Thứ Hai, 06/05/2024 00:13

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  01/12/2013 00:00     

Câu 2- Các trường hợp người lao động bị sa thải

* Câu hỏi:

Tôi làm việc tại công ty TM đã hơn 04 năm, vừa rồi công ty ra quyết định sa thải tôi, cho rằng tôi không hoàn thành nhiệm vụ và làm ảnh hưởng đến lợi ích của công ty. Tôi tự thấy mình không có vi phạm đến mức nghiêm trọng như vậy. Xin cho biết nhà nước quy định việc sa thải người lao động như thế nào?

                                                                                            Phan Bích Hà (Cam Ranh)

            * Ý kiến tư vấn:

Sa thải là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất trong các hình thức kỷ luật đối với người lao động được quy định trong Bộ luật lao động. Theo Điều 126 của Bộ luật này, người lao động có thể bị người sử dụng lao động xử lý kỷ luật sa thải trong những trường hợp như:

a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

b) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

Tái phạm được hiểu là, trường hợp bị kỷ luật khiển trách mà trong 03 tháng, hoặc bị kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà trong 06 tháng, kể từ ngày bị xử lý, người lao động có hành vi vi phạm lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật; trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức cách chức thì thời hạn là 03 năm.

c) Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng như do thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Việc xử lý kỷ luật lao động phải tuân theo những nguyên tắc và trình tự nhất định. Theo đó, người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động; phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật; việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

Bạn có thể đối chiếu các quy định nêu trên vào trường hợp của mình để xem việc kỷ luật đối với mình có thỏa mãn hay không. Nếu nhận thấy không thỏa đáng, bạn có thể nhờ tổ chức công đoàn, đại diện người lao động ở đơn vị hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho mình.

                                                                                                Luật sư Nguyễn Thiện Hùng

                                                                                                Hội Luật gia Khánh Hòa

 

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9978352
Online
Hiện có: 34   Khách