Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho các ngư dân Nghiệp đoàn Nghề cá
Năm 2018, tình hình dịch HIV/AIDS trong cả nước nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ, diễn biến phức tạp, dai dẳng... Nhằm phấn đấu thực hiện các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân, 90% người nhiễm HIV đủ điều kiện điều trị theo hướng dẫn điều trị quốc gia được điều trị ARV và 90% người nhiễm HIV điều trị ARV với tải lượng virut dưới ngưỡng lây truyền), khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh dưới 0,2%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Tính đến 31-5-2018, tích lũy số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là 2.161 trường hợp. Trong đó có 864 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống. Toàn tỉnh có 8/9 huyện/thị/thành phố với 120/140 xã/phường có người nhiễm HIV/ AIDS (chiếm 85%).
Những khó khăn, thuận lợi trong công tác phòng, chống HIV/AIDS
Những năm qua, thuận lợi trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là các cấp ủy đảng, chính quyền, HĐND vào cuộc khá mạnh mẽ, quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí. Công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của cộng đồng xã hội ngày càng tốt hơn. Mạng lưới được duy trì, củng cố, nhờ đó đã triển khai đồng bộ các dịch vụ, duy trì kết nối, phối hợp khá tốt; hạn chế mất dấu, bỏ điều trị; giảm kỳ thị phân biệt đối xử, cải thiện sức khỏe, tạo phấn khởi cho người có HIV và gia đình họ cũng như những người dân có nhu cầu. Ngoài ra, với sự hỗ trợ về tài chính, chuyên môn kỹ thuật của một số tổ chức tài trợ trong nước và quốc tế trong những năm qua đã góp phần hạn chế được tốc độ lây nhiễm HIV trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng: phát hiện thêm ở phụ nữ dân tộc thiểu số, cán bộ, nhân viên, phụ nữ mang thai (họ không sử dụng ma túy), đặc biệt là nhiễm mới HIV tăng cao trong nhóm MSM ở độ tuổi 18-25. Nhóm tiêm chích ma túy hiện nay, mặc dù vẫn tham gia điều trị Methadone nhưng vẫn sử dụng kết hợp nhiều loại ma túy khác nhau, dẫn đến loạn thần không làm chủ được hành vi tính dục, quan hệ “bầy đàn” đang là mối đe dọa lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử, tự kỳ thị của người nhiễm vẫn còn là thách thức, đồng thời nhiều người còn chưa hiểu rõ, thờ ơ với thông tin dẫn đến chủ quan với HIV... hệ quả là còn nhiều người nhiễm, nghiện ma túy chưa tiếp cận điều trị, nhiều người có hành vi nguy cơ cao chưa tiếp cận được dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.
Bệnh nhân HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế còn thấp, đa số bệnh nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định. Công tác kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS tại một số đơn vị gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhân lực kiêm nhiệm… ảnh hưởng đến việc khám, điều trị BHYT cho BN HIV/AIDS.
Nguồn kinh phí dự án tài trợ kết thúc từ năm 2016, trong khi đó kinh phí Trung ương không đủ bao cấp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngân sách tỉnh hạn hẹp nên rất khó khăn để triển khai các hoạt động, tác động không nhỏ đến tính bền vững của chương trình.
Những giải pháp cụ thể
Ngoài các hoạt động truyền thông, vận động cơ bản, để thực hiện được mục tiêu 90% số người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm. Năm 2018, cần phải củng cố hoạt động mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng (TTVĐĐ); tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho các cán bộ, mạng lưới TTVĐĐ thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại (CTGTH) trong dự phòng lây nhiễm HIV từ tỉnh đến xã; triển khai chương trình bơm kim tiêm đồng bộ với các biện pháp CTGTH khác, đồng thời kết nối tốt với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như điều trị HIV/AIDS, Methadone và hỗ trợ xã hội khác.
Với mục tiêu 80% số phụ nữ bán dâm tiếp cận với chương trình bao cao su (BCS), cần duy trì và mở rộng hoạt động của mạng lưới TTVĐĐ trong nhóm người bán dâm (trung bình 50 đối tượng/1 TTVĐĐ); tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện biện pháp CTGTH trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng BCS tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú để đảm bảo trên 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có tờ rơi tuyên truyền và BCS tại địa điểm kinh doanh; duy trì và mở rộng hoạt động phân phát và hướng dẫn sử dụng BCS, chất bôi trơn thông qua mạng lưới TTVĐĐ, các cơ sở y tế, nhà thuốc...; tổ chức các buổi nói chuyện với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nhân viên, tiếp viên nhà hàng, khách sạn và chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, bến bãi đậu xe, cơ sở kinh doanh du lịch...
Riêng mục tiêu 70% số nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp cận với chương trình bao cao su, cần giảm dần số lượng BCS cấp phát miễn phí, mở rộng mô hình tiếp thị xã hội BCS và phát triển qua kênh thương mại.
Đặc biệt, với mục tiêu 600 người nghiện Heroin được điều trị Methadone, ngoài việc đảm bảo các hoạt động và chỉ tiêu điều trị Methadone tại 3 cơ sở: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế Cam Ranh và Trung tâm Y tế Ninh Hòa; cần mở rộng một số điểm cấp phát thuốc Methadone tại các huyện không triển khai khám, điều trị Methadone nhưng có trên 30 bệnh nhân cần điều trị với liều duy trì liên tục.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để thực hiện mục tiêu 70% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS; 85% người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Thực hiện có hiệu quả và mở rộng độ bao phủ về công tác tư vấn xét nghiệm HIV và giám sát dịch HIV/AIDS. Đặc biệt, trong năm sẽ tiến hành thí điểm xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng bao gồm tự xét nghiệm nhằm nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV của các nhóm đối tượng đặc biệt là nhóm “khó tiếp cận” nhằm đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được chẩn đoán vào năm 2020. Khuyến khích cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV trong hệ thống y tế tư nhân. Sử dụng các loại test chẩn đoán nhanh HIV mới nhằm làm tăng cơ hội xét nghiệm và phát hiện ca bệnh mới...
Trong năm 2018, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, cần ưu tiên thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là tại tuyến huyện và tuyến xã, phường; tiếp tục kiện toàn các cơ sở dịch vụ, triển khai lồng ghép vào hệ thống y tế sẵn có trong phạm vi toàn tỉnh; thúc đẩy triển khai các mô hình hiệu quả, chi phí thấp, độ bao phủ rộng như mô hình lồng ghép, kết nối tiếp cận cộng đồng - tư vấn xét nghiệm HIV - điều trị ARV - Methadone...; triển khai hiệu quả khám, chữa bệnh HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả, triển khai mới 4 điểm cấp phát thuốc Methadone tại các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm và Diên Khánh; tiếp tục huy động nguồn lực như ngân sách địa phương, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, bảo hiểm y tế, đóng góp một phần của người sử dụng dịch vụ.
KHÁNH NAM