Đại diện Chi hội Luật gia Công đoàn hướng dẫn NLĐ thủ tục trước khi tham gia tố tụng tại Toà
Công ty làm ăn thua lỗ, 135 lao động gắn bó nhiều năm buộc nghỉ việc giữa chừng với quyết định với chế độ trợ cấp bị cắt 50%. Quá bức xúc 17 công nhân (CN) đã tìm đến công đoàn cấp trên tư vấn khởi kiện đòi quyền lợi…
Doanh nghiệp khẩn trương phá sản
Thành lập từ năm 2000, Công ty TNHH Long Shin ( Lô B1, B2 đường số 10, KCN Suối Dầu, H. Cam Lâm, Khánh Hòa) là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên chế biến hải sản xuất khẩu thu hút hàng trăm lao động. Vào thời kì cao điểm doanh nghiệp có trên 300 lao động.
Năm 2012 tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, ngày 24/8/2015, công ty có quyết định số 11/QĐ-LSH tạm ngừng sản xuất kinh doanh 6 tháng. Ngày 25/8/2015 công ty có thông báo tạm ngừng hoạt động và cho 135 lao động vẫn đang làm việc trước đó nghỉ.
Anh Ngô Hứa (trú tại xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang) làm CN tại công ty 14 năm 4 tháng bức xúc: “Lúc đó anh em chúng tôi chỉ được thông báo công ty phá sản nên chấm dứt hợp đồng, cho CN nghỉ nhưng không thông báo giải quyết chế độ rõ ràng”.
Trong khi người lao động (NLĐ), công đoàn KCN-KKT đang làm việc với lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết chế độ trợ cấp cho NLĐ thỏa đáng thì ngày 21/12/2015, công ty TNHH Long Shin ra quyết định số 01/QĐ về chấm dứt dự án đầu tư tại Lô B1, B2 đường số 10 KCN Suối Dầu, Cam Lâm gửi BQL Khu kinh tế Vân Phong và các cơ quan liên quan tại Khánh Hòa. Phía công ty khẳng định đã thanh lý xong toàn bộ tài sản, không có khoản nợ nào với khách hàng, người lao động, thanh toán hết các khoản thuế phải nộp và hiện tại không có tranh chấp tại tòa án.
Chi hội luật gia Công đoàn vào cuộc bảo vệ công nhân
Trong khi doanh nghiệp “cố” xin phá sản thì NLĐ lao đao bởi sau khi mất việc làm đa số đã lớn tuổi nên không tìm được việc mới. Mọi chi tiêu những tháng đầu mất việc đều trông chờ vào tiền chế độ công ty chi trả nhưng nhiều lần NLĐ lên hỏi đều nhận được câu trả lời: chưa có. Ngày 1/2/2016, 17 CNLĐ đại diện cho 135 LĐ của Công ty TNHH Long Shin đến LĐLĐ Khánh Hòa nhờ can thiệp giải quyết quyền lợi trước khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục phá sản.
Theo các CN cuối tháng 11/2015, 135 LĐ nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ, trong đó 85 LĐ được hưởng chế độ trợ cấp mất việc mức chi trả 50% mức lương cơ bản. Các quyết định này được Công ty ký từ ngày 26/8/2015, nhưng đến tháng 1/2016, doanh nghiệp vẫn chưa trả cho NLĐ. Riêng 20 CN làm việc lâu năm không đồng tình với mức đền bù mà công ty đưa ra bởi theo thỏa ước lao động tập thể mà Công ty đã ký 15.4.2014 (có hiệu lực 3 năm) với tập thể NLĐ thì người làm việc từ đủ 10 năm trở lên khi nghỉ việc được công ty giải quyết trợ cấp thôi việc mỗi năm làm việc được hưởng một tháng lương. Chị Trần Thị Út (trú tại Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết: “Anh chị em bao nhiêu năm cống hiến, giờ công ty tính trợ cấp mất việc như vậy là thiệt thòi cho chúng tôi, nếu trả theo TƯLĐ chúng tôi còn có chút tiền để chuyển đổi nghề khác mưu sinh sau khi mất việc”.
Ngay sau đó, Công KCN-KKT và LĐLĐ tỉnh đã làm việc với doanh nghiệp và các đơn vị liên quan. Ngày 5/2 công ty trả 25% trợ cấp mất việc cho người lao động, đến tháng 5/2016 trả tiếp 25% cho 65/85 lao động. 20 CN không đồng tình với mức trợ cấp trên đã được chi hội luật gia công đoàn tỉnh hướng dẫn khởi kiện ra tòa.
Quá trình NLĐ thực hiện các thủ tục nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Cam Lâm đều được đại diện chi hội luật gia đồng hành hướng dẫn. 17 LĐ đứng ra khởi kiện có đơn đề nghị LĐLĐ tỉnh đại diện mình tham gia tố tụng tại tòa. Hơn 5 tháng thu thập chứng cứ và chờ đợi, cuối tháng 8/2016, phiên tòa đầu tiên liên quan đến vụ tranh chấp trợ cấp thôi việc giữa NLĐ và công ty Long Shin được đưa ra xét xử. Đầu tháng 10 toàn bộ 17 vụ kiện của NLĐ đã được TAND huyện Cam Lâm tuyên với phần thắng thuộc về NLĐ. Tổng số tiền tòa án yêu cầu Công ty Long Shin phải chi trả trợ cấp mất việc cho 17 LĐ là hơn 335 triệu đồng. Mức hỗ trợ mất việc cao nhất là 25,6 triệu đồng, thấp nhất 10,8 triệu đồng.
Không nén nổi xúc động sau khi nghe tòa tuyên anh Lê Hữu Bình (trú xã Suối Hiệp, H Diên Khánh, Khánh Hòa) nói “nếu không có điểm tựa là các anh chị hội luật gia liên đoàn cũng như các anh chị công đoàn thì chúng tôi không biết có đủ kiên trì để đòi quyền lợi cho mình hay không. Hiện giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng sau khi thi hành án sớm chi trả cho công nhân vì gần 1 năm nay chúng tôi hầu như chưa tìm được việc, cuộc sống rất khó khăn”.
Được biết, toàn bộ tài sản trên đất của Công ty Long Shin tại KCN Suối Dầu thế chấp tại Ngân hàng First Commercial (Đài Loan) - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Hiện tài sản trên đã được niêm phong. Người đại diện theo pháp luật công ty Long Shin là ông Lin Chin Cheng (quốc tịch Đài Loan) vẫn đang kinh doanh tại Việt Nam.
Đại diện cho NLĐ tham gia tố tụng tại 17 phiên tòa, ông Bùi Đăng Thành – Trưởng ban CS-PL LĐLĐ tỉnh, Luật gia thuộc Chi hội luật gia công đoàn khẳng định: “Việc tòa án yêu cầu công ty Long Shin phải trả mức trợ cấp 1 tháng lương theo số năm làm việc của NLĐ là hoàn toàn chính đáng. Bởi căn cứ Luật Lao động (Khoản 2, Điều 47) và TƯLĐTT đã quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động và NLĐ”. Đồng thời lưu ý, “Qua những vụ tranh chấp trên cho thấy, NLĐ được tư vấn các bước khởi kiện sớm sẽ rất có lợi. Bởi nếu quá thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp LĐ cá nhân theo Luật Lao động thì NLĐ sẽ không được tòa giải quyết. Mặt khác việc doanh nghiệp phá sản khi có tài sản thế chấp nếu ai khởi kiện sớm sẽ được ưu tiên chi trả khi thi hành án”.
Phương Linh