Hiện nay, nhiều công nhân ở các khu, cụm công nghiệp gặp nhiều
khó khăn vì thiếu việc làm, giảm thu nhập
Hàng nghìn lao động, hàng trăm hộ kinh doanh cá thể và hàng nghìn người nghèo, cận nghèo chịu tác động do dịch bệnh Covid-19 phải nghỉ việc, mất việc làm, cuộc sống rơi vào khó khăn sẽ được Chính phủ hỗ trợ. Hiện nay, các ngành chức năng, địa phương đang tập trung khảo sát, lập danh sách nhằm sớm triển khai gói hỗ trợ, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Chật vật vì dịch bệnh
Hơn 2 tháng nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa và anh Lê Kim Nhật - công nhân công ty may đồ thể thao ở Khu công nghiệp Suối Dầu gặp nhiều khó khăn vì việc làm thất thường nên thu nhập giảm nhiều. Mặc dù tiền nhà trọ đã xin được khất nợ, nhưng với khoản thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng không thể đủ chi tiêu cho 2 vợ chồng với 2 con nhỏ. “Mới đây, công ty lại thông báo tạm ngừng hoạt động; không có việc làm đồng nghĩa không có thu nhập nên vợ chồng tôi phải về quê (thị xã Ninh Hòa) nương nhờ bố mẹ. Chờ khi nào dịch bệnh hết, công ty hoạt động trở lại thì quay vào làm. Nhưng, bố mẹ tôi cũng đã già yếu, không có chế độ gì nên tôi lo nếu tình hình dịch bệnh cứ kéo dài không biết lấy gì để chi tiêu, sinh hoạt. Rất mong nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ để phần nào giúp chúng tôi vượt qua khó khăn”, chị Hoa tâm sự.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cũng bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động do dịch bệnh. Chị Hồng cho biết: “Tôi làm việc cho một công ty kinh doanh ở lĩnh vực dịch vụ đã được 2 năm. Bây giờ bị mất việc làm, không có thu nhập nên cuộc sống rất khó khăn. Đi xin việc làm khác trong thời buổi này không có nơi nào nhận. Tình hình này mà tiếp tục kéo dài, không biết gia đình tôi lấy gì để sinh sống. Chỉ mong được nhà nước hỗ trợ một phần nào đó để gia đình trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Đã hơn 2 tháng nay, ông Lê Văn Toàn, chủ cơ sở kinh doanh đá granite trên đường Lê Hồng Phong (phường Phước Long, TP. Nha Trang) phải đóng cửa và cho 5 lao động nghỉ chờ việc. Ông Toàn cho biết: “Dịch bệnh khiến các công trình xây dựng dừng hoạt động, kéo theo hoạt động kinh doanh, buôn bán đá bị ảnh hưởng. Tuy cho 5 lao động nghỉ chờ việc nhưng mỗi tháng chúng tôi vẫn phải hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng để giữ chân người lao động. Mấy ngày qua, nghe thông tin trên báo chí nói về gói hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tôi rất mừng và mong chính sách sớm đến được tay người dân”.
Tập trung thống kê đúng đối tượng
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, việc Chính phủ đưa ra gói chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 là hết sức ưu việt, thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những ngày qua, sở đã phối hợp với những đơn vị có liên quan, địa phương tiến hành rà soát, thống kê các nhóm đối tượng. Trước mắt, đã thống kê được đối tượng hộ nghèo có 10.132 hộ với 38.770 nhân khẩu; 20.810 hộ cận nghèo với 81.826 khẩu; 6.947 người có công với cách mạng. Đối với nhóm đối tượng: người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp tạm nghỉ việc, nghỉ chờ việc không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm bị tạm ngừng kinh doanh… thì vẫn chưa rà soát, thống kê được. Đồng thời, việc rà soát, thống kê nhóm đối tượng này sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cần có thời gian. Tuy khó nhưng đơn vị vẫn cố gắng, nỗ lực để thống kê nhằm đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Điều mà ông Võ Bình Tân cũng như các địa phương băn khoăn nhất là cách thức thực hiện hỗ trợ. Đối với người lao động có hợp đồng lao động, việc kê khai danh sách tương đối dễ bởi cơ quan nhà nước, bảo hiểm xã hội đều nắm được số lượng. Nhưng hiện nay, có những doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động với người lao động, số người này bị mất việc và cả những lao động tự do đã về địa phương cũng phải điều tra, thống kê để hỗ trợ cho họ, tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay. Bên cạnh đó, có những lao động bị mất việc làm nhưng là thành viên của hộ nghèo, vậy được nhận 2 chính sách hỗ trợ hay một?. Do vậy, việc rà soát, thống kê thật chính xác, đảm bảo không bị trùng lắp đối tượng là điều rất gian nan. “Trước mắt, sở vẫn đang tập trung thực hiện thống kê, tuy nhiên để nhằm đảm bảo đúng đối tượng, sở vẫn đang chờ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy định, thủ tục, hồ sơ của từng đối tượng”, ông Tân cho hay.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 3-4, sở đã tiếp nhận thông tin từ 32 doanh nghiệp báo cáo về tình hình ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp này đã phải cho hơn 1.770 người lao động nghỉ việc, ngừng việc.
VĂN GIANG