Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động bảo hiểm xã, hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị định có nhiều điều khoản đã được sửa đổi, bổ sung về: Vi phạm quy định về dịch vụ việc làm; về tuyển, quản lý lao động; quy định về giao kết hợp đồng lao động; quy định về thử việc; hợp đồng lao động; tiền lương; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; đối với công đoàn có một số quy định tại Điều 24:
- Về đảm bảo thực hiện quyền công đoàn
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không bố trí nơi làm việc, không bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết cho cán bộ công đoàn; Không cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở vào tổ chức, doanh nghiệp để hoạt động công tác công đoàn…
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Từ chối yêu cầu, đối thoại, thương lượng của công đoàn;
- Về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; Không gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động; Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ công đoàn đối với người lao động.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi: Có quy định hạn chế quyền của người lao động tham gia làm cán bộ công đoàn; Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
- Về sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc các biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả lương cho người lao động làm công tác công đoàn không chuyên trách trong thời gian hoạt động công đoàn; Thực hiện các biện pháp kinh tế tác động đến người lao động để người lao động không tham gia công đoàn hoặc không hoạt động công đoàn.
- Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn
Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Chậm đóng kinh phí công đoàn; Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
CS-PL