Để nâng cao hiệu quả hoạt động CĐCS ngoài quốc doanh có đủ năng lực chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của CNLĐ, chiều ngày 27-3, Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm “Giải pháp xây dựng tổ chức CĐCS ngoài quốc doanh vững mạnh”. Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Xuân Hải cùng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa Nguyễn Tuấn Kiệt đã tới dự và chủ trì buổi tọa đàm.
Hoạt động CĐCS gặp nhiều khó khăn
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành NN-PTNT Khánh Hòa Lê Thế Bình toàn ngành hiện có 48 CĐCS, trong đó có 8 CĐCS Công ty cổ phần, 14 CĐCS doanh nghiệp tư doanh. Trong những năm gần đây, hoạt động CĐ ở khu vực ngoài quốc doanh tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra cho tổ chức CĐCS nơi đây.
Trong các CĐCS doanh nghiệp dân doanh đều có chung những khó khăn: Sản xuất bị đình trệ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp, CNLĐ thiếu việc làm. Có 4 doanh nghiệp gần như ngừng sản xuất: Cty TNHH Việt Trung, Công ty TNHH Thiên Anh, Công ty TNHN thủy sản Hoàn Mỹ, DNTN Chín Tuy; hầu hết các CĐCS mới thành lập đều có tình trạng cán bộ CĐ luôn bị thay đổi, chưa có kinh nghiệm trong hoạt động dẫn đến chất lượng hoạt động CĐ chưa cao. Điển hình như CĐCS Công ty TNHH Vân Như, do DN bị thu hồi mặt bằng, DN gần như ngừng sản xuất, hệ lụy 250 lao động vị mất việc, BCH CĐCS cũng nghỉ việc gần hết.
Trao đổi về thực trạng hoạt động CĐ tại cơ sở, ông Võ Nhung - Chủ tịch CĐCS Công ty CP Thiết kế xây dựng Thủy lợi Khánh Hòa cho biết: “trước đây khi mới cổ phần hóa từ DN nhà nước, vốn cổ phần chủ yếu của CBCNLĐ, hoạt động tổ chức Đảng, CĐ, Đoàn thanh niên rất nề nếp, hiệu quả. Từ năm 2010 khi doanh nghiệp bán cổ phần cho các cổ đông ngoài tỉnh, hoạt động CĐ gặp khó khăn do Hội đồng quản trị không tạo điều kiện. Hiện nay doanh nghiệp chưa ký lại được TULĐTT cũng như qui chế hoạt động phối hợp giữa CĐ và Ban Giám đốc; không trích nộp kinh phí CĐ lên cấp trên”
Chủ tịch CĐCS Công ty CP Đại Thuận Đoàn Đức Yên Khang cũng cho biết: Chủ DN nơi đây không phản đối CĐ hoạt động nhưng không quan tâm, nhiều năm không chịu trích kinh phí cho CĐCS. Từ tháng 4.2011, chủ DN đã đồng ý trích kinh phí CĐ, nhưng đều đáng nói ở đây là do sự nhận thức của một bộ phận cán bộ CĐCS, do thiếu sự đồng thuận trong Ban chấp hành CĐ dẫn đến tình trạng không chịu nộp kinh phí CĐ lên cấp trên và 3 năm qua, 250 đoàn viên CĐ của Công ty không được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… do CĐ không tổ chức và cũng chưa tổ chức được Đại hội CĐCS.
Đối với các DN chế biến thủy sản, có qui mô nhỏ từ 20 đến 50 lao động, người lao động làm việc chủ yếu theo mùa vụ, hoạt động CĐCS cầm chừng do nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kế đến yếu tố chủ DN không muốn có tổ chức CĐ; năng lực BCH CĐCS yếu; trình độ, nhận thức của người lao động hạn chế; không có thời gian tuyên truyền, giáo dục cho người lao động; khó khăn về kinh phí…
Công đoàn cấp trên phải đồng hành cùng CĐCS tháo gỡ khó khăn
Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động CĐCS, ông Hoàng Thái Tôn - Ủy viên Ban Thường vụ CĐ ngành ngành NN-PTNT cho rằng: Ngành rất kỳ vọng vào buổi tọa đàm này, qua đây tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS ngoài quốc doanh, tuy nhiên chỉ có 8 DN/16 DN được mời tham gia, điều này cho thấy thực trạng CĐCS ở khu vực này còn nhiều bất cập. Trước hết cán bộ CĐCS phải là người có uy tín với lãnh đạo DN và tập thể người lao động. Có niềm say mê với hoạt động CĐ, luôn phải tâm niệm rằng mục đích hoạt động CĐ là góp phần làm cho DN phát triển, người lao động có việc làm, thu nhập cao. Bảo đảm hài hòa ba lợi ích DN, Nhà nước và người lao động. Muốn làm được điều đó CĐ cần phải xây dựng quy chế giữa BCH CĐCS với Giám đốc DN…
Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Hòa nhấn mạnh “Trong thời gian tới các CĐCS cần tập trung tổ chức các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, CNLĐ như: Thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỷ, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ; CĐ ngành phải sâu sát cơ sở, đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ CĐCS trong xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT, quy chế hoạt động, thu kinh phí CĐ và đoàn phí…Trước mắt CĐ ngành cần kiện toàn tổ chức, đánh giá toàn diện về thực trạng CĐCS ngoài quốc doanh báo cáo về LĐLĐ tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền để chủ DN và NLĐ hiều về CĐ, ủng hộ hoạt động CĐ…Đây là những yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả hoạt động CĐCS cần được quán triêt, triển khai đồng bộ.
(Mai Phương)