Tại Hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia tháng 7 năm 2014, Liên Hợp quốc đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người có chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là Mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp quốc.
Các mục tiêu 90-90-90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 bởi vì:
- 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình: Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa nếu chúng ta không biết được thì không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho họ. Không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.
- 90% số người chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV: Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV và đúng sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm lây truyền từ mẹ sang con.
- 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác: Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.
Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chuẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Tại sao năm 2015, Việt Nam lại chọn chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”?
Năm 2014, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gai phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm đã cam kết và hưởng ứng các mục 90-90-90 mà Liên hợp quốc đã đề ra. Như đã đề cập ở trên, mỗi mục tiêu là một dấu mốc hết sức quan trọng để khẳng định những kết quả của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Nếu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình như vậy công tác giám sát và xét nghiệm của chúng ta đã được làm tốt. Chúng ta có thể tiếp cận, quản lý, tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% số người chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV được điều trị ARV liên tục thì không những chúng ta đã làm tốt công tác điều trị sớm chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định tức tải lượng vi rút HIV ở thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của bệnh nhân. Như vậy, nếu chúng ta đạt được 3 mục tiêu 90-90-90 thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên hợp quốc đề ra.
Tại Việt Nam, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra.
Theo ước tính, cả nước hiện có có khoảng 254.000 người đang sống với HIV, có khoảng 12.000-14.000 trường hợp nhiễm mới HIV. Trong số người nhiễm mới HIV, khoảng 47% là người nghiện chích ma túy, 29% là vợ bạn tình của người nhiễm HIV (chủ yếu là người nghiện chích ma túy), 14% là nhóm khách làng chơi, nhóm phụ nữ bán dâm khoảng 2%, người quan hệ tình dục đồng giới khoảng 5% còn lại nam giới lây từ vợ bị nhiễm HIV, mẹ truyền sang con. Năm 2015, số trường hợp HIV dương tính mới phát hiện khoảng 10.000 ca, số tử vong khoảng 2.000. Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai đồng bộ, gồm dự phòng, can thiệp giảm hại, tư vấn xét nghiệm, chăm sóc và điều trị ARV, giám sát dịch… Các hoạt động được ưu tiên tập trung vào các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tỷ lệ người dân hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS ở mức 47%; tỷ lệ tiếp cận dịch vụ dự phòng của nhóm nghiện chích ma túy 41%, phụ nữ bán dâm 49%, MSM 41%; hằng năm xét nghiệm HIV miễn phí cho khoảng 2 triệu người. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam hiện đã có hơn 100.000 bệnh nhân đang duy trì điều trị ARV. Công tác điều trị ARV được triển khai tất cả 63 tỉnh, thành, với 312 cơ sở điều trị, 562 trạm y tế triển khai cấp phát thuốc ARV, triển khai điều trị trong trại giam, cho đến nay đã điều trị cho 102.537 bệnh nhân, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Điều trị Methadone được triển khai mạnh mẽ, đến nay đã có 54 tỉnh, 203 cơ sở điều trị Methadone, 38.424 người được điều trị Methadone; thuốc methadone đã được cấp phát đến tuyến xã, phường. Công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tiếp tục mở rộng, giảm tỷ lệ trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị nhiễm HIV từ 11% năm 2010 xuống còn 3% năm 2014.
Với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình thì Việt Nam đã đạt được khoảng 78%. Tuy nhiên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV thì còn khá xa so với mục tiêu của Liên hợp quốc chỉ khoảng 39%. Mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định chúng ta chưa tổ chức xét nghiệm được rộng rãi lượng vi rút một cách thường xuyên nên chưa có số liệu chính xác. Điều này đòi hỏi cần sự cam kết và nỗ lực lớn hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Nó đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới.
Theo UNAIDS Việt Nam, Việt Nam có thể kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 nếu: Tăng cường phòng, chống AIDS bằng cách tập trung trọng điểm vào những nơi dịch đang hoành hành, vào những người có nguy cơ cao nhất, và vào những can thiệp có tác động lớn nhất: Gia tăng hiệu quả, hiệu suất. Duy trì khả năng khống chế dịch và đẩy nhanh tiến độ hơn nữa: Dồn tổng lực, chọn đường đi ngắn nhất, trong thời gian nhanh nhất để về đích . Đầu tư cho phòng, chống HIV cũng chính là thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác (như bình đẳng giới, việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế, và giảm bất bình đẳng): chấm dứt AIDS vì sự nghiệp phát triển chung.
Đây là những mục tiêu hết sức tham vọng và thách thức nhưng nó hết sức cụ thể. Thực hiện những mục tiêu này không chỉ bảo vệ sức khỏe tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia. Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Nghiên cứu