Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo ở Khánh Hòa
ngày càng thu hút đông đảo người lao động tham gia
Trong những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do các cấp công đoàn phát động đã thu hút và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu của hàng nghìn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho cơ quan, đơn vị, nhà nước và cá nhân, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội...
Đam mê nghiên cứu, sáng tạo
Một lần đến thăm người bạn đang điều trị bệnh tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi mới thấy được sự tận tâm, chu đáo và nhiệt tình chăm sóc người bệnh của các điều dưỡng viên ở đây. Hỏi ra mới biết, từ ngày Bệnh viên đưa vào áp dụng sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ do bà Bùi Thị Mai Thanh, Trưởng phòng Điều dưỡng nghiên cứu thành công và đưa vào áp dụng đã nâng thời gian chăm sóc bệnh nhân của các điều dưỡng viên kéo dài và chu đáo hơn. Bà Bùi Thị Mai Thanh cho biết: “Nhiều năm gắn bó với nghề điều dưỡng nên tôi rất am hiểu về lĩnh vực luôn bận rộn với trăm công nghìn việc này. Trước áp lực đó, để giảm tải trong thủ thuật tiêm truyền và giúp điều dưỡng viên có nhiều thời gian chăm sóc cũng như đem lại những lợi ích cho người bệnh, năm 2008 tôi đã tự tìm tòi, nghiên cứu ra sáng kiến lưu kim luồn trong tiêm truyền tĩnh mạch ngoại vi 72 giờ ở các trường hợp như: Tĩnh mạch khó lấy, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền dịch kéo dài trong nhiều ngày, giữ tĩnh mạch để tiêm thuốc hoặc truyền dịch cách khoảng”. Thấy được lợi ích thiết thực của sáng kiến, Bệnh viện đã nhanh chóng đưa vào áp dụng tại các khoa như: Ngoại tổng quát, ngoại thần kinh, chấn thương chỉnh hình - bỏng, tim mạch lão học, nội tổng hợp thần kinh…. Qua thống kê sau 1 năm sử dụng dụng cụ, vât tư, thuốc chữa bệnh từ khi áp dụng sáng kiến lưu kim luồn 72 giờ, Bệnh viện đã tiết kiệm chi phí cho người bệnh và bệnh viên hơn 1,4 tỷ đồng/năm. Cho đến bây giờ bà Thanh cũng không khỏi bất ngờ trước những lợi ích mà sáng kiến của mình đem lại. Với sáng kiến đó, năm 2010 bà Thanh đã vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng lao động sánh tạo.
Đối với kỹ sư Nguyễn Văn Lý - Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ cũng đem trong mình niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Trăn trở trước tình hình thiên tai ngập lụt gây thiệt hại về người và tài sản, ông đã mày mò nghiên cứu xây dựng thành công bản đồ ngập lụt theo các mô hình thủy lực kết hợp với công nghệ tin học đưa ra dự báo mưa lũ và cảnh báo nguy cơ ngập lụt bằng phần mềm, tính toán ra các bản tin dự báo. Với đề tài nghiên cứu thiết thực này của ông đã được cơ quan nhanh chóng được đưa vào áp dụng, giúp cho công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai được kịp thời, hiệu quả hơn. Từ đó làm giảm thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân khi mưa lũ xảy ra. Ông Nguyễn Văn Lý tâm sự: “Say mê sáng tạo, nghiên cứu trong công việc để tìm ra những giải pháp hưu ích nhằm giảm bớt thời gian cũng như tiết kiệm chi phí cho nhân dân, đơn vị, nhà nước và bản thân là điều cần làm ở mỗi cán bộ, công nhân viên chức lao động…”.
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Trong những năm qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh luôn xem phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là một hoạt động trọng tâm. Nhờ đó, phong trào có sức lan toả sâu rộng, khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình, tinh thần lao động sáng tạo của đội ngũ CNVCLĐ. Các đơn vị đã linh hoạt vận dụng, xây dựng nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn cụ thể. Điển hình như Công đoàn ngành Giáo dục có phong trào: “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tự học, sáng tạo”; Công đoàn ngành nông nghiệp: “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, nuôi trồng thủy sản kết hợp; Công đoàn ngành Giao thông “Bảo đảm chất lượng, tiến độ, tiết kiệm, an toàn và hiệu quả”, “Lái xe an toàn, tuyến xe chất lượng cao, phục vụ hành khách văn minh”, “Giữ đường tốt, bến an toàn… Những hoạt động này đã tác động mạnh mẽ đến tính sáng tạo, nghiên cứu của đội ngũ CNVCLĐ, góp phần nâng cao năng suất lao động, làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho cơ quan, đơn vị, nhà nước và cá nhân”.
Công đoàn là chỗ dựa cho phong trào
Bà Nguyệt Thu - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Khánh Việt cho biết: “Mục tiêu lao động giỏi không thể tách rời phong trào thi đua sáng tạo. Chúng tôi đánh giá rất cao khả năng sáng tạo của người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Tất cả các công đoàn cơ sở trực thuộc Công ty đều tham dự “sân chơi” sáng tạo như hội thi tay nghề, thi thiết kế thời trang hoặc diễn đàn phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật…”. Cũng theo bà Thu, lao động sáng tạo phải xuất phát từ những việc nhỏ nhất, phải nghiên cứu cải tiến ngay những bất hợp lý trong quá trình lao động để mang lại hiệu quả cao nhất. Để luôn sáng tạo trong lao động, phải đổi mới tư duy, tích cực học tập và nghiên cứu, không bằng lòng với những gì đã đạt được. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn phải luôn là chỗ dựa tin cậy, tác động mạnh mẽ để CNVCLĐ nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến trong quá trình làm việc.
Ông Bùi Đăng Thành - Trưởng Ban Kinh tế - Chính sách Liên đoàn Lao động cho biết: “Nội dung thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo luôn gắn liền với mục tiêu phấn đấu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động... Các cấp công đoàn có nhiệm vụ hướng dẫn từng tổ, đội lao động lượng hóa chỉ tiêu phấn đấu hàng tháng, hàng quý và cả năm bằng những con số cụ thể. Dựa trên danh sách đăng ký thi đua, công đoàn cơ sở có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ những nhân tố tích cực để xây dựng điển hình tiên tiến, nhằm tạo chỗ dựa và sức bật cho phong trào”.
Có thể nói, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo đã khơi dậy tính tích cực, năng động, sáng tạo của CNVCLĐ; tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để phong trào này ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn nữa thì các cấp công đoàn, các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để CNCVLĐ được thỏa sức nghiên cứu, sáng tạo trên lĩnh vực công tác…
(VĂN GIANG)
Qua 5 năm (2007-2012), triển khai phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trên địa bàn tỉnh đã lôi cuốn hàng nghìn đơn vị, cá nhân đăng ký thực hiện. Qua đó, mỗi năm có khoảng 1.500 sáng kiến cải tiến của CNVCLĐ được công nhân. Có 47 cá nhân với 67 sáng kiến và 12 đề tài nghiên cứu khoa học làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho đơn vị, cá nhân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công nhân, tặng bằng khen và huy hiệu lao động sáng tạo cho 54 lượt cá nhân.