Gala "Muôn nẻo yêu thương" là những câu chuyện đầy cảm xúc, tôn vinh nghị lực và tinh thần lạc quan của các nữ đoàn viên trên hành trình vượt khó.
Gala "Muôn nẻo yêu thương - Hành trình hạnh phúc" do Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đã khép lại một năm 2024 đầy ắp những câu chuyện cảm động, những mảnh ghép cuộc đời đầy nghị lực của nữ công nhân, viên chức, lao động trên khắp mọi miền đất nước.
Tại Gala, những yêu thương đã được sẻ chia, những nghị lực được thắp sáng và những hy vọng được ươm mầm.
Lan tỏa tình yêu thương và niềm hy vọng
“Muôn nẻo yêu thương” không chỉ là tên gọi của chương trình, mà còn là hành trình kết nối những câu chuyện đời thực đầy cảm xúc. Trong suốt hai năm qua, 22 chương trình "Muôn nẻo yêu thương" đã đưa khán giả đến với những câu chuyện đời thường đầy xúc động. Mỗi nhân vật là một mảnh ghép khác nhau, nhưng đều có chung một điểm: đó là tinh thần lạc quan, sự nỗ lực không ngừng và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Câu chuyện của chị Vũ Thị Mý, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) là một điển hình. Chồng mất sớm, chị Mý một mình gồng gánh gia đình, vừa làm công việc thu gom rác thải, vừa bán bánh mì để nuôi hai con ăn học và chăm sóc bố mẹ già. Dù quỹ thời gian hạn hẹp, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Giang qua chương trình, chị đã tìm được cách cân đối thời gian, mang đến cho con những giây phút ý nghĩa bên mẹ.
Hay như câu chuyện của cô giáo Đỗ Thị Loan, Trường Tiểu học Bích Sơn, Bắc Giang, người đã cùng con gái chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh. Hành trình gian nan của hai mẹ con đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Sự kiên cường, tình mẫu tử thiêng liêng của cô Loan đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho những người đang phải đối mặt với khó khăn, bệnh tật.
"Tháng 10 vừa rồi em đã quyết định cho con gái sang Ấn Độ để khám. Có mỗi hai mẹ con đi thôi. Thực sự đúng như khi đã chia sẻ trong “Muôn nẻo yêu thương”, em sẽ rất ân hận nếu như là một người mẹ mà không tìm mọi cách chữa bệnh cho con. Em sẽ không bao giờ bỏ cuộc dù cho có khó khăn đến thế nào. Hơn nữa bây giờ em đã có được sự hỗ trợ quan tâm và đồng hành của mọi người…", cô Loan chia sẻ trong nghẹn ngào.
Một câu chuyện khác, lấy đi nhiều nước mắt của khán giả là sự ra đi đột ngột của cô giáo Trương Thị Mai Ân, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Tĩnh Túc, Cao Bằng. Cô Ân là một trong 56 nạn nhân bị tử vong trong vụ sạt lở đất kinh hoàng tại xóm Khuổi Ngọa. Ước nguyện lớn nhất của cô là phẫu thuật lồng ngực cho con gái Quỳnh Anh vẫn còn dang dở. Sự ra đi của cô Ân là một mất mát lớn lao, không chỉ với gia đình mà còn với cả ngành giáo dục.
Thấu hiểu nỗi đau và ước nguyện dang dở của cô giáo Ân, tại chương trình, đồng chí Trần Duy Phương, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, thay mặt cán bộ, phóng viên Tạp chí đã trao tặng gia đình cô 10 triệu đồng để góp phần phẫu thuật lồng ngực cho cháu Quỳnh Anh.
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Gala “Muôn nẻo yêu thương – Hành trình hạnh phúc”.
Dự chương trình có đồng chí Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; đồng chí Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam; nhà báo Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn; đại diện lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn các Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn cơ sở; các nhân vật trong chương trình “Muôn nẻo yêu thương”.
|
Hành trình sẻ chia gánh nặng, kết nối yêu thương
Chương trình "Muôn nẻo yêu thương" ra đời từ mong muốn lan tỏa sự đồng hành, hỗ trợ và chăm lo của tổ chức Công đoàn đối với nữ đoàn viên và người lao động trên khắp cả nước. Rất nhiều bức thư xúc động kể về những cuộc đời đầy gian truân đã được gửi về cho chương trình. Đây chính là những nền tảng để ê-kíp lựa chọn những nhân vật điển hình, truyền tải những thông điệp ý nghĩa.
Trong số đó, không thể không nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của cô giáo Hà Thị Thúy, giáo viên Trường Mầm non Lăng Hiếu, Cao Bằng. Gia đình cô Thúy có hai con nhỏ, chồng không có việc làm ổn định, cô là lao động chính trong gia đình.
Biến cố ập đến khi căn nhà của gia đình bị hỏa hoạn thiêu rụi vào đầu năm 2024. Liên đoàn Lao động huyện Trùng Khánh đã nhanh chóng vào cuộc, hỗ trợ ban đầu 2 triệu đồng, báo cáo Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 7 triệu đồng và 40 triệu đồng để làm nhà mới.
Không chỉ dừng lại ở những hỗ trợ về vật chất, chương trình còn lan tỏa một tinh thần tương thân tương ái, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Liên đoàn Lao động huyện Trùng Khánh đã kêu gọi ủng hộ được hơn 68 triệu đồng từ cán bộ, đoàn viên, công chức viên chức và người lao động trong toàn huyện. Hàng xóm, các tổ chức chính trị xã hội cũng chung tay ủng hộ hơn 60 triệu đồng. Những tấm lòng nhân ái đã cùng nhau góp sức để gia đình cô Thúy có thể xây dựng một ngôi nhà mới khang trang, ấm áp trước Tết Nguyên đán 2025.
Bên cạnh hỗ trợ về vật chất, chương trình còn mang đến sự sẻ chia tinh thần, giúp các nhân vật vượt qua những tổn thương sâu sắc; tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực cho những người mẹ, người vợ bước tiếp trên con đường còn không ít chông gai. Sự đồng hành của tổ chức Công đoàn đã giúp họ không cảm thấy đơn độc trên hành trình vượt khó.
22 nhân vật với 22 câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, tạo nên niềm tin và hy vọng cho những lao động nữ, đặc biệt là những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Sự hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn không chỉ dừng lại ở những khoản tiền mà còn là sự động viên tinh thần, giúp họ vượt qua những nỗi đau, những mất mát và tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Theo đồng chí Đỗ Hồng Vân - Trưởng ban Nữ công - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chương trình tập trung vào những câu chuyện hay, xúc động của những nữ đoàn viên khó khăn nhưng đầy nghị lực hoặc những gương điển hình có nhiều đóng góp trong công việc.
"Trong những câu chuyện đó luôn có sự chung tay, góp sức của cán bộ nữ công công đoàn nói riêng, của tổ chức Công đoàn nói chung", đồng chí Đỗ Hồng Vân khẳng định.
"Ai cũng xứng đáng nhận được tình yêu thương và hạnh phúc"
Trong năm 2024, chương trình đã mở rộng đối tượng tham gia, không chỉ là đoàn viên, lao động nữ mà có cả con em đoàn viên, người lao động khó khăn, vượt lên hoàn cảnh học tập tốt. Chương trình ngày càng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng, bạn đọc trên toàn quốc.
Tại Gala, các khách mời có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ về những trải nghiệm, cảm xúc của mình khi tham gia chương trình. Đặc biệt, chương trình có sự xuất hiện của các đại diện Công đoàn và chuyên gia tâm lý, những người đã đồng hành và tư vấn cho các nhân vật trong chương trình.
Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn Trần Duy Phương nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn thông qua hành trình chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng, những nỗ lực vượt khó của các nữ công nhân viên chức lao động tiêu biểu sẽ lan tỏa những giá trị cốt lõi mà chúng ta luôn trân trọng. Đó là tình yêu thương và tinh thần đoàn kết trong tổ chức Công đoàn, luôn đồng hành và sẻ chia cả tinh thần, vật chất đối với từng cá nhân đoàn viên, lao động nữ".
Gala "Muôn nẻo yêu thương - Hành trình hạnh phúc" khép lại với thông điệp "Ai cũng xứng đáng nhận được tình yêu thương và hạnh phúc, bất kể hoàn cảnh nào".
Chương trình một lần nữa khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho nữ công nhân viên chức lao động, đồng thời là một minh chứng cho sức mạnh của sự đồng hành, sẻ chia và lan tỏa giá trị nhân văn trong xã hội.
"Muôn nẻo yêu thương" sẽ tiếp tục hành trình của mình, viết tiếp những câu chuyện xúc động và thắp sáng những niềm tin, hy vọng trong cuộc sống.
Nguồn: Theo Tạp chí Lao động và Công đoàn