Buổi tuyên truyền trực tiếp cho học sinh
Những năm gần đây, khi các nguồn lực từ các dự án Quốc tế không còn cùng với đó là sự cắt giảm kinh phí từ ngân sách Trung ương và địa phương ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và công tác truyền thông nói riêng. Chính vì vậy, những mô hình truyền thông (tiết kiệm) nhưng đạt hiệu ứng tốt luôn là sự chọn lựa hàng đầu và cần phải được duy trì và triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Trong những năm qua, công tác thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại Khánh Hòa luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền xem là nhiệm vụ then chốt. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đều tích cực thực hiện công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Đặc biệt, đã kết hợp tốt giữa truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp thông qua các tuyên truyền viên, cộng tác viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs). Nhờ vậy, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội và của mọi người dân đối với nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều người trong xã hội dần thay đổi nhận thức và hành vi, thông cảm, sẻ chia những khó khăn với người bệnh HIV/AIDS; tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, xa lánh người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ từng bước được khắc phục…từ đó nhiều mô hình truyền thông được đem ra thử nghiệm và đúc kết những mô hình truyền thông hiệu quả để đưa thông tin đến mọi người dân.
* Một số mô hình thông tin, truyền thông đã và đang triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua:
Mô hình phối hợp về hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi: Mô hình này được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của các cấp ủy, các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân giúp người dân từ miền núi, đồng bằng đến thành thị, hải đảo được cập nhật thông tin phòng, chống HIV/AIDS.
Hàng năm, các cơ quan chức năng và các đơn vị chuyên môn đều phối hợp tổ chức tốt các buổi truyền thông về Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các sự kiện lớn như: Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (tháng 6) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12). Các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS luôn được phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các tờ rơi, panô, trong các cuộc tọa đàm, được lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động, trên đài truyền thanh tại 140 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Mô hình phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa là mô hình phổ biến nhất, có tác dụng trong việc nâng cao hiểu biết về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Mô hình này bảo đảm thực hiện tốt mục đích, yêu cầu đặt ra, huy động được đội ngũ cán bộ chủ chốt đến tận thôn, đội, tổ dân phố, chi hội... trong hệ thống chính trị tham gia phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao và mang tính bền vững.
Hàng năm, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp... tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, đặc biệt chú trọng ở vùng sâu, vùng xa và vùng các dân tộc ít người; tập trung giáo dục cho thanh, thiếu niên. Qua đó, đã tạo sự thống nhất cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, từng bước tạo được sự đồng thuận trong việc thực hiện các biện pháp giảm tác hại, giúp người dân hiểu biết về lợi ích của việc tư vấn xét nghiệm sớm HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS kịp thời, tham gia tích cực vào điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Mô hình thông tin, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS qua các phương tiện thông tin đại chúng được duy trì thường xuyên, liên tục, tạo được hiệu quả cao như thường xuyên đăng tải một số hình ảnh, bài viết tích cực và gương điển hình của người nhiễm HIV/AIDS, các hoạt động của lãnh đạo địa phương, ban, ngành thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV và gia đình vượt qua khó khăn trong bệnh tật. Hoạt động này góp phần làm thay đổi quan niệm, thái độ và hành vi của cộng đồng đối với người nhiễm HIV, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, chia sẻ với người bị nhiễm bệnh; thường xuyên phát những phóng sự, tin tức hoạt động, các buổi tọa đàm cung cấp kiến thức cho người xem, người nghe như phóng sự về giảm lây nhiễm trong nhóm quan hệ tình dục không an toàn, giảm tác hại đối với người sử dụng ma túy…
Mô hình các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs), toàn tỉnh có 03 nhóm CBO với 42 nhân viên tiếp cận cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ can thiệp giảm tác hại ở 03 nhóm đích là tiêm chích ma túy (IDU), nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và mại dâm nữ (FSW). Hoạt động của thành viên các nhóm chủ yếu là tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; kết nối các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chuyển gừi và kết nối điều trị thuốc kháng vi rút (ARV), điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Trong năm 2016 Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Khánh Hòa đã thực hiện ký hợp đồng trách nhiệm thực hiện truyền thông với 15 đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. Các cơ quan, đơn vị phối hợp tham gia như Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên tỉnh... tổ chức hơn 76 buổi truyền thông dưới hình thức nói chuyện chuyên đề tại các cơ sở, đơn vị với hơn 14.470 người dự khán. Phối hợp với Trung tâm văn hoá tỉnh tổ chức 15 đêm văn nghệ tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS bằng hình thức sân khấu hoá tại 15 xã trong tỉnh thu hút hơn 7.000 người dân đến xem; tổ chức 34 buổi truyền thông lưu động tại 131/140 xã/phường/thị trấn trong tỉnh; lắp đặt mới, sửa chữa 12 panô tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại các cụm panô của 08 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cấp phát 191.680 tờ rơi các loại và 3.250 Tạp chí AIDS và Cộng đồng.
**Tiếp tục duy trì các mô hình truyền thông hiệu quả:
Trong năm 2017, các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp theo phương châm đa ngành, hướng tới cộng đồng trên địa bàn, thực hiện tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS dưới nhiều hình thức, mô hình, nội dung đa dạng, phong phú, chất lượng, tiết kiệm chi phí và hiệu quả (bao gồm tuyên truyền trên đài phát thanh xã, phường, huyện, đài phát thanh truyền hình tỉnh, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa, tuyên truyền lưu động, mít tinh diễu hành, báo viết, trang tin điện tử, tạp chí, tờ rơi, panô…). Nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV mẹ con từ ngày 01 đến 30/6/2017 và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ ngày 10/11 đến 10/12/2017 và ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12), các đơn vị y tế trong tỉnh tham mưu các cấp chính quyền địa phương, phối hợp các cấp ngành, đoàn thể, báo, đài… tuyên truyền theo đúng mục đích, yêu cầu và nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.
BẢO TRỊ