Chủ Nhật, 22/12/2024 12:57

ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN - TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT !

  09/12/2024 07:57     

Khát vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để Khánh Hòa đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Tuy nhiên, với thời gian chỉ còn khoảng 5 năm mà nhiệm vụ đưa Cam Ranh và Ninh Hòa lên quận, Cam Lâm lên thành phố và Diên Khánh, Vạn Ninh lên thị xã là điều không hề dễ dàng.

Kỳ 1: Nghị quyết lớn, mở ra cơ hội lớn

Khi Khánh Hòa đang thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị quyết đã mở ra cơ hội lịch sử, tạo động lực để Khánh Hòa phát triển bứt phá.

Điều chỉnh chương trình phát triển đô thị

Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu chung là phát triển toàn tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm kinh tế biển, kinh tế dịch vụ, du lịch lớn của cả nước; tạo nền tảng đến năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương theo mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững và bản sắc quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước…

Công trình Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh đang được xây dựng.
Công trình Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh đang được xây dựng.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, đối chiếu mục tiêu cụ thể của Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với định hướng của Trung ương tại Nghị quyết số 09 có một số thay đổi chính như: TP. Nha Trang từ “tiếp tục là đô thị loại I” thành “là đô thị hạt nhân”; TP. Cam Ranh từ phấn đấu xây dựng “đạt tiêu chí đô thị loại II” thành “là đô thị du lịch - logistics”; thị xã Ninh Hòa từ “tiếp tục là đô thị loại IV” thành “đô thị công nghiệp”; huyện Diên Khánh từ phấn đấu “đạt tiêu chí của đô thị loại IV” thành “là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống”; huyện Vạn Ninh từ phấn đấu “đạt tiêu chí đô thị loại IV”, “trở thành đô thị du lịch biển cao cấp”; huyện Cam Lâm từ “thị trấn Cam Đức phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV”, “trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế”; huyện Khánh Sơn từ “thị trấn Tô Hạp tiếp tục là đô thị loại V” thành “là tiểu đô thị sinh thái núi rừng”; huyện Khánh Vĩnh từ “thị trấn Khánh Vĩnh tiếp tục là đô thị loại V” thành “là tiểu đô thị sinh thái núi rừng”. Riêng huyện Trường Sa, theo định hướng trong Nghị quyết số 09 là “trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”.

Ông Trần Văn Châu - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, qua đối chiếu mục tiêu cũ và định hướng mới của Trung ương, Sở Xây dựng đã báo cáo đề xuất điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh và chương trình phát triển đô thị tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu còn phù hợp, hoặc cần bổ sung để triển khai thực hiện trong thời gian tới đảm bảo tuân thủ các định hướng, quy định của Trung ương và phù hợp với các quy hoạch liên quan. Cuối năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 thành phố là Nha Trang và Cam Lâm; 2 quận Ninh Hòa và Cam Ranh; 2 thị xã Diên Khánh và Vạn Ninh; 3 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Trường Sa. Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực thực hiện điều chỉnh chương trình phát triển đô thị để phù hợp với Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đạt được nhiều kết quả quan trọng

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, ngay từ năm 2022, Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng của ngành Xây dựng, đặc biệt phải hoàn thành một số quy hoạch quan trọng; đồng thời phấn đấu đến năm 2025 sẽ phủ kín quy hoạch phân khu tại các địa phương. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, các quy hoạch quan trọng đã được phê duyệt, như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Sở Xây dựng cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chủ trương cho phép các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện để rà soát, định hướng phát triển các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh đồng bộ, thống nhất với định hướng phát triển của các khu vực quan trọng (Nha Trang, Vân Phong, Cam Lâm), hài hòa trong tổng thể phát triển chung của toàn tỉnh theo mục tiêu phấn đấu xây dựng Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, các địa phương như: Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm… đang nỗ lực lập các quy hoạch phân khu để thu hút đầu tư, hoàn thiện hệ thống đô thị.

Một góc Nha Trang nhìn từ phía bắc.
Một góc Nha Trang nhìn từ phía bắc.

Ông Trần Minh Chiến - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho rằng, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 đã cụ thể hóa mục tiêu, định hướng theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nội dung xây dựng TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ. Để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, sớm đạt được các mục tiêu đồ án nêu ra, UBND TP. Nha Trang đã yêu cầu Phòng Quản lý đô thị xây dựng kế hoạch triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đảm bảo tiến độ phủ kín các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và sớm trình phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc TP. Nha Trang. “Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt một số quy hoạch phân khu của TP. Nha Trang; các quy hoạch phân khu khác đang được thành phố khẩn trương thực hiện với mục tiêu trong quý I/2025 phải phủ kín quy hoạch, tạo tiền đề triển khai các dự án lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, một số xã như: Vĩnh Thái, Phước Đồng, Vĩnh Lương đều có dự án lớn đang chờ, phải có quy hoạch mới triển khai được. Vì vậy, thời gian tới, Phòng Quản lý đô thị cần tiếp tục nỗ lực, nâng cao vai trò trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ lập, trình duyệt các quy hoạch phân khu”, ông Chiến cho hay.

Còn nhiều thách thức

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 11-1-2021 của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển đô thị tỉnh, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác triển khai lập, quản lý quy hoạch có chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư đồng bộ; công tác thu hút đầu tư dự án thương mại, nhà ở xã hội và giao thông trọng điểm được chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chương trình vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Việc huy động nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia vào chương trình chưa cao. Tỷ lệ đô thị hóa, diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân; tỷ lệ nhà kiên cố, nhà bán kiên cố; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị; tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; diện tích đất cây xanh công cộng trong đô thị còn thấp…

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, kết quả đánh giá hiện trạng đô thị so với các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, Khánh Hòa đã đạt các tiêu chuẩn về: Quy mô dân số; diện tích tự nhiên; số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc; cân đối thu chi ngân sách; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 3 năm gần nhất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiêu chuẩn chưa đạt như: Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất 2 quận; được công nhận là đô thị loại I; thu nhập bình quân đầu người so với trung bình cả nước; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường…

Theo ông Trần Văn Châu, đối với chỉ tiêu đô thị loại I, hiện nay, Khánh Hòa mới có 34 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa; 9 tiêu chuẩn đạt điểm trên mức tối thiểu; 20 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu, trong đó một số tiêu chuẩn ở mức rất thấp và khó đạt như: Thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất, tỷ lệ tăng dân số hằng năm; mật độ dân số toàn đô thị, mật độ đường giao thông đô thị, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng… Kết quả đánh giá phân loại đô thị tỉnh theo tiêu chí đô thị loại I được điều tra năm 2022 thì Khánh Hòa mới đạt 60,06 điểm/100 điểm (tối thiểu phải đạt 75 điểm). Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho Khánh Hòa với mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Nguồn: Theo Báo Khánh Hòa

Kỳ 2: Còn thiếu nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí

 
Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 11117410
Online
Hiện có: 108   Khách