Thứ Năm, 18/04/2024 23:30

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  05/03/2013 09:29     

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992: Điều 10 nói về Công đoàn là phù hợp với lý luận và thực tiễn

1. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (HP) năm 1992 phải dựa trên các quan điểm cơ bản đó là: Dựa trên cơ sở tổng kết HP 1992 và các đạo luật liên quan; căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; kế thừa HP năm 1992 và các bản HP trước đây còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết và phù hợp với tình hình mới; khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh và HP 1992; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; tôn trọng quyền con người, quyền công dân; tiến hành chặt chẽ, khoa học đưới sự lãnh đạo của Đảng…

2. Đại hội XI của Đảng đã bổ sung Cương lĩnh và tiếp tục khẳng định Bản chất của Đảng: “Đảng Công sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại diện trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Chính vì vậy, Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định bản chất của Đảng, mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với giai cấp công nhân Việt Nam mà tổ chức tập hợp và đại diện cho công nhân lao động là tổ chức Công đoàn Việt Nam.

 3. Có ý kiến cho rằng nếu quy định về Công đoàn trong HP thì cũng phải có quy định đối với 5 tổ chức chính trị xã hội còn lại trong HP để đảm bảo sự bình đẳng đối với các tổ chức chính trị xã hội trong HP. Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để đòi đa đảng, đa nguyên chính trị, đa tổ chức Công đoàn để nhằm làm thay đổi chế độ chính trị của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, Đảng và nhân dân ta đã kiên quyết lựa chọn chỉ có sự lãnh đạo duy nhất của Đảng CSVN, Công đoàn Việt Nam là đại diện duy nhất của công nhân lao động. Đảng ta luôn xác định giai cấp công nhân có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, ngày nay là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

4. Các Hiến pháp năm 1980,1992 đều ghi nhận về vai trò vị trí, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn ở Điều 10, với nội dung kế thừa ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Năm 2001, Hiến pháp 1992 được sửa đổi bổ sung một số điều cho phù hợp với tình hình mới. Liên quan đến Điều 9 và Điều 10, Ủy ban dự thảo sửa đổi bổ sung Điều 9 về Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ) còn Điều 10 quy định về CĐVN được giữ nguyên. Mặt khác cũng thấy rằng, báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan khác cũng không đề cập vướng mắc gì trong thực hiện Điều 10, Điều 111 và cũng không có kiến nghị sửa đổi các điều này.

Như vậy hơn 30 năm qua, tổ chức Công đoàn luôn được ghi nhận trong Hiến pháp. Những vấn đề về Công đoàn luôn có một điều để quy định riêng và ngày càng hoàn thiện hơn. Vì vậy không có lí do gì lần sửa đổi này lại bỏ quy định về CĐVN trong Hiến pháp.

5. Trong Dự thảo sửa đổi lần này ở Điều 10 đã bỏ cụm từ Công đoàn "cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội" là rất phù hợp, nhằm khẳng định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Điều này là thể hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 2 là việc sửa đổi Hiến pháp cần thể hiện và phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Mỗi cơ quan, tổ chức theo chức năng của mình được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của tổ chức là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho công dân và thành viên, hội viên của mình. Cụ thể là Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của mọi công dân Việt Nam (Điều 15). Hội Nông dân Việt Nam chăm lo quyền và lợi ích của thành viên, hội viên của mình là nông dân. Hội thanh niên VN chăm lo quyền và lợi ích của thành viên, hội viên của mình là thanh niên. Các tổ chức xã hội khác có trách nhiệm chăm lo cho quyền lợi thành viên của mình…

Thống nhất với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Công đoàn được ghi nhận ở   Điều 10 "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". 

6. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam là hai tổ chức chính trị xã hội có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội, vì vậy Hiến pháp đã có hai điều riêng quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9) và Công đoàn (Điều 10). Cũng vì vậy Điều 111 đã quy định Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan là hoàn toàn phù hợp và logich. Theo đó, đề nghị Điều 106 của Dự thảo nên giữ nguyên nội dung như Điều 111 của Hiến pháp năm 2012.

 

Nguyễn Hòa

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9907200
Online
Hiện có: 37   Khách