Thứ Sáu, 26/04/2024 23:53

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  06/07/2021 21:19     

Đề xuất giảm mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Cần sự chính sách để NLĐ được duy trì hơn là giảm


Nhiều lao động cho rằng, thời điểm này cần giải pháp để hỗ trợ lao động duy trì
BHXH hơn là giảm mức hưởng khi nhận BHXH một lần. Ảnh: Phương Linh 

Đánh giá về đề xuất mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về việc giảm mức hưởng Bảo hiểm xã hội một lần (BHXH), nhiều người lao động cho rằng không phù hợp trong điều kiện hiện nay.

BHXH hưởng một lần là chính sách trợ giúp cho người lao động mất việc, khó khăn cần một khoản để chuyển đổi hoặc trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, đề xuất mới đây của Bộ LĐTBXH giảm mức hưởng nếu rút BHXH một lần từ 1,5 tháng lương giai đoạn 2014 về trước và 2 tháng lương từ năm 2014 về sau còn 1 tháng lương bình quân tính đóng BHXH đang khiến nhiều lao động lo lắng.

Chị Phạm Thị Hoài - công nhân Khu công nghiệp Suối Dầu (Khánh Hòa) - cho rằng: “Nếu giảm 50% khi rút một lần BHXH, nhiều người sẽ sợ mất không rút, nhưng nhiều người bí quá cũng sẽ phải chọn. Như vậy, lao động vốn khó khăn càng thêm khó, chính sách vì vậy không phát huy tác dụng bảo hiểm mà còn "bóp thêm" của công nhân nghèo. Do đó, nên có lộ trình rút thay vì một lần thì giãn ra để lúc khó khăn người lao động có được 1 khoản để lo trước mắt, sau đó ổn rồi thì có quyền lựa chọn duy trì tiếp hoặc không nhưng nên giữ cho người lao động”.

Không đồng tình với việc giảm mức hưởng BHXH nếu rút một lần, anh Vương Anh - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Đồ bơi Thống Nhất - nói: "Các chính sách theo đối tượng có thể phù hợp, tuy nhiên giảm đi quyền lợi của người lao động thì không nên".

Thống kê của BHXH tỉnh Khánh Hòa đến cuối tháng 6, lũy kế giải quyết trợ cấp BHXH 1 lần là 13.408 trường hợp, tăng so với kỳ trước 6.919 trường hợp, tăng 106,63%. Số lao động hưởng trợ cấp BHTN 4.857 trường hợp, giảm 10.497 trường hợp so với kỳ trước.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy (trú TP.Cam Ranh, Khánh Hòa), “nếu lao động mất việc có phương án chuyển đổi nghề thì cho rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, cắt giảm 50% thời điểm này là không phù hợp”.

Từng là công nhân một công ty thủy sản, sau 12 năm công ty cắt giảm, chị Thủy mất việc làm ở tuổi 42. Có 14 năm đóng BHXH, thời điểm đó, chị Thủy chọn đóng BHXH tự nguyện với suy nghĩ dành dưỡng già. Tuy nhiên, không tìm được việc làm khi đã lớn tuổi nên 1 năm sau, chị chọn rút BHXH một lần để lấy vốn chuyển sang kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Trưởng Phòng Hành chính nhân sự một công ty tại KCN Suối Dầu (Khánh Hòa) - lo ngại: "Nếu công nhân nghe đề xuất này chắc sẽ nghỉ để rút BHXH một lần sớm. Tâm lý người lao động, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh này, cần một khoản tiền trước mắt để trang trải cuộc sống qua dịch bệnh. Không chỉ lao động phổ thông mà lao động cấp cao cũng chọn nghỉ, nhận BHXH 1 lần để lấy khoản tiền dùng vào kênh đầu tư khác vì thời gian để chờ hưởng BHXH hiện quá dài. Nên chăng Bộ LĐTBXH cần xem xét chính sách trợ giúp cho NLĐ thời điểm này để họ duy trì BHXH hoặc chọn giãn thời gian hưởng, không nên cắt vào hầu bao vốn đã khó của lao động mất việc".

Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Khánh Hòa - cho hay, số lao động đăng ký hưởng BHXH một lần trên địa bàn tăng so với với các năm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện đề xuất vẫn đang cần sự phản biện của các cấp và có lộ trình phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Theo báo Lao động online (Phương Linh)

 

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9948749
Online
Hiện có: 337   Khách