Thứ Năm, 26/12/2024 21:22

ĐOÀN KẾT CÔNG NHÂN - TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT !

  23/01/2012 14:54     

KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN CHỦ YẾU SỬ DỤNG ĐỂ CHĂM LO CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

(Quỳnh Anh)

Tháng 12/2011, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 đã cho ý kiến về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau  là việc trích nộp kinh phí công đoàn. Theo dự thảo Luật được quy định tại Điều 26 “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động”.Website Công đoàn Khánh Hoà giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Hoà, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hoà để phần nào làm rõ thêm những băn khoăn trên.

Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Nha Trang thăm và tặng quà cho gia đình CNVCLĐ nghèo

Kinh phí công đoàn mang tính lịch sử

Việc trích nộp kinh phí công đoàn là có tính lịch sử, đã được pháp luật ghi nhận từ Luật Công đoàn năm 1957, tại điểm c, Điều 21: “Tiền trích hàng tháng trong quỹ của xí nghiệp nhà nước, cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh dành cho công đoàn bằng một tỉ lệ nhất định của tổng số lương cấp phát cho toàn thể CNVC”. Đồng thời được cụ thể hoá bằng Nghị định số 118-TTg, ngày 9/4/1958, Điều 19 có quy định: “Giám đốc xí nghiệp nhà nước, thủ trưởng cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh, hiệu trưởng trường tư thục, hàng tháng nộp vào quỹ công đoàn thuộc tài khoản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) ở ngân hàng Quốc gia Việt Nam một số tiền gọi là kinh phí công đoàn bằng 2% tổng số tiền lương cấp phát hàng tháng cho toàn thể CNVC, không phân biệt trong hay ngoài biên chế”. Luật Công đoàn năm 1990 tại điểm b Điều 16 quy định: “Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, tiền trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyển vào quỹ công đoàn theo quy định của Hội đồng bộ trưởng”

Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của BCHTƯ Đảng khoá X “Về tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” đã nêu rõ: “Việc thu kinh phí công đoàn tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn và của Chính phủ; sử dụng cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, sinh hoạt văn hoá, thi đua khen thưởng, phúc lợi xã hội và các hoạt động khác của công nhân tại chính doanh nghiệp đó, kể cả việc trả lương hoặc phụ cấp lương cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp”. Tổ chức công đoàn mạnh, cộng với nguồn kinh phí đảm bảo sẽ tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ngưòi lao động, tuyên truyền giáo dục người lao động nâng cao trình độ chính trị, tay nghề; tổ chức tốt phong trào thi đua, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; giảm thiểu tranh chấp lao động, ngăn ngừa đình công không theo đúng quy định của pháp luật, nhằm làm cho doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

Theo quy định hiện hành, tại thông tư liên tịch số 119/ TTLT, ngày 08/12/2004 giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Tài chính thì tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ tiền lương của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Như vậy trên thực tế, tổ chức công đoàn đã thu kinh phí công đoàn 2% đến nay đã trải qua 54 năm, nguồn thu kinh phí công đoàn gắn với nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp đã được pháp luật quy định, mang tính lịch sử và trên thực tế đang phát huy tác dụng tốt, hiệu quả to lớn trong việc đảm bảo điều kiện cho công đoàn hoạt động thực hiện chức năng đại diện, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ, thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao phó, góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, qua các quy định của pháp luật và Nghị quyết của Đảng, thấy rằng quan điểm xuyên suốt của đảng và Nhà nước là người sử dụng lao động có trách nhiệm phải trích nộp kinh phí cho quỹ công đoàn.

Kinh phí công đoàn phục vụ cho người lao động

Tuy nhiên, một số người lại có sự so sánh giữa các đoàn thể chính trị- xã hội khác là không được trích kinh phí mà chỉ có công đoàn được trích kinh phí 2%. Theo Luật Ngân sách quy định “Ngân sách Nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”, do đó việc đảm kinh phí cho tổ chức công đoàn hoạt động là trách nhiệm của ngân sách nhà nước, thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, tại Điều 24 quy định về kinh phí cấp kinh phí cho các tổ chức chính trị - xã hội gồm: “UBMTTQ Việt nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”. Không quy định ngân sách nhà nước cấp kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của các cấp công đoàn. Thực tế tại địa phương, Nghị quyết của HĐND tỉnh hàng năm phân bổ kinh phí chi thường xuyên cho các đoàn thể chính trị, không phân bổ kinh phí chi thường xuyên cho tổ chức công đoàn. Như vậy, chi thường xuyên cho hoạt động của các cấp công đoàn được đảm bảo từ nguồn tài chính công đoàn thu theo Luật Công đoàn quy đinh là phù hơp. Điều đó tạo điều kiện cán bộ công đoàn ở doanh nghiệp không bị lệ thuộc tài chính vào giới chủ; khẳng định về cơ sở pháp lý cho tiếng nói của tổ chức Công đoàn Việt Nam, phản bác lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bên ngoài lập luận cho rằng Công đoàn Việt Nam là công đoàn của Chính phủ, chứ không phải là công đoàn của người lao động, không phù hợp với thông lệ công đoàn quốc tế.

 Mặt khác, cũng cần thấy rằng tổ chức công đoàn là có đặc trưng khác so với các đoàn thể khác là công đoàn tham gia giải quyết mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động hay nói cách khác đó là mối quan hệ lao động chủ - thợ trong quá trình lao động sản xuất. Vì vây, việc người sử dụng lao động trích nộp kinh phí công đoàn được xem như là một khoản đầu tư cho nguồn nhân lực, cho năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trước hết là cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp trích nộp kinh phí công đoàn làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế cho thấy, trích nộp kinh phí công đoàn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ từ 0,14% đến 0,2% trong giá thành sản phẩm. Như vậy, có thể nói việc trích nộp kinh phí công đoàn không làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Hiện nay, theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong số kinh phí công đoàn 2% thu theo tổng quỹ tiền lương thì được giữ lại để chi trực tiếp tại công đoàn cơ sở, doanh nghiệp là 60%, riêng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 100%. Trên thực tế, hơn 80% kinh phí công đoàn được sử dụng để phuc vụ cho người lao động tại doanh nghiệp. Số kinh phí còn lại nộp lên cấp trên để chi cho hoạt động của công đoàn các cấp trên cơ sở: Công đoàn giáo dục huyện, Liên đoàn lao động huyện, Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổng Liên đoàn và các đơn vị sự nghiệp của công đoàn…

 Kinh phí công đoàn được dùng để chi cho công tác thương lượng, ký kết Thoả ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ người lao động; chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; chi cho công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục pháp luật cho người lao động; chi phong trào thi đua, khen thưởng; công tác an toàn vệ sinh lao động; văn hoá thể thao; thăm hỏi người lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chi thăm hỏi, trợ cấp cho ngưòi lao động, đoàn viên gặp khó khăn, hoạn nạn…

Việc quản lý, sử dụng quỹ công đoàn được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của Tổng Liên đoàn. Các cấp công đoàn đều có Uỷ ban kiểm tra, thực hiện việc giám sát, kiểm tra hoạt động thu, chi quỹ công đoàn tại cơ quan, đơn vị; hàng năm thực hiện kiểm toán tài chính ở công đoàn các cấp trên sở theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch và sử dụng có hiệu quả.

Trích nộp kinh phí công đoàn được xem như là một khế ước xã hội

Quan điểm của Chính phủ cũng rất rõ là cần thiết phải có kinh phí công đoàn. Tại công văn số189/CP-PL, ngày 5/10/2011 của Chính phủ gởi Tổng LĐLĐ Việt Nam về góp ý kiến vào dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), tại điều 27 như sau: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng tối đa bằng 2% quỹ tiền lương, tiền công…”. Chúng ta cần phải khẳng định là việc doanh nghiệp, người sử dụng lao động đóng kinh phí công đoàn cần thiết, khách quan. Theo TS. Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội thì: “Trích nộp kinh phí 2% cho hoạt động của tổ chức công đoàn có thể xem như một khế ước xã hội” về cộng đồng trách nhiệm giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là tổ chức Công đoàn Việt Nam.

 Cùng với chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiẻm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp của Nhà nước, kinh phí công đoàn góp phần để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động ngày càng được tốt hơn, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh. Đây chính là nội dung ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, không rời bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa.

 
Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 11138948
Online
Hiện có: 32   Khách