Liên tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ, chủ động theo sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tư tưởng, đời sống, việc làm, xử lý thông tin và phối hợp giải quyết tranh chấp... nên các phong trào CNVCLĐ ngày càng đi vào chiều sâu, tạo dựng niềm tin đối với NLĐ và cả DN. Nổi bật là phát triển đoàn viên; tăng cường hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CNVCLĐ.
Đổi mới phương thức hoạt động
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Hòa, năm 2011, trong bối cảnh chung KT-XH đất nước có nhiều khó khăn, nhưng đã đánh dấu nỗ lực của các cấp CĐ trong việc tập trung nhiều biện pháp tích cực để thu hút người lao động (NLĐ) gia nhập tổ chức CĐ. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ đối với NLĐ và người sử dụng LĐ. Đồng thời xây dựng kế hoạch, khảo sát, vận động và tiến hành thành lập CĐCS khu vực NQD. Kết quả đã thành lập mới được 156 Công đoàn cơ sở đạt 274% kế hoạch, phát triển được 6.529 đoàn viên mới đạt 154% kế hoạch.
Công tác xây dựng CĐCS vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động CĐCS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức CĐ. LĐLĐ tỉnh đã xây dựng bảng chấm điểm chi tiết cho từng loại hình CĐCS, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn CĐCS, CĐ bộ phận, tổ CĐ vững mạnh để làm căn cứ đánh giá, xếp loại và hướng dẫn LĐLĐ các huyện, thị, TP, CĐ ngành, CĐCS triển khai thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết 4a/NQ - TLĐ về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ giai đoạn 2010 - 2020”, Xác định việc nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ CĐ là yếu tố quan trọng để nâng cao chất hoạt động CĐ cơ sở, LĐLĐ Khánh Hòa đã chỉ đạo các cấp CĐ dành một phần kinh phí đáng kể cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Kết hợp các lớp tập huấn theo chương trình dự án E.U, các cấp CĐ đã mở 58 lớp tập huấn cho trên 4.600 lượt cán bộ CĐ cơ sở và CNLĐ. Nội dung về Điều lệ Công đoàn Việt Nam, kỹ năng hoạt động công đoàn, kỹ năng thương lượng đàm phán ký kết TƯLĐTT, nghiệp vụ công đoàn, tuyên truyền về ATGT, phòng chống HIV/AIDS, ma túy... Qua các lớp tập huấn, cán bộ CĐ có thêm kinh nghiệm tập hợp NLĐ; khả năng thuyết phục, giải quyết tình huống. Đặc biệt, khả năng đeo bám cơ sở và phối hợp giải quyết tranh chấp của CĐ đã giúp bình ổn các cuộc đình công, lãn công tại doanh nghiệp.
Tăng cường giám sát vì người lao động
Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra liên ngành, việc thực hiện pháp luật ở khu vực DNNQD nhìn chung đã có những chuyển biến, tuy nhiên vẫn có nhiều DN không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Vi phạm chủ yếu của các DN vẫn là về thời gian làm việc, trả lương chậm, không xây dựng bảng lương, không ký HĐLĐ, TƯLĐTT, không trích nộp đầy đủ kinh phí CĐ, không thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do: DN thua lỗ, không đủ khả năng đóng BHXH; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh và không kịp thời.
Trước thực trạng trên, năm 2011 Liên đoàn Lao động Khánh Hòa phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra về pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm xã hội tại 18 doanh nghiệp; kiểm tra về việc trả lương, trả thưởng tại 12 Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước; thanh tra 01 đơn vị sự nghiệp công lập về thực hiện bảo hiểm xã hội, chi trả tiền lương làm thêm giờ và trợ cấp thôi việc cho viên chức và người lao động. Thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động và BHXH tại 05 doanh nghiệp và thanh tra đột xuất tại 02 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods và Công ty cổ phần Hải sản Nha Trang theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Hoạt động giám sát, kiểm tra, thực hiện chính sách, pháp luật của công đoàn duy trì khá đều đặn, nề nếp và hiệu quả. Ngoài ra, LĐLĐ còn tổ chức thăm hỏi, nắm tình hình về lao động và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; trực tiếp hướng dẫn, giải đáp về pháp luật cho các đơn vị, cơ sở, người lao động… Sự chủ động của các cấp CĐ đã góp phần làm lành mạnh quan hệ lao động tại các DN và bảo vệ được lợi ích chính đáng của người lao động.
Để đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT- “cây gậy pháp lý” giúp CĐ phát huy vai trò đại diện cho NLĐ - các cấp CĐ đã tổ chức hàng chục buổi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động và đình công cho cán bộ CĐCS. Kết quả, có 832/876 Công đoàn cơ sở cơ quan hành chính sự nghiệp, xã, phường thị trấn tổ chức Hội nghị cán bộ công chức (đạt 95%), trong đó khối trường học là 368 đơn vị đã tổ chức (đạt 100%); có 83/287 các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tổ chức Hội nghị người lao động (đạt 30%); có 10/18 DNNN tổ chức Đại hội CNVC (đạt 55,5%); có 170/287 doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể còn hiệu lực (đạt 59%)… đã góp phần duy trì và thực hiện quy chế dân chủ.
Nâng cao chất lượng đời sống
Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ CNVCLĐ nghèo, hoàn cảnh khó khăn được CĐ đẩy mạnh, góp phần giảm bớt nỗi nhọc nhằn của NLĐ. Ngoài việc tặng quà dịp lễ, tết, CĐ đã tín chấp cho hàng nghìn NLĐ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Năm 2011 từ nguồn Quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh tiến hành thẩm định các dự án chăn nuôi của LĐLĐ thành phố Cam Ranh, LĐLĐ huyện Khánh Vĩnh, LĐLĐ huyện Cam Lâm với số tiền 140 triệu đồng để các hộ gia đình CNVCLĐ phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống của NLĐ. Hỗ trợ kinh phí xây nhà “Mái ấm Công đoàn Khánh Hoà” cho 15 gia đình CNVCLĐ nghèo với tổng số tiền hỗ trợ 280.000.000 đồng.
Phối hợp cùng Văn phòng đại diện báo Lao động tại Khánh Hòa thăm và tặng quà cho 05 gia đình công nhân có người bị tai nạn lao động, các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Bệnh viện Da liễu Khánh Hòa với trên 400 suất quà gồm sữa XO, nước yến và 42 triệu đồng; tặng 200 xuất quà cho con CNVCLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn trị giá 45 triệu đồng; trao 20 suất học bổng trị giá 47,5 triệu cho các cháu học sinh là con của CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên vượt khó nhân dịp khai giảng năm học mới...
(Quốc Khánh)