệp ra về. Trên từng gương mặt, ai nấy đều lộ vẻ mệt mỏi vì làm việc căng thẳng kéo dài. Thế nhưng, có nhiều lao động tranh thủ khoảng thời gian từ 17 giờ đến 20 giờ đi làm thêm để có tiền sắm tết. Chị Nguyễn Thị Tuyên, công nhân Công ty TNHH Sakura, (Bình Tân, TP. Nha Trang) cho biết: “Thu nhập không cao, thưởng Tết đến giờ này vẫn chưa thấy công ty có động thái nào nên tôi đành phải tranh thủ đi làm thêm để có tiền chi tiêu, mua sắm chuẩn bị đón Tết”. Những năm trước, chị Tuyên không mặn mà với làm thêm, nhưng cuối năm nay, thưởng Tết không tăng trong khi giá cả thị trường lại tăng vùn vụt nên chị Tuyên cũng cố gắng đi làm thêm. Chi Tuyên bộc bạch: “Đi làm về người mệt lả, chỉ muốn lên giường ngủ ngay chứ không muốn đi đâu nữa. Thu nhập mỗi tháng được khoảng 3 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu cả. Năm hết, Tết đến mà trong nhà vẫn chưa mua sắm được gì do lương thưởng thất thường nên đành chấp nhận đi “cày” thêm để có tiền sắm Tết”.
Ở những công ty không hoặc ít tăng ca, nhiều công nhân sau giờ làm việc cũng tranh thủ đi làm thêm để có tiền chuẩn bị cho Tết. Chị Lê Thị Lan, công nhân Công ty TNHH một thành viên Rapexco Đại Nam (Bình Tân, TP. Nha Trang) cho biết: “Vào những tháng cuối năm công ty ít tăng ca dẫn đến thu nhập thấp nên tôi tranh thủ đi làm thêm cho một cơ sở đan lát nhỏ lẽ gần khu trọ để có tiền trả dần món nợ hơn 30 triệu đồng vay chữa bệnh cho chồng. Sau 8 giờ làm việc tại công ty rồi lại đi làm việc khác nên nhiều đêm đi ngủ mà toàn thân tôi nhức mỏi. Biết là không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn phải cố”. Nhờ công việc làm thêm nên mỗi tháng chị Lan có thêm 1 triệu đồng để trả nợ, và để lo Tết...
Đ/c Nguyễn Thị Biên, Chủ tịch CĐ các Khu CN và KKT
trao quà Tết cho CN nghèo Phan Công Tuấn (Cty TNHH Rapexco Đại Nam)
Quà xuân cho công nhân nghèo
Như một thông lệ đẹp, cận Tết là thời điểm các hoạt động quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân nghèo ăn Tết được các cấp công đoàn Khánh Hòa tổ chức chu đáo, tạo sự phấn khởi trong công nhân. Chị Phạm Thị Xuân Nguyệt, công nhân Công ty TNHH Long Shin tươi cười chỉ vào túi quà nói: “Đang trong giờ làm việc, chúng tôi được lãnh đạo công ty thông báo cho tạm nghỉ làm đi nhận quà của Công đoàn các Khu Công nghiệp - Khu Kinh tế tỉnh hỗ trợ. Mỗi công nhân nghèo được nhận một túi quà thế này đây!”. Chúng tôi hỏi chị: phần quà có những gì? Chị hồn nhiên khoe: “1 chai nước mắm, 1 gói bột ngọt và 1 lít dầu ăn nhé! Ít hôm nữa, công đoàn công ty sẽ phát thêm hộp bánh và túi cà phê nữa! Tới hôm nào chốt công buổi cuối, công ty sẽ còn thưởng lương tháng thứ 13 để công nhân ăn Tết nữa. Thế là Tết năm nay gia đình tôi đã có thêm chút ít để lo Tết rồi…”. Thấu hiểu được nối khó khăn, vất vả, thiếu thốn của những công nhân lao động nghèo làm việc tại các khu công nghiệp, năm nay, Công đoàn các Khu Công nghiệp – Khu Kinh tế tỉnh dành hơn 100 suất quà để tặng cho công nhân nghèo. Phần quà tuy nhỏ và ít nhưng phần nào giúp họ cùng gia đình sum vầy đón Tết đầm ấm.
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tiết lộ: hướng đến động viên NLĐ vượt khó khăn, gắn bó với DN trong giai đoạn khó khăn, chúng tôi cũng đã quyết định dành hơn 300 suất quà Tết trao cho NLĐ nghèo, mỗi suất quà trị giá hơn 300.000 đồng. Trong đó, ưu tiên cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh cùng tham gia vận động chủ DN hỗ trợ thêm cho công nhân khó khăn. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc trả lương, thưởng Tết cuối năm đảm bảo công bằng, kịp thời cho NLĐ đón Tết.
Không những thế, Xuân này, Quỹ “Mái ấm công đoàn Khánh Hòa” cũng nhân niềm vui cho những lao động nghèo được đón tết trong ngôi nhà mới. Vợ chồng chị Võ Thị Hồng Vân, công nhân Công ty TNHH Ngọc Trai Việt Nam (Vạn Lương, Vạn Ninh) làm việc quần quật quanh năm nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình và chi phí cho con ăn học. Cả gia đình chị phải ở trong căn nhà tạm dột nát. Mỗi lần mưa gió, vợ chồng chị phải xoay trần đánh vật để che chắn tứ phía. Nhưng giờ đây, căn nhà ấy đã trở nên vững chãi vì được xây bằng gạch, lợp mái tôn, với diện tích gần 60m2 do Quỹ “Mái ấm công đoàn” hỗ trơn hơn 20 triệu đồng, cùng sự giúp đỡ của công ty, dòng họ, bà con lối xóm. Tại lễ bàn giao, chị Vân xúc động nói: “Tôi vui mừng và hạnh phúc lắm, thế là Tết này gia đình được đón giao thừa trong ngôi nhà mới rồi. Nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của Quỹ “Mái ấm công đoàn” và anh chị em đồng nghiệp trong đơn vị thì chưa biết đến bao giờ tôi mới xây được căn nhà khang trang như thế này. Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người…”. Chị Vân là 1 trong số hơn 30 gia đình công nhân nghèo được về nhà mới đón xuân Quý Tỵ do Quỹ “Mái ấm công đoàn Khánh Hòa” hỗ trợ.
CĐ Cty TNHH Một thành viên Rapexco Đại Nam chi nhánh Suối Dầu
dành những phần quà ý nghĩa tặng những công nhân có hoàn cảnh khó khăn
Mong ước giản dị
Trong khi cuộc sống còn khó khăn, chưa thực sự ổn định, những người công nhân chưa dám mơ ước giàu sang. Thời điểm này, với họ có công việc ổn định, mức lương hợp lý để chăm lo cho gia đình nhỏ bé của mình là hạnh phúc. Khi hỏi về những mong ước trong năm mới thì hầu hết những NLĐ chúng tôi gặp đều nói lên những điều bình dị nhất. “Mong sao năm 2013 kinh tế không còn biến động nữa để công ty có nhiều đơn hàng, từ đó chúng tôi có nhiều hàng để làm. Đồng thời, DN điều chỉnh mức công sản phẩm và nâng lương cho NLĐ, có như vậy thu nhập của chúng tôi mới được thay đổi”, chị Nguyễn Thị Kim Hoa, công nhân Công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam chia sẻ.
Hiện nay, ở hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhà ở cho công nhân lao động. Đa số họ đều phải thuê nhà trọ với giá từ 200 đến 600 nghìn đồng/tháng. Trong khi đó, những khu trọ này đều ẩm thấp, chật hẹp và thiếu an toàn. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, công nhân Công ty TNHH Long Shin chia sẻ mong ước: “Bước sang năm mới, tôi mong sao các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, để chung tôi có được nơi ở an toàn, phù hợp với thu nhập. Bên cạnh đó có trường mẫu giáo, chợ giá rẻ công nhân, sân chơi công cộng…có như thế chúng tôi mới an tâm làm việc, gắn bó với DN lâu dài”…
Mong ước là những điều chưa diễn ra, những đó cũng là sự thể hiện niền tin của NLĐ vào chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương và sự quan tâm của DN đối với họ. Bản thân họ cũng biết rằng, để làm được điều đó thì chính mình cũng nỗ lực trong lao động và cùng chia sẻ, đồng cảm với DN cùng vượt qua khó khăn bước vào năm 2013 tốt đẹp hơn. Và chúng tôi xin chúc cho những mong ước bình dị ấy của NLĐ sẽ trở thành hiện thức trong năm Quý Tỵ - 2013.
Theo khảo sát của Công đoàn các Khu công nghiệp – Khu kinh tế tỉnh, hiện nay có 1.451/11.357 lao động ở xa đang thuê nhà trọ; hơn 500 công nhân có nhu cầu được thuê nhà ở.
(VĂN GIANG)