Thứ Ba, 07/05/2024 17:38

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  04/11/2013 15:01     

Điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng

Giám đốc công ty chấm dứt hợp đồng lao động có đúng luật?

* Câu hỏi:

Tôi ký hợp đồng lao động làm việc cho công ty K.V. đã được hơn 4 năm. Tôi luôn hoàn thành công việc được giao, chưa có vi phạm kỷ luật gì. Thời gian gần đây do ảnh hưởng sức khỏe nên tôi có nghỉ việc mất một số ngày. Vừa rồi công ty đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng với tôi. Tôi thấy công ty xử sự như vậy là không phải. Tôi không rõ việc công ty chấm dứt hợp đồng như vậy có đúng không?

                                                                                    (hoangth…@ gmail.com) 

* Ý kiến tư vấn:

Theo Bộ luật lao động năm 2012, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động được pháp luật quy định.

Theo thư của bạn, bạn đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty, công ty nơi bạn làm việc vẫn hoạt động bình thường, bạn vì lý do sức khỏe nên có ảnh hưởng phần nào đến công việc chứ chưa phải thuộc vào trường hợp là người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Đối chiếu với các quy định pháp luật viện dẫn trên đây cho thấy bạn chưa thuộc vào trường hợp để người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động. Bạn nên liên hệ Ban chấp hành công đoàn của công ty, nếu nơi đó chưa có tổ chức công đoàn thì liên hệ cơ quan lao động cấp huyện nơi công ty có trụ sở để được tư vấn và giúp đỡ.  

 

                                                                        Luật sư Nguyễn Thiện Hùng

                                                                        Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa

 

 

 

 

Bộ luật lao động 2012:

Điều 39. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.

4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Điều 33. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 của Bộ luật này, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.

2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.

 

 

 

 

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9983569
Online
Hiện có: 45   Khách