Chủ Nhật, 22/12/2024 10:12

ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN - TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT !

  03/12/2015 00:00     

Công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc còn nhiều thách thức

Trong những năm qua, các cấp CĐ trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn còn gặp nhiều thách thức.


Công tác tuyên truyền PC HIV/AIDS của các cấp CĐ cho CNLĐ
 gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí

Theo báo cáo của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Khánh Hòa đã ra khỏi danh sách những tỉnh có số người nhiễm HIV/AIDS cao trong cả nước. Đặc biệt, từ năm 2011, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã đạt được 3 giảm (giảm nhiễm mới HIV, giảm các trường hợp chuyển sang AIDS và giảm tử vong do AIDS).  Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh giảm chưa bền vững và còn nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất hiện nay là hình thái dịch HIV lây truyền qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng. Điều này thể hiện rõ khi tỷ lệ nhiễm mới ở phụ nữ đang gia tăng, nhất là nhóm phụ nữ mang thai, gái mại dâm. Theo thống kê, nếu năm 2007, tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 25% so với nam giới, thì từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ này tăng hơn 35%. Tương tự, năm 2007, có khoảng 1/100 gái mại dâm nhiễm HIV/AIDS thì đến nay con số này tăng lên gấp đôi. “Việc kiểm soát lây truyền HIV trong nhóm mại dâm khó khăn hơn và tốc độ lây truyền cũng nhanh hơn so với nhóm đối tượng nghiện chích ma túy. Bên cạnh đó, tỷ lệ người nhiễm HIV mới trong nhóm tuổi từ 30 đến 39 ngày càng gia tăng. Nếu năm 2007, số người nhiễm HIV/AIDS ở nhóm tuổi này chiếm khoảng 27% thì đến năm 2010 đã tăng lên khoảng 32%, năm 2012 tăng lên 43,6% và hiện nay vẫn đang có xu hướng tăng. Tính đến cuối tháng 11/2015 Khánh Hòa đã phát hiện gần 3.500 trường hợp nhiễm HIV; toàn tỉnh có 8/9 huyện/thị/thành phố với 19/140 xã/phường có người nhiễm HIV/AIDS.

Trước tình hình đó, LĐLĐ tỉnh đã chủ động tổ chức, chỉ đạo các cấp CĐ trong tỉnh tích cực hơn với công tác PC HIV/AIDS trong CNVCLĐ nhằm nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ CĐ từ cấp cơ sở trở lên, từ đó chuyển tải những nội dung thiết thực tới CNVCLĐ.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Hòa cho biết: Từ năm 2010 đến nay, các cấp CĐ đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, truyền thông trực tiếp và gián tiếp cho trên 30.000 lượt CNVCLĐ; in và phát hành 10.000 bộ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền phòng, chống  HIV/AIDS và các TNXH. Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng được 35% trên tổng số CNLĐ và 30% CĐCS có yêu cầu hỗ trợ tuyên truyền. Điều đó cho thấy độ bao phủ của công tác tuyền thông Công đoàn chưa cao. Trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, từ các DN ngày càng giảm… Điều này làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong CNVCLĐ tại nơi làm việc thời gian tới sẽ khó khăn hơn Để hướng tới mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút; 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp) của Liên hợp quốc vào năm 2020, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc tăng cường các hoạt động xét nghiệm HIV, áp dụng các tiêu chí mới trong điều trị HIV/AIDS; triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Mục tiêu là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, từ đó hướng tới tầm nhìn “3 không” (không còn người nhiễm HIV mới, không còn người tử vong do AIDS và không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS) vào năm 2030.

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Hòa trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, các cấp CĐ cần đẩy mạnh phòng, chống AIDS bằng cách tập trung trọng điểm  đối tượng nhóm người LĐ dễ bị tổn thương, người LĐ có hành vi nguy cơ cao, người LĐ ở vùng sâu vùng xa về dự phòng lây nhiễm; không kỳ thị, phân biệt, đối xử; mở rộng độ bao phủ đến mọi người LĐ; tăng cường huy động sự hỗ trợ nguồn lực từ cơ quan, đơn vị, DN cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cần lồng nghép phòng chống HIV/AIDS với công tác PCMT và TNXH.  Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, cần tổ chức cho CNVCLĐ đăng ký không để bản thân và gia đình sử dụng, buôn bán và tàng trữ ma túy, thành lập, duy trì các khu nhà trọ Khu công nghiệp Suối Dầu không ma túy và TNXH tại nơi có đông CNLĐ sinh sống và làm việc.. góp phần ngăn chặn đại dịch HIV thâm nhập vào đời sống CNVCLĐ. Đầu tư cho phòng, chống HIV cũng chính là thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác  (như bình đẳng giới, việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng). Làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và TNXH trong CNVCLĐ chính là góp phần thiết thực chăm lo, bảo vệ sức khoẻ NLĐ.
Tuấn Tú
 
Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 11116557
Online
Hiện có: 203   Khách