Thứ Bảy, 11/05/2024 01:55

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  05/02/2012 16:18     

Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước là yêu cầu cấp thiết của người lao động


Khảo sát doanh nghiệp để vận động thành lập tổ chức, phát triển đoàn viên

Hiện nay, các cấp Công đoàn đều đặt ra chỉ tiêu về việc phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết; tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng việc tập trung phát triển như hiện nay là vội vàng, phát triển xong nhưng không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả là lãng phí công sức, tiền của…, một số ý kiến cho rằng chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện cho việc phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS), kể cả người lao động không muốn vào Công đoàn, do đó, chưa nhất thiết phải thành lập CĐCS hoặc cần có thời gian lâu hơn... Là một cán bộ công đoàn đã nhiều năm tham gia trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn ở LĐLĐ cấp huyện và Công đoàn cấp ngành, tôi nhận thấy để làm tốt công tác này, cần có sự thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu, ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ công đoàn, bởi các vấn đề sau:

Thứ nhất, với quan điểm của Đảng “lấy dân làm gốc”, thì tổ chức Công đoàn càng phải lấy người lao động trong các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp làm cơ sở cho việc thực hiện chức năng của tổ chức Công đoàn, theo các số liệu thống kê lực lượng lao động xã hội chiếm tỷ lệ cao, trong đó có cả nông dân, công nhân là những người đem lại hiệu quả kinh tế to lớn cho nền kinh tế quốc dân… tuy nhiên, chúng ta đều biết, đời sống của người lao động hiện nay vô cùng vất vả, qua kết quả khảo sát ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa có tổ chức Công đoàn, hầu hết chủ doanh nghiệp đều vi phạm luật lao động, điều này dẫn đến thiệt thòi cho người lao động ở nhiều nơi. Vậy ai là người đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, ai là người gần gũi, chia sẻ, vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động?

Thứ hai, chức năng của tổ chức Công đoàn. Hiến pháp, các văn bản luật và dưới luật liên quan, đều giao trách nhiệm cho tổ chức Công đoàn là đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa việc Đảng lãnh đạo và các cơ quan thực thi trách nhiệm theo pháp luật với người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, cơ quan nhà nước phát hiện những vi phạm pháp luật thì xử lý, nhưng rõ ràng là họ không thể phát hiện được tất cả, vấn đề ở đây chính là sự trông đợi của người lao động đối với tổ chức Công đoàn, thực tế hiện nay không phải là người lao động đều không nắm được pháp luật lao động với những vấn đề cơ bản liên quan đến quyền lợi của họ, mà chính là họ không dám lên tiếng vì miếng cơm, manh áo, vậy không ai khác chính là tổ chức công đoàn phải lên tiếng bảo vệ.

Thứ ba, vì sự ổn định của cả hệ thống chính trị. Ổn định chính trị xã hội là yêu cầu sống còn của bất cứ nhà nước nào, sự bất ổn định chính trị xã hội bao giờ cũng kéo theo sự bất ổn về kinh tế xã hội, bài học về tình hình chính trị xã hội ở Đông Âu, Bắc Phi và Trung đông đã cho chúng ta thấy tác động ảnh hưởng xấu đến đời sống bần cùng của người lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành và quản lý của Nhà nước ta hiện nay, chúng ta đang đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên, không phải chúng ta không gặp những thế lực thù địch, lợi dụng những khó khăn trước mắt, những sai sót trong quá trình đổi mới để phá hoại thành quả cách mạng, mà trong đó mầm mống “đa công đoàn” đã có sự xuất hiện nơi này, nơi khác. Vậy thì tổ chức công đoàn cần phải làm gì để góp phần ổn định xã hội.

Thực tế hiện nay khó khăn lớn nhất trong việc phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chính là giới chủ không hợp tác, riêng người lao động không muốn vào Công đoàn cũng xuất phát từ sự e ngại đối với giới chủ, đồng thời nhận thức trách nhiệm của cán bộ công đoàn chưa quyết tâm cao.

Từ những vấn đề trên, cho thấy rằng, nếu việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước mà thuận lợi là điều không tưởng, phải xác định đây là mặt trận đầy khó khăn, gai góc, đòi hỏi mỗi cán bộ công đoàn phải kiên định lập trường cách mạng, phải coi trọng người lao động cũng như người thân trong gia đình, có sự chia sẻ, đồng cảm khó khăn vất vả của người lao động. Trên cơ sở đã xác định ý thức trách nhiệm và quyết tâm trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn, kinh nghiệm cho thấy để làm tốt công tác này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ sau đây:

1) Cần có sự chỉ đạo thống nhất của Ban Thường vụ, Ban chấp hành các cấp công đoàn, đồng thời tranh thủ tốt sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp, các ngành chức năng để tạo được thế và lực cho việc thực hiện phát triển ĐVCĐ, thành lập CĐCS một cách có hiệu quả.

2) Cần kiên quyết kiến nghị các ngành chức năng xử lý những chủ doanh nghiệp cố tình không tạo điều kiện cho việc phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS tại doanh nghiệp, vi phạm luật Lao động, luật Công đoàn; đưa tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vi phạm của các doanh nghiệp trên.

3) Phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn phải đi đôi với việc xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở, đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

4) Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn từ cơ sở đến cấp trên có đủ kiến thức, trình độ về pháp luật, kinh tế,… và đặc biệt là phải có tâm huyết với hoạt động công đoàn để vừa tham gia, đóng góp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời vừa quan tâm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

5) Công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động phải thiết thực, có chiều sâu, gần gũi với những quyền lợi cơ bản nhất của người lao động, tránh việc tuyên truyền mang nặng tính hình thức, chung chung không hiệu quả.

6) Cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải tăng cường hỗ trợ, sẵn sàng đại diện để bảo vệ và giải quyết những khó khăn tại cơ sở.

7) Tập trung bồi dưỡng cán bộ công đoàn kỹ năng vận động thuyết phục người lao động về ý nghĩa của việc phát triển đoàn viên và xây dựng CĐCS vững mạnh.

8) Đầu tư các nguồn lực và dành một tỷ lệ chi thích đáng cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cũng như công tác xây dựng CĐCS vững mạnh.

(Đ/c Lê Xuân Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9997929
Online
Hiện có: 74   Khách