Thứ Bảy, 20/04/2024 15:18

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  26/03/2018 00:00     

Hiệu quả từ hoạt động can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV


Tư vấn, xét nghiệm HIV nhanh tại CLB Bồ Công Anh Nha Trang

Là một tổ chức phi lợi nhuận đang hoạt động tại Việt Nam. Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) đang phối hợp triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng nguy cơ cao là nhóm tiêm chích ma túy (IDU), phụ nữ mại dâm (FSW) và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tại 05 tỉnh thành khu vực phía nam trong đó có Khánh hoà. Hơn 03 năm triển khai, hoạt động của 3 nhóm CBO (các tổ chức dựa vào cộng đồng) đã góp phần hạn chế tình trạng kỳ thị, lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Truyền thông sát thực tế

Công tác truyền thông luôn được chú trọng, trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ năng truyền thông, kỹ năng thuyết phục, lắng nghe và chia sẻ cho các thành viên nhóm CBO. Đây được xem là các kỹ năng cơ bản trong công tác truyền thông. Làm thế nào để khách hàng tin và làm theo những gì mình nói đó thật sự không phải là điều dễ dàng.

Bên cạnh tổ chức các buổi truyền thông, trung tâm còn tổ chức sự kiện với chủ đề “Chung tay hành động” phòng, chống HIV/AIDS hu hút sự tham gia của nhiều người nghiện chích ma tuý (IDU), phụ nữ mại dâm (FSW), nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trên địa bàn tỉnh. Thông qua sự kiện, khách mời và khách hàng có cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV, bên cạnh còn có các gian hàng triển lãm giới thiệu về hoạt động của tuyên truyền viên đồng đẳng các nhóm CBO, các sản phẩm truyền thông, quà lưu niệm,…và giao lưu văn nghệ.

Sau phần giao lưu văn nghệ và thi tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS thông qua trò chơi ai là triệu phú, phần thi tài năng nhận được nhiều sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Mở đầu cho phần thi này, nhóm Bạn và Tôi lấy đi nhiều cảm xúc của khán giả khi biểu diễn tiểu phẩm nhạc kịch nói về thân phận của một đồng tính nam. Kết thúc có hậu của kịch bản khi người thanh niên được mẹ chấp nhận giới tính thật của mình đã nhận được nhiều sự cổ vũ từ khán giả. Tiểu phẩm “Quà cho em” của nhóm Bồ Công Anh cũng gây nhiều xúc động cho người xem khi kể về tình yêu của người em mù giúp cho người anh có động lực cai nghiện, thoát ra khỏi nàng tiêu nâu để làm lại cuộc đời.

Anh Nguyễn Công Hoàn (người nghiện chích ma túy, TP. Nha Trang) cho biết: “Cách truyền thông của các nhóm CBO rất sát với hoàn cảnh, nhu cầu của chúng tôi. Ngoài việc tổ chức các sự kiện truyền thông lớn, hàng tháng các thành viên CBO còn tổ chức các buổi tư vấn nhóm trực tiếp, nên khi nghe các nhóm tổ chức truyền thông là tôi đến tham gia. 5 tháng trước, tôi đã được nhóm CBO Bồ Công Anh tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn tham gia cai nghiện ma túy bằng Methadone. Thông qua cai nghiện, tôi đã giảm được 1/3 liều dùng ma túy so với trước”.

Những kết quả đạt được

Ba năm qua dưới sự dưới sự tài trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét, Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) đã triển khai dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh thông qua việc thành lập 3 nhóm CBO với 40 thành viên, hoạt động tại 6 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (trừ 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và huyện đảo Trường Sa). Đối tượng tiếp cận của các nhóm là những người thuộc nhóm đối tượng IDU, FSW, MSM. Các hoạt động chính của nhóm: Truyền thông tư vấn trực tiếp; tổ chức sự kiện cộng đồng để cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến HIV; tình dục an toàn, ma túy; chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; cung cấp các vật phẩm giảm tác hại như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm, tài liệu truyền thông về HIV.

Trong năm 2017, 03 nhóm CBO của tỉnh Khánh Hoà đã hoàn thành 100% chỉ tiêu tiếp cận. Tỷ lệ khách hàng chuyển gửi đến phòng VCT (tư vấn xét nghiệm tự nguyện) đạt 80% vượt 15% so với tỷ lệ cam kết với dự án (65%). Trong kỳ báo cáo, tỷ lệ HIV(+) phát hiện là 3,2%. Với số ca dương tính phát hiện mới trong năm, đã có 84% số ca HIV(+) được kết nối vào chương trình điều trị tại các OPC (phòng khám ngoại trú).

Cùng với hoạt động chuyển gửi, kết nối khách hàng đến các dịch vụ chăm sóc và điều trị. Trong năm, các nhóm CBO đã tổ chức truyền thông, tư vấn trực tiếp cho 2.483 khách hàng, tổ chức 263 cuộc tư vấn nhóm nhỏ cho hơn 2.400 người. Thông qua các buổi truyền thông, tư vấn trực tiếp khách hàng sẽ có thêm kiến thức về dự phòng lây nhiễm, các quy trình tư vấn xét nghiệm và sau xét nghiệm, việc kiểm soát sự tăng giảm của tế bào CD4 trong cơ thể thông qua các hoạt động sinh hoạt lành mạnh, chế độ dinh dưỡng,…từ đó giúp cho khách hàng có nguy cơ cao cũng như khách hàng đã nhiễm nhận thức rõ về bản thân, thuận lợi cho việc lập kế hoạch điều trị lâu dài.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi thì hoạt động can thiệp giảm tác hại bằng bơm kim tiêm và bao cao su luôn là hoạt động quan trọng, bởi vì thông qua hoạt động này sẽ giúp cho đối tượng đích có ý thức hơn trong việc dự phòng lây nhiễm cho chính bản thân mình và cộng đồng. Trong năm 2017, các nhóm CBO đã cấp phát 324.230 bơm kim tiêm; 320.866 bao cao su; 34.778 gói chất bôi trơn; 161.435 ống nước cất và 762 hộp an toàn, thu gom 33.000 bơm kim tiêm đã qua sử dụng.

Bác sĩ Trần Văn Tin – Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Hiện tại, hình thái lây nhiễm HIV của tỉnh còn tập trung ở các nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ lao động tình dục và nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Do vậy, các hoạt động của Dự án nói chung và của 3 CBO nói riêng, góp phần giúp các đối tượng đích trên địa bàn tỉnh tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ điều trị dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, qua đó giảm thiểu sự lây nhiễm trong cộng đồng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của tỉnh và tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam”.

BT
 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9913141
Online
Hiện có: 48   Khách