Với thu nhập còn thấp nên nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân là rất lớn
Hiện nay, tại Khu công nghiệp Suối Dầu có khoảng 1.500 công nhân đang phải thuê trọ, ở nhờ và họ đang có nhu cầu về nhà ở xã hội. Chính vì vậy, Công đoàn tỉnh đang phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các bước để tiến tới xây dựng khu nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân.
Rất cần nhà ở
Vợ chồng anh Trần Đình Ân và chị Phạm Thị Tuyết Trang vào Khánh Hòa làm công nhân Công ty Fujiura Nha Trang đến nay đã gần 10 năm. Với đồng lương công nhân của hai vợ chồng hơn 9 triệu đồng/tháng, trong khi phải thuê phòng trọ và nuôi con nhỏ, hàng tháng anh chị tiết kiệm hết mức cũng chỉ để dành được chút ít. Mở ước có được căn nhà nhỏ an tâm lập nghiệp dường như rất xa vời đối với anh chị. Anh Ân chia sẻ: “Mặc dù vợ chồng đã rất tiết kiệm để dành tiền mua đất, xây nhà. Nhưng bao năm qua, tích cóp mãi cũng chẵng dư ra được đồng nào. Bởi vì, hết con đau ốm, chuyện trong nhà, gia đình nội, ngoại lại phải lấy tiền tiết kiệm ra chi tiêu. Chúng tôi chỉ mong các cấp, ngành, địa phương có chính sách xây nhà ở xã hội với giá ưu đãi để anh em công nhân được mua ở. Cùng với đó là các thiết chế nhà trẻ, trường học để con chúng tôi có nơi học tập, bố mẹ mới an tâm làm việc”.
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tiến và chị Phan Thị Mỹ Linh làm công nhân Công ty Fujiura Nha Trang đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa mua được nhà ở. Bao năm qua, vợ chồng anh và đứa con 4 tuổi phải thuê một căn phòng trọ xập xệ rộng chừng 25m2 thiếu thốn những vật dụng cơ bản ti vi, tủ lạnh, thậm chí cả cái giường ngủ cũng không để ở. Anh Tiến cho biết: “Thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng được hơn 8 triệu đồng mới chỉ đủ chi phí sinh hoạt, nuôi con. Việc mua đất, xây nhà đối với vợ chồng tôi là một việc quá khó khăn. Nếu được các cấp, ngành, doanh nghiệp hỗ xây nhà ở xã hội với giá thấp cho công nhân thì còn gì bằng”.
Cách đó khoảng 50m là căn nhà trọ của vợ chồng chị Bùi Thị Quyền, công nhân Công ty TNHH một thành viên Rapexco Đại Nam. Vợ chồng chị từ tỉnh Hòa Bình vào đây làm công nhân đã hơn 10 năm. Mỗi tháng, vợ chồng chị thu nhập hơn 8 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình chị phải chi tiền thuê phòng trọ, lo cho 2 người con ăn học. Cố gắng lắm, mỗi tháng vợ chồng chị chỉ dành dụm được vài triệu đồng để phòng khi ốm đau. Chị Quyền chia sẻ, phòng trọ thuê rộng khoảng 15m2, diện tích nhỏ nên cả gia đình sinh hoạt rất bất tiện, vệ sinh không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ. Điều kiện sống kém nên trẻ con hay bị ốm. “Vợ chồng tôi đã tích góp nhiều năm để mua nhà, nhưng thu nhập thấp quá, chỉ đủ trang trải chi phí hàng ngày. Ở đây mà hình thành khu nhà ở xã hội để công nhân mua và trả góp với giá ưu đãi là rất phù hợp”, chị Quyền chia sẻ.
Theo bà Huỳnh Thị Nam Khánh - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu kinh tế tỉnh, hiện nay phần lớn công nhân ở Khu công nghiệp Suối Dầu đều có thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong tổng số khoảng 12.000 công nhân thì có khoảng 1.500 người đang phải đi thuê trọ hoặc ở nhờ nhà bố mẹ, người quen. Tuy đã rất tiết kiệm, nhưng khi lương của họ tăng với cấp số cộng thì chi phí ăn, ở lại tăng theo cấp số nhân. Hầu hết họ đang rất có nhu cầu về nhà ở để an tâm làm việc. Bên cạnh đó là các công trình thiết chế như: nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ…
Sẽ sớm xây dựng khu nhà ở cho công nhân
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, nhiều năm qua, Công đoàn tỉnh đã triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ xây nhà ở cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ “Mái ấm công đoàn”. Qua đó góp phần xóa nhà trang tre, tạm bợ cho người lao động, tạo động lực để họ an tâm làm việc. Tuy nhiên, theo quy định thì những gia đình công nhân có đất ở hợp pháp thì mới được hỗ trợ. Trong khi đó, hiện số lượng công nhân khó khăn lại chưa có đất, đang phải thuê trọ rất lớn. Với những trường hợp này Công đoàn tỉnh không thể hỗ trợ từ nguồn Quỹ “Mái ấm công đoàn” được. Qua khảo sát sở bộ, chỉ tính riêng tại Khu công nghiệp Suối Dầu hiện nay có khoảng 1.500 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Dự kiến đến năm 2020, khi các doanh nghiệp tiếp tục vào đầu tư tại đây, số lượng công nhân sẽ tăng lên khoảng 16.000 người và sẽ có khoảng 3.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở.
Ông Võ Duy Trúc – Chánh văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trược nhu cầu bức thiết và chính đáng của công nhân, thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành các bước để tiến tới xây dựng khu nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân. Đồng thời, hiện UBND tỉnh đã ban hành Quyết định điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu công nghiệp Suối Dầu. Theo đó, dành quỹ đất hơn 9,41ha thuộc quy hoạch chung để xây dựng khu nhà ở và các công trình nhà trẻ, trường học…để phục vụ đời sống công nhân. Khu vực quy hoạch có quy mô dân số hơn 4.000 người. Dự kiến nơi đây sẽ xây dưng khu nhà ở cho các chuyên gia; khu nhà ở cho công nhân với 3 khu chung cư cao 5 tầng và khu nhà ở liền kề cao không quá 3 tầng; khu thiết chế văn hóa, thể thao; trung tâm dịch vụ khu công nghiệp; nhà trẻ cao không quá 2 tầng; công viên cây xanh… Tổng kinh phí dự kiến đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho toàn khu khoảng 37,6 tỷ đồng. “Khu nhà ở công nhân với đầy đủ các dịch vụ phúc lợi được hình thành sẽ giải quyết tốt nhu cầu về nhà ở cho công nhân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để khu công nghiệp phát triển bền vững. Do đó, hiện nay các ngành chức năng đang tiến hành các bước để giải phóng mặt bằng. Phía Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ làm việc vơi Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thống nhất về phương thức, nội dung, kinh phí đầu tư nhằm sớm triển khai dự án”, ông Trúc cho biết.
VĂN GIANG