Thứ Ba, 23/04/2024 18:47

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  04/03/2021 09:35     

CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN VỚI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0


Đoàn công tác tham quan xưởng sản xuất của Công ty TNHH FLD

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đều dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về tốc độ phát triển và cơ cấu kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Và cũng giống như ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho người lao động thông qua việc tăng năng suất lao động dẫn tới tăng thu nhập, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ra đời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là việc mở cửa thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm mới. Nhưng bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức đối với người lao động trên thế giới nói chung và người lao động Việt Nam nói riêng, đe dọa đến việc làm, thu nhập và các lợi ích kinh tế khác của người lao động. Do vậy nó cũng đòi hỏi tổ chức Công đoàn và cán bộ Công đoàn phải có những thay đổi để đáp ứng với tình hình mới.

          Hiểu về cách mạng công nghiệp 4.0        

          Thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp 4.0” (industry 4.0) xuất hiện lần đầu tiên tại Hội chợ Công nghệ Hannover, Cộng hòa Liên bang Đức năm 2011. Đến năm 2012, khái niệm “công nghiệp 4.0” được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức. Năm 2013, thuật ngữ công nghiệp 4.0 bắt đầu được tìm hiểu và tìm kiếm rộng rãi xuất phát từ một báo cáo của Chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Theo Gartner, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.

          Tại Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 46 ở thành phố Davos-Klosters, Thụy Sĩ (tháng 01/2016) với chủ đề “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới đã đưa ra một khái niệm mới, mang tính phổ quát hơn và đơn giản hơn: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa các yếu tố vật chất, kỹ thuật số và sinh học" (1).

Từ khái niệm của Klaus Schwab, có thể hiểu cách mạng công nghiệp 4.0  diễn ra dựa trên ba nhóm nội dung chính:

Một là, nguồn dữ liệu lớn (Big data). Dữ liệu lớn được thể hiện ở cả ba phương diện thời gian, không gian, đối tượng. 

Hai là, trí tuệ nhân tạo (AI). Trí tuệ nhân tạo được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau nhưng tập trung chủ yếu vào robot và camera nhận diện thông minh.

Ba là, internet kết nối vạn vật. Internet ngày nay đã trở thành một lực lượng vật chất quan trọng đối với mọi hoạt động của cuộc sống con người. Nó không chỉ kết nối giữa con người với con người, giữa con người với vật thể mà còn giữa vật thể với vật thể - làm cho máy móc giao tiếp được với máy móc thông qua việc sử dụng công cụ hiện đại như email, website, điện thoại thông minh, thiết bị điện tử, thiết bị số hóa.

Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động công đoàn

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều thuận lợi cho hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, internet, truyền thông di động, cán bộ công đoàn có điều kiện kết nối và tương tác với đoàn viên và người lao động nhiều hơn. Nếu như trước đây, hoặc là cán bộ công đoàn phải xuống gặp gỡ trực tiếp người lao động hoặc thông qua việc tổ chức các cuộc họp giữa công đoàn với người lao động thì người lao động mới được “gặp mặt” người đại diện của mình. Nhưng đôi khi những cuộc gặp gỡ kiểu này còn mang nặng tính hình thức thì hiện nay thông qua cổng thông tin điện tử, đường dây nóng, các trang mạng xã hội như facebook, zalo… cán bộ công đoàn kịp thời nắm bắt thông tin về những vấn đề người lao động bức xúc và cả những mong muốn, nhu cầu của họ. Mặt khác, các nội dung công đoàn cần tuyên truyền, phổ biến và triển khai để người lao động thực hiện như chủ trương đường lối của Đảng, chế độ chính sách, pháp luật lao động của Nhà nước, quy chế nội quy, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các phong trào hoạt động của công đoàn cũng diễn ra rất kịp thời và sâu rộng. Từ đó, giúp công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên và người lao động hiệu quả hơn, chất lượng của đối thoại tại nơi làm việc được nâng cao, đi vào thực chất, giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến xung đột, tranh chấp lao động.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo cơ hội cho cán bộ công đoàn cập nhật nhanh chóng, kịp thời những thông tin về hoạt động công đoàn và phong trào công nhân của các nước trên thế giới, thông tin về thị trường lao động, về việc làm, về hội nhập quốc tế. Từ đó, sẽ tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho chính tổ chức của mình trong quá trình hoạt động cũng như xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác với công đoàn các nước và các tổ chức công đoàn thế giới để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

 Song song với những thuận lợi đó, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra không ít thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong đó thách thức lớn nhất là làm thế nào để đảm bảo được việc làm và thu nhập cũng như những lợi ích kinh tế cốt lõi nhất cho người lao động trước nguy cơ người lao động bị mất việc làm, chênh lệch về thu nhập, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, từ đó củng cố niềm tin của người lao động vào tổ chức đại diện của mình và khẳng định vị trí của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0

Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp ở nước ta đã có sự phát triển về số lượng và chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực được nâng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Phần lớn cán bộ công đoàn luôn thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, sự năng động và sáng tạo; kiến thức, trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn; đóng vai trò then chốt thúc đẩy phong trào công nhân viên chức lao động, hoạt động công đoàn và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở được thực hiện thường xuyên, bài bản.

Bên cạnh kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ công đoàn hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại:

- Số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ sở còn mỏng chưa đáp ứng nhu cầu tăng cường cán bộ công đoàn cho cơ sở để thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là đối với các CĐCS khu vực ngoài nhà nước.

- Đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách hầu hết đều có trình độ học vấn cao, nhiều cán bộ có bằng Đại học Công đoàn nhưng kinh nghiệm thực tiễn hoạt động công đoàn còn rất hạn chế; đặc biệt về ngoại ngữ, tin học là khâu yếu nhất, do đó đã ảnh hưởng lớn đến việc giao tiếp với người sử dụng lao động nước ngoài trong quá trình hoạt động cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động cụ thể của công đoàn.

- Công tác đào tạo tuy có gắn với công tác quy hoạch nhưng chưa thực sự rõ nét. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong thời gian qua đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, không có kế hoạch lâu dài, chưa được nghiên cứu, phân tích một cách kỹ lưỡng. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nội dung còn chung chung, chắp vá, nặng về lý luận, thiếu thực tiễn. Bản thân cán bộ công đoàn chưa coi trọng việc tự học tập, bồi dưỡng để thường xuyên nâng cao trình độ, kiến thức của mình, còn ngại đọc, ngại nghiên cứu. Chưa đánh giá được hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và chất lượng cán bộ công đoàn sau đào tạo, bồi dưỡng.

 Nhận thức về Cách mạng công nghiệp 4.0 của một bộ phận cán bộ công đoàn chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc.

 Để xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau đây:

Thứ nhất, Tổ chức Công đoàn cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như việc phải thích ứng nhanh chóng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nếu không sẽ không bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ thông tin. Hiểu đủ, hiểu đúng về cách mạng 4.0 sẽ là cơ sở để thúc đẩy những thay đổi về hành động góp phần nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn.

Thứ hai, Củng cố, nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách, quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn, giảng viên kiêm chức làm nòng cốt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trình độ cho cán bộ công đoàn là vấn đề hết sức quan trọng, có vai trò quyết định đến nâng cao năng lực của họ. Công tác đào tạo cán bộ công đoàn bao gồm việc tổ chức, giảng dạy và học tập dài ngày nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn bị cho người học có khả năng đảm nhận công việc nhất định. Bồi dưỡng cán bộ công đoàn là trang bị, tăng cường thêm kiến thức, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng trong hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, tâm lý, tác phong công tác của họ. Chú trọng đa dạng hóa hình thức đào tạo để mọi cán bộ có cơ hội, điều kiện được đào tạo. Xây dựng quy định bắt buộc đối với cán bộ; giành từ 10% trở lên ngân sách cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ; khuyến khích cán bộ tự học nâng cao trình độ mọi mặt; xây dựng quy định về chế độ, mức hỗ trợ cho cán bộ tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị.

Thứ ba, Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ và hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở. Công tác đánh giá cán bộ, đánh giá xếp loại Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở phải thực hiện một cách khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, theo tiêu chuẩn, có nội dung và phương pháp đúng đắn; hết sức tránh tình trạng cảm tính của người đánh giá. Đánh giá đúng ưu điểm, mặt được sẽ có tác dụng động viên, thúc đẩy cán bộ phấn đấu. Nói đúng khuyết điểm, nhược điểm sẽ có tác dụng răn đe, ngăn chặn, chỉnh sửa. 

Thứ tư, Chọn và bầu được những người tâm huyết, có bản lĩnh, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi người thủ lĩnh Công đoàn, nhất là ở cơ sở phải có rất nhiều tố chất, tiêu chuẩn: Nhiệt tình, say mê, tâm huyết, phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, được quần chúng tín nhiệm, có năng lực. Năng lực ở đây được thể hiện ở cả 3 khía cạnh: Kiến thức chuyên môn, lý luận; phương pháp tổ chức; kinh nghiệm hoạt động. Để có được những Chủ tịch công đoàn cơ sở có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho họ phải được coi như một giải pháp cấp thiết, tiên quyết. Bên cạnh đó, mỗi Chủ tịch công đoàn cơ sở cần phải có kế hoạch tự học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ văn hoá, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng những thành tựu tri thức, khoa học kỹ thuật của nhân loại, thực hiện việc “đi tắt, đón đầu” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0, phát huy vai trò của tổ chức đại diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khẳng định vị trí của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam và củng cố niềm tin của người lao động gửi gắm vào công đoàn, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, hai giải pháp mang tính then chốt là tập trung nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn các cấp, để mỗi cán bộ công đoàn vừa có tâm vừa có tầm và chú trọng hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động.

Lê Cao Thắng - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công đoàn 

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9921768
Online
Hiện có: 26   Khách