Thứ Tư, 24/04/2024 23:33

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  16/12/2019 10:55     

NÓI KHÔNG VỚI KỲ THỊ VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS


Quy trình xét nghiệm HIV/AIDS

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 20 điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về phòng, chống AIDS (UNAIDS) đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng trên toàn cầu. Số người nhiễm mới hàng năm đều giảm, số người nhiễm HIV được điều trị bằng các thuốc kháng vi rút tăng lên. Tuy nhiên, có một điều đáng nói là sự kỳ thị và phân biệt đối xử (KT&PBĐX) vối người nhiễm HIV vẫn tồn tại trong cộng đồng. Điều đó khiến cho người nhiễm HIV không dám công khai tình trạng bệnh của mình để tham gia điều trị bệnh. Đó là một trong những thách thức không nhỏ trên con đường hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Cách đây hơn 20 năm khi biết có một người bị nhiễm HIV thì hầu như cả cộng đồng luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, không dám đến gần, thậm chí cả người thân cũng không muốn tiếp xúc. Sở dĩ có hiện tượng KT&PBĐX một phần do lỗi của truyền thông khi tuyên truyền căn bệnh thế kỷ HIV gắn với những hình ảnh của các tệ nạn mại dâm và ma túy (đầu lâu, xương chéo), làm cho cộng đồng hiểu lầm rằng căn bệnh HIV là do con người sống buông thả, làm những việc băng hoại đạo đức. Do đó, người bị nhiễm HIV sống trong nỗi cô đơn, tủi nhục, phập phồng lo sợ ngay chính cộng đồng của mình. Có những người bệnh vì không chịu nổi điều tiếng của miệng lưỡi người đời mà đành dứt áo ra đi tìm nơi ở mới, có người vì tâm lý yếu không chịu đựng được sự ghẻ lạnh của chính người sinh ra mình mà tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho bản thân và cả người thân.

Sau 20 năm, với những nghiên cứu nghiêm túc về căn bệnh HIV/AIDS của đội ngũ các nhà  khoa học đầu ngành cùng với sự thay đổi tích cực về thông tin, hình ảnh của các cơ quan truyền thông đa phương tiện về căn bệnh HIV/AISD đã giúp cho người dân hiểu rõ HIV/AIDS là căn bệnh mãn tính phải được điều trị lâu dài và không dễ bị lây nhiễm,… thì những người nhiễm HIV/AIDS không còn bị xa lánh như trước đây. Họ vẫn làm việc và cống hiến cho xã hội, gia đình hòa thuận chung sống hạnh phúc với nhau, thực tế cho thấy nhờ những yếu tố gia đình và sự nhìn nhận của cộng đồng  giúp cho họ sống khỏe mạnh, yêu đời, sống có ích cho gia đình và cống hiến cho xã hội.

Cho đến nay, dù vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị dứt điểm căn bệnh này, nhưng với các loại thuốc kháng vi rút, ức chế quá trình vi rút nhân đôi trong mỗi tế bào giúp cho bênh nhân kéo dài sự sống và có cuộc sống bình thường. Hiện nay, các thuốc kháng vi rút (ARV) đã được sử dụng rộng rãi và được cấp miễn phí đồng thời thanh toán thông qua bảo hiểm y tế tại các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành trong cả nước.

Ở Việt Nam có những người chung sống với HIV hơn 20 năm vẫn khỏe mạnh và lao động bình thường, có nhiều đóng góp cho xã hội. Xét về bình diện tâm lý cho thấy, yếu tố tâm lý đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự tiến triển của bệnh tật nói chung và HIV/AIDS nói riêng. Tâm lý có chức năng định hướng cho hoạt động (vui thì làm tốt, buồn thì làm không tốt); chức năng khuyến khích, động viên, giúp đỡ con người vượt qua khó khăn bệnh tật và cuối cùng là chức năng kiểm soát và điều hành các hoạt động. Các nhà tâm lý học đã chứng minh, trong trạng thái vui tươi sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch, tăng cường tiết ra các enzim trung gian hướng thần, tăng cường chuyển hóa làm cho cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái hơn. Hơn nữa, tâm lý người mang bản chất tự nhiên, là hoạt động của thần kinh nội tiết và mang bản chất của xã hội. Tâm lý người được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ xã hội và trong giao tiếp.

Vì vây để người nhiễm HIV muốn có được tâm lý thoải mái đòi hỏi họ phải được giao tiếp thường xuyên hơn.  Cộng đồng xã hội phải tạo điều kiện cho họ bằng cách trao cơ hội việc làm, tăng cường đối thoại, bên cạnh đó các tổ chức chính trị xã hội (có liên quan) và các đơn vị sử dụng lao động có người nhiễm HIV chủ động tìm hiểu giúp đỡ để họ cảm thấy mình không bị bỏ rơi, mặc cảm, …

Để cho người nhiễm HIV/AIDS thực sự có cuộc sống tốt và có ý nghĩa hơn, bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân họ trong việc tuân thủ điều trị ARV, có lối sống lành mạnh. Thì mỗi người trong xã hội, trong cộng đồng dân cư nơi có người nhiễm HIV sinh sống phải không KT&PBĐX với họ, chỉ có như vậy mới làm cho người nhiễm HIV thấy được tôn trọng, yêu đời và cống hiến cho xã hội góp phần làm giảm thiểu số người nhiễm mới HIV trong cộng đồng.

KHÁNH NAM

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9931284
Online
Hiện có: 365   Khách