Thứ Hai, 06/05/2024 23:24

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  26/10/2022 08:01     

Chính sách phải xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững


Quang cảnh Hội nghị tập huấn

Đánh giá những điểm nghẽn hiện nay của chính sách, pháp luật an sinh xã hội với trụ đỡ là Bảo hiểm Xã hội (BHXH) nhiều kiến nghị từ thực tiễn của cán bộ công đoàn, người lao động được gửi đến Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Khoảng trống an sinh sau đại dịch

Ngày 24.10, tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tập huấn đối thoại, tham vấn ý kiến của công nhân và cán bộ công đoàn về chính sách pháp luật, an sinh xã hội. 50 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chính sách pháp luật, cán bộ công đoàn ở doanh nghiệp có đông NLĐ của 10 LĐLĐ tỉnh khu vực Miền Trung- Tây Nguyên tham gia.


Đ/c Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại lớp tập huấn

Theo ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH là một trong các trụ cột an sinh xã hội. Thời gian qua, đặc biệt là dịch COVID-19 đang bộc bộ những khoảng trống chưa phù hợp. Nổi bật là lương hưu, độ tuổi đóng BHXH, BHXH một lần…Vấn đề xây dựng hệ thống an sinh xã hội chịu được những cú xốc như dịch bệnh, biến đổi khí hậu trong tương lai được đặt ra.

Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Thống kê sau đại dịch COVID-19 cho thấy cả nước hiện có gần 30 triệu lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH. Tình trạng chậm, trốn đóng BHXH đang có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Năm 2019 nợ BHXH hơn 10.000 tỷ đồng, năm 2020 là 11.600 tỷ đồng và đến tháng 9.2022 nợ 21.232 tỷ đồng. Thống kê của BHXH cho thấy 34% trong số đó chậm đóng 3 năm. Có gần 30.000 đơn vị DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn với số tiền BHXH còn nợ đọng trên 3.215 tỷ đồng ảnh hưởng quyền lợi của hơn 200.000 NLĐ chưa giải quyết được. Tình trạng người lao động (NLĐ) rút BHXH 1 lần tăng cao. Trước đại dịch năm 2012 cả nước có 963.000 trường hợp, nhưng 9 tháng đầu năm 2022 đã có 663.000 người rút BHXH 1 lần. Một điểm bất cập nữa là khoảng cách mức hưởng lương hưu đang tạo sự bất bình đẳng. Khoảng 10.000 lao động nhận lương thấp hơn mức lương cơ sở do đóng BHXH thấp…


Tổng LĐLĐ Việt Nam khảo sát CNLĐ tại KCN Suối Dầu

Khoảng trống an sinh xã hội sau đại dịch cũng được ông Andre Gama- Giám đốc Chương trình An sinh xã hội ILO chỉ ra: Những người nằm trong khoảng trống chính sách là nhóm người lao động nằm trong khu vực không chính thức. Nhóm lao động thu nhập thấp trung bình thấp bỏ sót rất nhiều trong hệ thống an sinh xã hội.

Cần mức sàn an sinh cho NLĐ

Làm sao để xây dựng được hệ thống an sinh xã hội chịu được những cú xốc trong tương lai là vấn đề được ông Ngọ Duy Hiểu đặt ra. Từ thực tế hoạt động tổ chức công đoàn cho thấy bất cập của các chính sách liên quan đến BHXH như thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu, quản lý thu chi BHXH, xu hướng rút BHXH 1 lần… Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch LĐLĐ Bình Định cho rằng: “Tồn tại lớn hiện nay là trốn đóng, đóng không đủ thậm chí trốn đóng BHXH của DN, NLĐ. Với chủ thể là NLĐ thì không quan tâm, không muốn đóng, tư tưởng muốn nhận BHXH 1 lần rộ lên sau dịch COVId-19 càng nhiều… Nguyên nhân phần thủ tục rườm rà, mức độ thụ hưởng thấp, thời gian thụ hưởng dài, điều kiện thủ tục hưởng và thời gian thanh toán kéo dài khiến NLĐ không mặn mà. Tồn tại nữa liên quan đến BHYT, chất lượng khám chữa bệnh đối với người có BHYT chưa được tốt, thuốc BHYT bị hạn chế theo danh mục nên kéo hiệu quả khám chữa bệnh không đáp ứng nhu cầu của người thụ hưởng dẫn đến không tin, không hấp dẫn chính sách. Các hành vi vi phạm của DN liên quan đến BHXH chậm bị xử lý. Vì thế cần điều chỉnh thời gian NLĐ được hưởng lương đóng BHXH giảm từ 20 năm xuống 10 năm để NLĐ được hưởng lương hưu. Cần có thủ tục hồ sơ riêng cho đối tượng LĐ làm việc ở những DN có chủ sử dụng lao động bỏ trốn để hoàn chỉnh hồ sơ cho NLĐ…”.

Đại diện LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Một nhóm lao động đang để trống ở các địa phương có nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ, lao động thời vụ khó tham gia BHXH bắt buộc lại không thuộc nhóm tham gia BHXH tự nguyện. Một số lách tham gia BHXH bằng các khoản thưởng, thông đồng để không tham gia BHXH chấp nhận lương thu nhập cao nhưng lương đóng BHXH thấp. Cần bổ sung BHTN, BHXH phải gắn liền với tiền lương vì thực tế thực hiện đâu đó vẫn tách rời. Cần sự ràng buộc, đồng bộ để người SDLĐ không chậm đóng được và tiền lương tham gia BHXH phải đúng. Đặc biệt cần tăng vai trò giám sát của công đoàn từ trao quyền khởi kiện cho công đoàn cấp trên chứ không nên để cho cơ sở như hiện nay.

Ông Nguyễn Phương Nam- Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Vinpearl Nha Trang cho rằng: “Nhận thức NLĐ thay đổi sau dịch, quan tâm trước mắt hơn là lâu dài nhất là thế hệ 9X đang có nhiều việc không nằm trong quy định của pháp luật, tách rời công việc truyền thống. Nên nên cần cơ chế chính sách liên quan đến truyền thông để kiểm soát ngăn chặn thông tin lệch lạc  trên mạng xã hội về chính sách an sinh”- ông Nam nói.

Theo ông Andre Gama- Giám đốc Chương trình An sinh xã hội ILO, để lấp khoảng trống này Việt Nam đã có chính sách rồi nhưng sự liên kết, thực hiện chính sách còn yếu. “Rút BHXH 1 lần vì cho rút và NLĐ cần nếu có khoản hỗ trợ hàng tháng thì họ sẽ không làm thế. Thế hệ lao động “bánh sandwich" hiện nay đang phải hỗ trợ cho 3 thế hệ mình, con và bố mẹ vì thế đảm bảo an ninh thu nhập là vấn đề cốt lõi. Vì vậy cần tập trung vào hệ thống an sinh ở mức sàn. Phải liên kết theo luật, liên kết chính sách để chỉ cho NLĐ họ cần làm gì. Hệ thống an sinh xã hội sàn và hướng đến đa tầng hướng đến đóng hưởng và không đóng hưởng để không có ai rơi vào khoảng trống chính sách".

P.Linh

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9981068
Online
Hiện có: 55   Khách