Thứ Năm, 25/04/2024 12:07

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  06/04/2016 00:00     

Nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống HIV/AIDS Năm 2016


Năm 2016 là năm tỉnh Khánh Hòa bắt đầu triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS theo các mục tiêu 90 – 90 – 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người nhiễm HIV đủ điều kiện điều trị theo hướng dẫn điều trị quốc gia được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV với tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền) và hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2020. Do vậy,  nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 như sau:

1. Tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền nhất là tại tuyến huyện và tuyến xã/phường: Rà soát, quản lý các nhóm đối tượng: tiêm chích ma túy, mua bán dâm…; Củng cố, duy trì hiệu quả mô hình phối hợp hỗ trợ, can thiệp giữa y tế với các ban, ngành địa phương; Hỗ trợ pháp lý về kiện toàn cơ sở, triển khai lồng ghép dịch vụ liên quan HIV tại Trung tâm y tế, Trạm y tế.

2. Tiếp tục kiện toàn cơ sở dịch vụ, triển khai lồng ghép vào hệ thống y tế sẵn có trong phạm vi toàn tỉnh: Lồng ghép nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... hiện có trong các cơ sở y tế nhà nước; Lồng ghép và kết nối hoạt động theo kiểu chuỗi dịch vụ tại từng cơ sở, đơn vị, giữa các cơ sở, đơn vị.

3. Thúc đẩy triển khai các mô hình hiệu quả, chi phí thấp, độ bao phủ rộng như Mô hình lồng ghép tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; Mô hình lồng ghép tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, Methadone, Lao/HIV, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tuyến huyện; Mô hình lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, quản lý, điều trị Lao/HIV tuyến xã/phường...

4. Tiếp tục huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương thông qua kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, huyện, xã phường; Triển khai chi trả dịch vụ từ bảo hiểm y tế và tự chi trả một phần của người sử dụng dịch vụ; Tiếp tục mời gọi hỗ trợ của dự án trong nước và quốc tế.

Những khó khăn, thách thức tác động đến công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2016

1. Kinh tế tỉnh những năm gần đầy phát triển mạnh, nhiều khu công nghiệp, điểm vui chơi giải trí hình thành; khách du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại ngày càng nhiều đồng thời làm phát sinh và khó kiểm soát một số tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, mua bán dâm...cảnh báo nguy cơ dịch HIV gia tăng trở lại nếu biện pháp can thiệp thiếu đồng bộ, kém hiệu quả.

2. Bệnh nhân HIV/AIDS nghèo, không đủ khả năng chi trả chi phí điều trị và dịch vụ liên quan HIV/AIDS. Một số bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế nhưng chưa sử dụng với nhiều lý do. Tình trạng kỳ thị, tự kỳ thị vẫn còn, hệ quả là còn nhiều người nhiễm, nghiện ma túy chưa tiếp cận sớm điều trị hoặc vào bệnh viện trong tình trạng nặng hoặc bỏ điều trị... đã ảnh hưởng đến công tác chăm sóc điều trị, kháng thuốc có xu hướng gia tăng; nhiều người có hành vi nguy cơ chưa tiếp cận dịch vụ dự phòng HIV. Đây là nguyên nhân làm dịch HIV vẫn còn tiềm ẩn, dai dẳng làm tăng nguy cơ lây lan cộng đồng.

3. Về chương trình điều trị Methadone: Một số bệnh nhân có nhận thức kém, hành vi khác người, không chấp hành quy định, tham gia điều trị có tính chất ép buộc, còn tiếp tục tiêm chích ma túy, lừa dối thầy thuốc... Một số bệnh nhân còn vi phạm pháp luật như trộm cắp, gây án hình sự, sử dụng các loại ma túy bất hợp pháp khác gây ảnh hưởng xấu đến việc tiếp nhận và điều trị, tuân thủ kém, nguy cơ tái nghiện cao. Chương trình Methadone triển khai muộn tại thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh nên không hoàn thành chỉ tiêu năm 2015.

4. Từ năm 2014, các nguồn kinh phí (Trung ương, dự án tài trợ) cắt giảm, kết thúc; công tác xã hội hóa về đầu tư kinh phí, bảo hiểm y tế...còn chậm nên chưa giúp giảm gánh nặng ngân sách và tăng cường ý thức trách nhiệm cộng đồng. Điều này tác động đến tính bền vững của chương trình.

BS Tin

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9935552
Online
Hiện có: 363   Khách