Thứ Năm, 25/04/2024 00:18

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  10/02/2020 10:17     

Người hùng thầm lặng trong cuộc chiến với virus corona


Các bệnh nhân cách ly được các cán bộ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chăm sóc

Hàng ngày phải tiếp xúc, đối mặt với hàng loạt bệnh truyền nhiễm, kể cả virus corona chủng mới (nCoV) nhưng cán bộ y, bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa dường như đã “miễn dịch” để lo cho bệnh nhân

Màn đêm sụp xuống, cả Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa sáng đèn từ trong ra ngoài. Ăn vội miếng cơm các cán bộ, bác sĩ tiếp tục lao vào phòng khám vì người dân vẫn chờ khám sàng lọc. Mùa dịch viêm phổi cấp nCoV vẫn tiếp tục kéo dài ở Khánh Hòa khi mới đây Sở Y tế Khánh Hòa giám sát thêm 268 người tiếp xúc gần với 2 người Trung Quốc nhiễm nCoV

Làm việc xuyên đêm

Gần 21 giờ đêm, khu khám hô hấp của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa vẫn còn 3 bệnh nhân đang khám, sát đó là phòng cấp cứu vẫn còn 1 nhóm bệnh nhân khác và người nhà ngồi chờ. Tại dãy hành lang, nhiều người nhà bệnh nhân nằm ngủ vật vạ trên ghế đá. Bên trong phòng khám, bác sĩ và điều dưỡng vẫn chăm chú nhập bệnh án, bàn bạc từng ca bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, cho biết từ khi công bố dịch bệnh do virus corona chủng mới đến nay người dân đến khám bệnh rất đông. Bệnh viện thì mới thành lập được 5 năm nay nên nhân lực khá mỏng, 1 bác sĩ trực phải khám mỗi ngày trên 100 ca. Chưa kể các ca từ các nặng bệnh viện chuyển đến. Vừa rồi, sau khi công bố nữ lễ tân H. dương tính với nCoV, người dân xếp hàng rồng rắn khám bệnh đến tận 23 giờ đêm mới xong. “Người dân đa số đều mang tâm trạng lo lắng. Mới có biểu hiện ho, sốt là đến khám và yêu cầu xét nghiệm nCoV. Chúng tôi không thể từ chối mà phải khám lâm sàng, điều tra dịch tễ học và giải thích cho người dân để họ hiểu”- bác sĩ Anh cho biết.


 

Tại Khu cách ly, Điều dưỡng trưởng Bùi Thị Thúy Vy, điện về cho con trai mới 7 tuổi: “Mẹ chuẩn bị về rồi nhé con. Con cho em ngủ đi nha” rồi tiếp tục nhập dữ liệu cho các ca bệnh. Nói thì nói vậy nhưng phải 22 giờ đêm chị mới rời Bệnh viện về nhà. Từ Phú Yên vào Khánh Hòa lập nghiệp, không có ông bà nội ngoại bên cạnh thế nhưng từ đầu mùa dịch bệnh nCoV đến nay ngày nào chị cũng phải làm đến 21-22g mới về. “Chồng lái xe khách đi liên tục. Mấy ngày nay trường lại cho nghỉ học phòng dịch nên 2 đưa con trai 5 tuổi và 7 tuổi không ai trông. Cả ngày 2 đưa nhỏ cứ “nhốt” trong nhà, trưa về cho ăn uống xong lại đi… Nghĩ mà thương con nhưng công việc liên tục không giải quyết là dồn ứ lại”- chị cho biết.

Các điều dưỡng ở đây hoạt động như con thoi phải thường xuyên chăm sóc bệnh nhân, nhất là các ca cách ly để giám sát nCoV. Hơn 21 giờ, vừa xong công việc ngoài phòng khám hô hấp, điều dưỡng Thắng vội vào khu cách ly để chăm sóc 17 người nằm lại đây.  Chúng tôi xin đi theo để ghi nhận, điều dưỡng Thắng yêu cầu mặc bộ đồ bảo hộ chuyên dùng kín từ chân đến đầu, tay đeo găng, mắt phải mang kính, bịt khẩu trang kín đến độ khó thở thì mới được vào. Điều dưỡng Thắng, nhanh thoăn thoắt đến bệnh nhân yếu nhất thay dịch truyền nước, rồi đi từng phòng thăm hỏi động viên từ bệnh nhân. Do thiếu về nhân sự nên mỗi ca trực đêm cả bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng do vậy áp lực công việc rất cao.

Trong khi đó, dù có hẹn với bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, nhưng không khi nào nói tròn câu chuyện. Là người cầm đường dây nóng của Bệnh viện, bác sĩ Bình liên tục tiếp nhận điện thoại để tư vấn cho người dân. “Dân mình có ý thức phòng bệnh tốt lắm. Cứ gọi hỏi và đề nghị tư vấn liên tục. Tôi cũng trấn an và đề nghị nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở… mà trước đó có tiếp xúc với người nguy cơ cao thì phải khám ngay”.  

30 Tết cầm dao dọa bác sĩ

Trong nỗ lực dập dịch nCoV không ít lần các cán bộ, bác sĩ phải chứng kiến nhiều trường hợp oái oăm nhất là đối với du khách nước ngoài. Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, trước khi ngừng các chuyến bay từ Trung Quốc đến Khánh Hòa (28-1) thì có 30 người nước ngoài phải nhập viện để cách ly, điều trị các triệu chứng phòng nCov đa số là người Trung Quốc.

Bác sĩ Vân Anh, cho biết do bất đồng ngôn ngữ nên rất khó để diễn đạt cho các du khách nước ngoài hợp tác điều trị. Mỗi du khách nhập viện cách lý được một phòng riêng, nhưng có thời điểm nhiều quá phải để 2 người cùng một phòng thì họ phản ứng. Có khi hơn 23 giờ đêm, khách Trung Quốc còn qua gõ cửa yêu cầu khám bệnh. Có lần còn qua khiếu nại vì người này có kết quả trước mà mình chưa có kết quả xét nghiệm…

Bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, cho biết Bệnh viện tiếp nhận một du khách người Trung Quốc 7 tuổi nghi nhiễm virus corona. Trong thời gian cách ly, chờ kết quả xét nghiệm, đúng tối 24-1 (30 Tết) bố của bệnh nhi liên tục cầm dao đe dọa, đòi chém bác sĩ.

Với bệnh nhân dương tính với nCoV, ngày khi thông tin cá nhân bị phát tán lên mạng xã hội, bệnh nhân này bị nhiều người gọi điện trách móc khiến tâm lý suy sụp. Các điều dưỡng vội báo cáo tình hình bác sĩ Đông, khi đó là chủ nhật, bác sĩ vội chạy lên thăm khám. "Tôi phải trấn an tâm lý cháu nó. Đưa lên khu cách lý nhẹ để cháu yên tâm. Thậm chí mắc bộ đồ bảo hộ cũ để chứng tỏ cháu gần khỏi bệnh rồi" – bác sĩ Đông chia sẻ.

Ai cũng sợ lấy ai chữa bệnh?

Là bệnh viện tiếp nhận ca dương tính với nCoV đầu tiên lây nhiễm từ người Trung Quốc, trong khi căn bệnh này chưa có thuộc đặc trị điều này ít nhiều các cán bộ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa không tránh khỏi giao động. Nữ hộ lý Nguyễn Thị Trang, cho biết: “Hôm bệnh nhân dương tính với nCoV nhập viện tôi là người trực tiếp dọn dẹp, vệ sinh cho ca này. Thực sự tôi cũng lo lắng vì mình cũng bị sốt nhẹ, ho, đau họng. Lúc đó tôi hoang mang không biết mình có bị nhiễm bệnh hay không, mình còn gia đình và con cái nữa. Sau này được xét, âm tính mình cũng an tâm nỗ lực vượt qua nỗi lo lắng để giúp đỡ người bệnh. Sau này, bệnh nhân này điều trị khỏi nCoV tôi thật sự rất vui sướng”.

Trong khi đó, điều dưỡng Vy khi nhắc đến bệnh dịch thì cười tươi, cho biết: “Mới đầu thì sợ thật, mang 2-3 lớp bảo hộ, riết rồi quen… giờ thì “miễn dịch” luôn bệnh dịch. Thấy bệnh nhân là lao vào hỗ trợ thôi…”. Còn điều dưỡng Thắng, sau khi dẫn chúng tôi thăm bệnh nhân cách lý xong cũng cười thoải mái: “Ai cũng sợ thì lấy ai điều trị cho bệnh nhân. Mà đã sợ thì đừng làm anh ạ”.

Nữ hộ lý Nguyễn Thị Ngọc Diệp, cho biết thời gian này bệnh nhân liên tục khám bệnh và nhập viện cách lý trong khi chỉ có 4 hộ lý nên công việc rất áp lực. Mỗi ngày các hộ lý phải thu gom ra giường, quét dọn, vệ sinh 2 lần. Ngoài ra, mỗi lần bệnh xuất viện, nhập viện, hay phun thuốc khử trùng đều phải quét dọn. Mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân cách ly đều phải mặc đồ bảo hộ. Làm hết 3-4 khu, người nào cũng mồ hôi ròng rã như tắm. Đặc biệt, những nơi cách ly chỉ có bệnh nhân người nhà không được vào nên hộ lý kiêm luôn người phục vụ ăn uống, nhu cầu cá nhân của bệnh nhân.

“Tôi công tác nhiều năm, trải qua 3-4 mùa dịch từ H1N1, H5N1, Sars… nên quen với việc tiếp xúc bệnh nhân, có nhiều kinh nghiệm phòng tránh cho bản thân. Nhiều người mới chưa quen tôi cũng động viên, hỗ trợ nhờ vậy mà tạo được sự thân thiện, gần gủi để người bệnh an tâm điều trị” – hộ lý Diệp chia sẻ.

Phác đồ điều trị hiệu quả

Chia sẻ về việc điều trị ca bệnh dương tính với nCoV đạt kết quả tốt, bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình, cho biết trước hết là phát hiện sớm, điều trị các triệu chứng lâm sàng; bệnh nhân được nâng cao thể trạng bệnh nhân với các loại thuốc bổ, thức ăn nhiều dinh dưỡng, nhiều đạm; bệnh nhân hợp tác tốt với Bệnh viện trong quá trình điều trị như: cách ly hoàn toàn với người nhà; việc khám, chữa bệnh đến sinh hoạt hàng ngày đều được các bác sĩ, y tá, hộ lý thực hiện theo đúng quy định.

 

Bài, ảnh: KỲ NAM

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9931372
Online
Hiện có: 240   Khách